Tiếng Việt | English

27/02/2023 - 14:08

Vợ chồng già trồng thuốc Nam vì cộng đồng

Hơn 8 năm nay, ông Nguyễn Đức Hoàng (83 tuổi, ngụ khu phố Nhà Dài, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) và vợ là bà Võ Thị Nhựt (84 tuổi) vẫn miệt mài sưu tầm những giống cây thuốc Nam quý để trồng và cung cấp cho Phòng thuốc miễn phí chùa Kim Thọ (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An). Việc làm thiện nguyện đó là niềm vui lớn nhất của ông bà lúc tuổi già.

Bước vào sân vườn gia đình ông bà, điều đầu tiên cảm nhận được là mùi thơm của cây thuốc Nam đang phơi trước sân. Ngôi nhà có khuôn viên khá rộng nhưng lối đi nhỏ vì ông bà gần như dành toàn bộ không gian trống để trồng và phơi thuốc. Hiện gia đình ông bà trồng hơn 10 loại cây thuốc Nam: Bồ công anh, tam thất, trinh nữ hoàng cung, an xoa, dền gai, cần sen,... Các loại cây thuốc đều được ông bà tìm mua hạt, ươm giống để trồng.

Ông Đức Hoàng chia sẻ: “Các loại cây thuốc Nam được gia đình tôi chọn trồng là những loại thuốc quý, rất khó trồng nên tôi và vợ bỏ không ít tâm sức để chăm sóc. Đây cũng là những loại thuốc mà phòng thuốc miễn phí rất cần để sử dụng cho bệnh nhân. Tuy bị mất một cánh tay và cũng lớn tuổi nên việc trồng, chăm sóc thuốc đôi lúc khó khăn, vất vả hơn người khác nhưng được làm những công việc thiết thực, giúp ích cho xã hội, nhất là những bệnh nhân nghèo, tôi cảm thấy rất vui. Mỗi khi nghe thông tin có bệnh nhân thuyên giảm, tôi mừng lắm, có thêm động lực để tiếp tục trồng thuốc, giúp nhiều người hơn nữa”.

Ông Nguyễn Đức Hoàng và bà Võ Thị Nhựt chăm sóc vườn thuốc Nam

Ngoài trồng thuốc Nam trong vườn nhà, gia đình ông bà còn trồng xen kẽ với mít khoảng 0,2ha đất. Mỗi ngày, công việc chính của ông bà là chăm sóc, thu hoạch, cắt, phơi thuốc để cung cấp cho phòng thuốc miễn phí. Riêng những công việc nặng nhọc như tưới nước, chở thuốc được thu hoạch ngoài vườn mít về,... thì ông bà thuê người làm vì cả 2 đều lớn tuổi, không làm nổi.

Bà Nhựt tâm sự: “Chồng tôi có tâm nguyện trồng thuốc Nam giúp đỡ mọi người, tôi ủng hộ và cùng tham gia. Hàng ngày, vợ chồng tôi bắt đầu làm từ 6 đến 10 giờ, sau đó nghỉ trưa rồi tiếp tục làm từ 15 đến 17 giờ. Tôi chủ yếu chăm sóc cây thuốc trong vườn nhà; đồng thời, lựa cắt và phơi thuốc rồi cho vào bao. Chồng tôi thì dành thời gian chăm sóc cây thuốc ở vườn mít nhiều hơn”.

Những cây thuốc Nam của ông bà sau khi trồng thường khoảng 1 tháng là có thể thu hoạch. Các loại cây thuốc được trồng liên tục nên thời gian thu hoạch gần như mỗi ngày. Sau khi phơi thuốc thành phẩm, mỗi tuần khoảng 2 lần, ông bà nhờ người chở đến phòng thuốc miễn phí, mỗi lần chở khoảng 20kg thuốc các loại. Ngoài ra, ông bà cũng dự trữ một ít thuốc ở nhà để cho hàng xóm khi cần.

Không chỉ cung cấp thuốc Nam, ông Đức Hoàng còn hỗ trợ Phòng thuốc miễn phí chùa Kim Thọ mỗi tháng 10 triệu đồng. Ông Đức Hoàng trải lòng: “Phòng thuốc miễn phí ngoài thuốc Nam còn kết hợp kê đơn thuốc Bắc. Thuốc Bắc thì phải mua nên tốn kém kinh phí. Mỗi tháng, tôi có tiền lãi từ sổ tiết kiệm gửi ngân hàng, ngoài chi tiêu cho gia đình, tôi muốn dành tặng phần còn lại cho phòng thuốc để duy trì hoạt động tốt cũng như giúp bệnh nhân mau khỏe”.

Không còn những gánh nặng về mưu sinh, ở tuổi già, ông bà dành trọn tâm tư và thời gian cho việc làm thiện nguyện. Đặc biệt là những năm gần đây, ông bà gần như làm việc với những cây thuốc mỗi ngày. Với ông bà, công việc thiện nguyện đó vừa giúp ích cho đời, vừa mang lại niềm vui cho mình, để cuộc sống thêm ý nghĩa./.

An Nhiên

Chia sẻ bài viết