Tiếng Việt | English

22/11/2020 - 07:00

Vườn bơ của thầy Tuấn

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

An cư trên vùng đất này cũng khá lâu, có khi gần mười năm chứ chẳng ít, thầy giáo Tuấn là người có uy tín nhất làng. Thầy cũng là nông dân tri thức chính hiệu, hay lam hay làm. Căn nhà nhỏ đơn sơ của thầy là căn gác theo kiểu nhà dài Ê Đê nhưng không có mái cao vút, nhọn hoắt mà là mái tôn ngang lè tè. Dưới cái nóng oi bức của gió Lào, đồng bào cứ nhìn thầy cười cười mỗi khi đi ngang qua. Chắc họ nghĩ, ngồi trong ngôi nhà ấy như ngồi trong chảo lửa. Ngược lại, nó mát mẻ và thoáng đãng hơn những căn nhà của đồng bào. Cửa đi được trổ ra hướng đông và hướng nam, cũng là cửa chính và cửa hông của ngôi nhà. Ở đó luôn có gió, thứ gió của vùng cao trong lành và mát mẻ. Quanh nhà là cửa sổ san sát nhau như những máy điều hoà nhiệt độ vạn năng. Trên trần nhà là bức tranh trừu tượng hình khối nhiều màu sắc được đắp nổi bằng những tấm xốp dày, mỏng khác nhau. Đó là rác của các cửa hàng điện máy ở phố nhưng qua bàn tay tài hoa của thầy Tuấn đã thành tác phẩm mỹ thuật độc đáo.

Ngày về nhà mới, thầy Tuấn làm mâm cơm thết đãi chòm xóm, tất nhiên có cả già làng. Ở nơi này, già làng rất có “tiếng nói”. Là vùng bán sơn địa nên đồng bào ở đây làm rẫy là chính, ngoài lúa và ngô thì vùng này còn thích hợp cho cây bơ phát triển. Một vụ bơ của thầy Tuấn với hai sào đất cũng thừa mua chiếc Dream Thái mới toanh mà chẳng phải suy nghĩ gì. Tuy vậy, nếu không có kiến thức về trồng trọt và ghép cành cho thuần chủng thì vườn bơ cũng chẳng trái nào giống trái nào. Đa phần người ta trồng bơ bằng hạt, trước đây thầy Tuấn cũng làm như thế nhưng còn kỹ hơn là chỉ dùng hạt của một cây duy nhất. Vậy mà, cây thì cho bơ sáp, cây thì bơ nước, trái thì dày cơm, trái lại mỏng dính. 6 năm trồng và chăm bón, không lẽ phải cắt sát gốc chờ cây mọc nhánh nhỏ rồi mới ghép giống khác thì tiếc quá. Suy nghĩ, đắn đo, cuối cùng thầy Tuấn chọn phương pháp ghép mụt, nghĩa là ghép mắt ngủ, đó cũng là cách tiết kiệm cành ghép nhất. Miệt mài ba năm cải tạo, vườn bơ của thầy Tuấn bây giờ đã thành điểm tham quan của nhiều nhà nông, nhà báo, nhà đài và cả nhà khoa học.

Thầy Tuấn biết rằng không thể khuyên đồng bào làm theo mình khi mà họ chưa thấy rõ kết quả. Thầy nghĩ cách khác. Ngày phát quang vườn chuẩn bị gốc ghép, thầy Tuấn nhờ già làng thông báo cho bà con trong bản biết, ai cần củi đốt thì cứ tới nhà thầy lấy. Họ tỏ vẻ ngạc nhiên nhưng chắc chắn là họ đang quan sát cách làm của thầy. Rồi khi ghép, thầy Tuấn cũng mời già làng và một số đồng bào nhà bên cạnh sang chơi, cũng có rượu, trà để họ xem việc làm của thầy. Tuy vậy, thầy Tuấn chẳng thể nào lay động được ai, kể cả già làng để trồng bơ theo cách của mình. Một hôm, thầy Tuấn sang mời già làng qua hái giúp trái bơ đầu vụ thì già làng mới thật sự bàng hoàng, tiếc nuối:

- Phải chi hồi đó tui làm theo thầy.

- Thì bây giờ cũng có muộn đâu.

- Có đấy, người ta chỉ châm bẩm vô vườn của thầy, thích trái bơ của vườn nhà thầy. Còn cả làng này cứ như ma ám, trái bơ thì nhiều mà chả ai muốn ăn chứ đừng nói chi mua.

- Vậy chừng nào mình bắt đầu đây.

- Ngay bây giờ được không thầy.

- Không được, đang mùa cây cho trái mà, sau mùa trái cây còn phải nghỉ ngơi nữa chứ. Nếu cắt cành lúc này thì cây sẽ chết. Sang xuân nhé.

- Dạ.

Sang xuân, cả làng đồng loạt ra quân, thầy Tuấn lo lắng, cùng một lúc làm sao có đủ mắt ghép. Lại phải gặp già làng, lại phải thoả thuận với dân bản về số lượng gốc ghép, số lượng mắt ghép. Thầy Tuấn cũng không quên tổ chức lớp tập huấn thực hành ngay tại vườn của già làng. Trai trẻ trong làng bây giờ thông minh hơn thầy Tuấn tưởng, em nào cũng được hướng dẫn tận tình, được thực hành ít nhất là một lần. Dĩ nhiên là mắt ghép do thầy Tuấn cung cấp.

Tích tắc mà đã mười năm rồi, bây giờ vào bản Gòn, người ta chỉ có thể nghe một thương hiệu duy nhất: “Bơ thầy Tuấn”. Thương lái cũng thế: “Có bơ thầy Tuấn không, hái đem đây tui mua cho…”…

Đêm, thầy Tuấn nằm rồi nghĩ, đã mang cái nghề gõ đầu trẻ mà trẻ không nên người thì thầy cũng có lỗi. Dạy trẻ đã khó, cảm hóa bạn hay người lớn tuổi hơn mình càng khó hơn, làm được điều đó không gì khác hơn là lòng nhiệt tình và sự tận tụy. Đó cũng là nghệ thuật sống cao cả của người thầy có lương tâm, trách nhiệm./.

Lý Thị Minh Châu

Chia sẻ bài viết