Cứ 20 giây lại có 1 trẻ tử vong do viêm phổi trên thế giới
Viêm phổi ở trẻ em là nguyên nhân số một gây ra tử vong của trẻ em trên thế giới. Theo số liệu gần đây của UNICEF và WHO, viêm phổi đã giết chết 2 triệu trẻ em mỗi năm, nhiều hơn tử vong do AIDS, sốt rét và sởi cộng lại. Ước tính mỗi ngày có khoảng 4.300 trẻ tử vong do viêm phổi trên toàn thế giới, nghĩa là cứ 20 giây lại có 1 trẻ tử vong do viêm phổi trên thế giới.
Riêng tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 2,9 triệu lượt trẻ mắc viêm phổi, do vậy nước ta được xem là 1 trong 15 quốc gia có số lượng trẻ mắc viêm phổi nhiều nhất thế giới. Hàng năm vẫn có khoảng 4.000 trẻ em Việt Nam chết vì viêm phổi.
1. Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ
Có nhiều nguyên nhân gây tình trạng viêm phổi ở trẻ, trong đó hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi thường là do vi khuẩn như Streptococcus nhóm B, vi khuẩn Listeria momocytogenes, H.influenza.s, S.aureus, Branhamella Catarrhalis. Đối với trẻ dưới 2 tháng thường là do vi khuẩn Klebsiella Pneumonia, E. Coli, vi khuẩn gram âm.
Ở trẻ từ 5-15 tuổi thường gặp do virus Respiratory Syncitial (RSV), H.influenza… Ngoài ra, viêm phổi ở trẻ em còn do ký sinh trùng, nấm, lao… Mặc dù cũng hiếm gặp nhưng Histoplasmosis Toxoplasmosis và Candida cũng có thể gây viêm phổi ở trẻ em trong một số hoàn cảnh đặc biệt.
Viêm phổi ở trẻ em là nguyên nhân số một gây ra tử vong của trẻ em
2. Dấu hiệu nhận biết viêm phổi ở trẻ em
Việc phát hiện và điều trị sớm viêm phổi có thể ngăn chặn tình trạng biến chứng nguy hiểm ở trẻ, giúp giảm thiểu tử vong.
Dựa theo các công trình nghiên cứu khoa học, các nhà nghiên cứu cho biết việc phát hiện trẻ bị viêm phổi qua các biểu hiện sau.
Trẻ viêm phổi sẽ thở nhanh - đây là triệu chứng xuất hiện sớm nhất khi trẻ bị viêm phổi. Các dấu hiệu này còn phát hiện được sớm hơn cả các dấu hiệu có được khi nghe phổi bằng ống nghe và cả khi chụp Xquang. Cách đếm nhịp thở nhanh ở trẻ bằng đồng hồ có kim giây.
Đếm được nhịp thở của trẻ trong một phút để xem trẻ có thở nhanh hay không. Gọi là thở nhanh khi nhịp thở của trẻ được tính như sau:
- Ở trẻ dưới 2 tháng nhịp thở từ 60 lần/ 1 phút trở lên.
- Ở trẻ từ 2 - 11 tháng từ 50 lần /1 phút trở lên.
- Ở trẻ từ 12 tháng đến 5 tuổi 40 lần /1 phút trở lên.
Các nhịp thở nhanh như trên có nghĩa là trẻ đã có triệu chứng viêm phổi thì cha mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị ngay.
Việc phát hiện và điều trị sớm viêm phổi có thể ngăn chặn tình trạng biến chứng nguy hiểm ở trẻ
Dấu hiệu viêm phổi trở nặng
Các dấu hiệu viêm phổi trở nặng của trẻ có thể phát hiện được nhờ các biểu hiện thở co lõm lồng ngực. Nghĩa là khi trẻ hít vào phần dưới lồng ngực sẽ bị cơ này kéo lõm vào thay vì nở ra như bình thường. Nếu cha mẹ phát hiện các biểu hiện bé thở co lõm lồng ngực thì bệnh viêm phổi đã nặng, cần nhập viện cấp cứu ngay để điều trị.
Cách nhận biết viêm phổi trở nặng khi bé thở co lõm lồng ngực một cách chuẩn xác, cha mẹ cần vén áo trẻ cao lên để thấy rõ vùng ngực và bụng trẻ, quan sát khi trẻ nằm yên, không bú, không khóc.
