Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng công bố trước đồng bào và thế giới bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á, mở ra kỷ nguyên mới độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Từ đêm trường nô lệ, nhân dân ta thoát khỏi ách thống trị của thực dân, phong kiến, trở thành người làm chủ của đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 02/9/1945 (Ảnh tư liệu)
Dấu ấn lịch sử
Đúng 14 giờ ngày 02/9, Bác Hồ dẫn đầu phái đoàn Chính phủ bước lên lễ đài. Lá cờ đỏ sao vàng từ từ được kéo lên trên nền bài hát Tiến quân ca hùng tráng. Trên lễ đài, Bác Hồ và các thành viên Chính phủ giơ tay chào Quốc kỳ, phía dưới một rừng cánh tay cùng giơ lên. Vang trong gió là một giọng nói đậm đà âm sắc xứ Nghệ: “Hỡi đồng bào cả nước! Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng…”. Biển người kết thành một khối im phăng phắc, lắng nghe từng lời như thấm vào tận trái tim mình.
“Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập! Vì những lẽ trên, chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Bản Tuyên ngôn đã trở thành sức mạnh to lớn đưa toàn dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện lời thề thiêng liêng trong ngày Lễ độc lập: “Quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, cách mạng Việt Nam giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong suốt 74 năm qua.
Phát huy hào khí Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 02/9, Long An đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, đạt nhiều kết quả tích cực
Ghi nhớ công ơn
Mỗi khi nhắc đến Ngày Quốc khánh 02/9, trong trái tim mỗi người Việt Nam lại bùng lên những cảm xúc thiêng liêng, xúc động, niềm kiêu hãnh và lòng tự hào dân tộc. Đây cũng là dịp để tất cả người dân Việt Nam, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài cùng hướng về Tổ quốc, cùng nhau tưởng nhớ những anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước và công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Anh hùng dân tộc, vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Anh, ngụ xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, kể với giọng bùi ngùi: “Để có được hòa bình hôm nay, nhân dân ta đã đổ biết bao xương máu. Trong đó, rất nhiều đồng đội, người thân trong gia đình tôi đã hy sinh. Hơn ai hết, tôi thấu hiểu nỗi đau do chiến tranh gây ra và càng trân quý hơn giá trị của nền độc lập, tự do. Dù đau thương, mất mát nhưng tôi cảm thấy rất ấm lòng khi những cống hiến đó đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận”.
Quốc khánh 02/9, ngày Tết Độc lập không chỉ có ý nghĩa lịch sử to lớn với cả dân tộc mà còn là lời nhắc nhở thế hệ trẻ ngày nay khi sinh ra trong hòa bình, không phải chứng kiến cảnh đất nước chia cắt, súng đạn và chiến tranh, phải luôn luôn học tập, rèn luyện sao cho xứng đáng với câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, cũng như giáo dục lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của ông cha ta, đã kiên cường, bất khuất đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với cả nước, Long An tưng bừng kỷ niệm 74 Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 02/9. (Trong ảnh: Các tuyến đường TP.Tân An treo băng rôn, cờ hoa rực rỡ)
Lần giở những trang sử hào hùng của quê hương, đảng viên trẻ Lê Việt Hằng, ngụ xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tự hào: “Thế hệ cha ông ta trải qua biết bao khó khăn, gian khó, hy sinh để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Vì vậy, thế hệ trẻ phải giữ gìn, phát huy truyền thống quý báu đó. Phát huy hào khí Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9, tôi nguyện tiếp bước cha ông, cùng với tuổi trẻ tỉnh nhà lao động, sáng tạo, cống hiến xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng, đổi mới, đưa Long An từng bước phát triển nhanh và bền vững”.
Quê hương đổi mới
Có dịp trở lại những vùng căn cứ cách mạng năm nào, nơi ghi dấu những chiến công vang dội của quân và dân ta, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay. Ông Lê Văn Chính (88 tuổi), ngụ xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An vui mừng vì quê hương đã khoác lên mình “chiếc áo mới”: “Giờ đây, điện, nước sinh hoạt và ánh sáng văn hóa đã đến với mọi nhà. Các em nhỏ được cắp sách đến trường. Người dân được quan tâm chăm sóc sức khỏe. Đời sống vật chất lẫn tinh thần được nâng lên rõ rệt”.
Từng bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, nhưng nhờ biết phát huy nguồn lực sẵn có và tranh thủ sự hỗ trợ từ Trung ương, Đảng bộ tỉnh tập trung hoàn thành nhiều công trình trọng điểm, chương trình đột phá, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH. Trải qua 33 năm đổi mới (từ năm 1986 đến nay), từ một tỉnh thuần nông, cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Diện mạo quê hương từ nông thôn đến thành thị có những đổi thay vượt bậc.
Vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh nay là vựa lúa của cả khu vực
Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2015-2020), Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP hàng năm của tỉnh đạt từ 9% trở lên (năm 2018 đạt 10,36%, vượt chỉ tiêu đề ra là 9,4%, cao nhất trong 3 năm gần đây; 6 tháng đầu năm 2019 đạt 9,89%). Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 đứng thứ 3 trên cả nước,... Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe nhân dân, hưởng thụ văn hóa và bảo đảm an sinh xã hội. Hoạt động của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở có sự chuyển biến tích cực.
Phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương, ông Hồ Văn Hai, ngụ xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, nói: “Trước đây vùng Đồng Tháp Mười chỉ canh tác một vụ/năm với năng suất thấp. Đời sống người dân chịu nhiều khó khăn vì đất rộng, người thưa, kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông đường bộ hầu như không có. Ấy vậy mà nay, sau 44 năm giải phóng, vùng bưng, trấp ngày nào giờ trở thành vựa lúa cho cả khu vực, điện, đường, trường, trạm được đầu tư,... Đời sống người dân được nâng lên đáng kể”.
74 năm trôi qua nhưng hào khí Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9 sẽ còn vang vọng mãi, trở thành nguồn cổ vũ tinh thần cho Đảng và nhân dân ta thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng một nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như niềm mong mỏi của Bác Hồ kính yêu./.
An Kỳ