Khi nào cần cho trẻ đi cấp cứu ngay?
Đó là khi trẻ có 1 trong những dấu hiệu nguy hiểm sau:
- Ở trẻ dưới 2 tháng: Bỏ bú hoặc bú kém, co giật, trẻ ngủ li bì - khó đánh thức trẻ dậy, sốt hoặc lạnh, thở khò khè.
- Ở trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi: Trẻ không thể uống được gì cả, co giật, ngủ li bì - khó đánh thức, thở có tiếng rít.
Đây là các dấu hiệu cho biết có thể trẻ đang trong tình trạng nguy kịch vì vậy, cần đưa trẻ ngay tới cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời. Vì đây có thể là những nguy hiểm khác ngoài viêm phổi.
Chẩn đoán phân biệt
Thông thường viêm phổi cần được chẩn đoán với các bệnh lao phổi, trẻ bị dị vật đường thở vì trẻ có hội chứng xâm nhập, dị vật gây viêm phổi kéo dài hoặc lặp đi lặp lại. Bệnh suy tim cũng có một trong các dấu hiệu dễ nhầm lẫn với viêm phổi.
3. Điều trị viêm phổi ở trẻ em
Điều trị viêm phổi ở trẻ với nguyên tắc sử dụng kháng sinh, hỗ trợ hô hấp nếu cần và chế độ chăm sóc dinh dưỡng đúng… Ngoài ra, điều trị biến chứng nếu có.
Đối với viêm phổi việc điều trị cũng tùy thuộc vào từng cá nhân, tình trạng bệnh nhi, thể trạng, các bệnh lý kèm theo hay không mà các bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị thích hợp.
Việc điều trị kháng sinh là cần thiết. Đối với trường hợp nặng nếu khó thở thì được hỗ trợ hô hấp.
Trên thực tế không phải lúc nào cũng dễ dàng xác định được tác nhân gây bệnh là vi khuẩn hay virus, cho dù đa số trường hợp viêm phổi ở trẻ em là virus (chiếm khoảng 80-85%), nhưng vì tỉ lệ trẻ bị bội nhiễm rất cao, nên kháng sinh là thuốc được sử dụng rộng rãi trong điều trị viêm phổi và viêm phổi nặng. Với trẻ 2 tháng đến dưới 5 tuổi, kháng sinh lựa chọn ban đầu Cephalosporin thế hệ thứ ba. Với trẻ dưới 2 tháng tuổi mọi trường hợp viêm phổi đều được xem là viêm phổi nặng, kháng sinh ban đầu nhằm vào cả vi khuẩn gram âm và trực khuẩn gram dương. Ngoài ra, cần điều trị hỗ trợ khác như dinh dưỡng, hạ sốt, dãn phế quản, giảm ho, xoay trở, vật lý điều trị… Điều trị biến chứng nếu có đối với trường hợp tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, áp xe phổi, xẹp phổi…
Tiêm phòng HIB và phế cầu giúp giảm 50% viêm phổi ở trẻ em
4. Phòng ngừa viêm phổi ở trẻ
Có nhiều biện pháp để phòng ngừa viêm phổi trẻ em. Trong các biện pháp quan trọng nhất được chứng minh hiệu quả là cần cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh. Điều này giúp giảm gần ¼ viêm phổi ở trẻ em. Cần sử dụng bếp sạch, không khói giúp giảm 50% nguy cơ viêm phổi ở trẻ em. Tiêm phòng HIB và phế cầu giúp giảm 50% viêm phổi ở trẻ em.
Ngoài ra, để phòng bệnh viêm phổi ở trẻ cần thực hiện các biện pháp khác như: Nuôi dưỡng trẻ tốt, tránh suy dinh dưỡng. Cần cho trẻ uống Vitamin A theo khuyến cáo, tiêm phòng đầy đủ cho bé theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Ngoài ra, cần thường xuyên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Không để trẻ hít phải khói bụi, khói thuốc lá vì hít khói thuốc lá thụ động làm tăng gấp 2 nguy cơ viêm phổi ở trẻ. Với trẻ nhỏ trong quá trình chăm sóc, bế cần thực hiện rửa tay thường xuyên tránh tình trạng lây nhiễm cho bé. Biện pháp này đơn giản nhưng hiệu quả giúp giảm rõ nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính nói chung và viêm phổi nói riêng./.
Theo SK&ĐS