Tiếng Việt | English

31/10/2020 - 14:46

Xây dựng Đền tưởng niệm tri ân các anh hùng, liệt sĩ Trung đoàn 88

Để ghi dấu sự kiện lịch sử, tưởng nhớ công lao, sự mất mát, hy sinh xương máu của các anh hùng, liệt sĩ, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau, Đền tưởng niệm được xây dựng trong khu Di tích lịch sử Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 88 tại xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An.

Đền tưởng niệm tri ân các anh hùng, liệt sĩ Trung đoàn 88 được xây dựng

Sau hơn 1 năm thi công, các hạng mục chính của công trình Đền tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 88 được hoàn thành gồm khu đền chính, nhà chuông, nhà bảo vệ. Công trình hoàn thành thể hiện tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm của lãnh đạo huyện Tân Hưng, nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ và của mọi người dân, trong đó có sự đóng góp tiền của, công sức của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài huyện.

Công trình được xây dựng trên tổng diện tích 5.000m2 do gia đình ông Lê Hoàng Tư ở xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường hiến đất, với tổng kinh phí gần 6,6 tỉ đồng từ nguồn vận động xã hội hóa và ngân sách huyện. Trong đó, vốn xã hội hóa do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động các mạnh thường quân tài trợ gần 3,5 tỉ đồng.

Cuối năm 1969, đầu năm 1970 Bộ chỉ huy Miền Nam điều động 3 Tiểu đoàn (K7, K8, K9) thuộc Trung đoàn 88 xuống chiến trường Kiến Phong (Đồng Tháp), Kiến Tường (Long An). Tiểu đoàn 7 sau khi được củng cố, bổ sung lực lượng, tổ chức biên chế gồm: 3 đại đội bộ binh, 1 đại đội hỏa lực và các trung đội trực thuộc Tiểu đoàn, quân số trên 400 cán bộ, chiến sĩ, do đồng chí Tô Thành Sóc làm Tiểu đoàn trưởng.

Đầu tháng 02/1970, Tiểu đoàn 7 nhận lệnh di chuyển xuống chiến trường, do quân số đông nên phải chia làm 2 đợt hành quân, bộ phận đi trước đêm 04/02 (29 Tết Kỷ Dậu), bộ phận đi sau đêm 05/02 (30 tết Kỷ Dậu). Sáng ngày 06/02, bộ phận đi sau đã gặp bộ phận đi trước và cùng tập kết tại rừng tràm kênh 62, xã Vĩnh Đại.

Vị trí trú quân của Tiểu đoàn 7 bị địch phát hiện, đến khoảng 13 giờ cùng ngày, chúng sử dụng máy bay, phi pháo ở Kiến Tường và Kiến Phong bắn dữ dội vào nơi trú quân của Tiểu đoàn 7, địch huy động lực lượng với số lượng lớn quân lính (4-5 Tiểu đoàn) bao vây, tiến công tiêu diệt lực lượng bộ đội ta.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 7 đã nổ súng chống trả quyết liệt làm cho quân địch thương vong lớn, tuy nhiên, do không có hệ thống công sự chiến đấu và phần đông là chiến sĩ ở Miền Bắc mới vào nên không quen thuộc địa hình đồng bằng, sông nước, kênh rạch, không có lực lượng phía sau chi viện, phải chịu đựng sức tiến công tàn phá của bom đạn, hỏa lực mạnh của địch, nên số lượng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 7 hy sinh tại đây trên 300 đồng chí, còn khoảng 100 đồng chí vượt khỏi vòng vây của địch rút lui về bên kia biên giới Campuchia nơi Trung đoàn 88 đứng chân.

Ngay sau trận đánh kết thúc, địch vẫn tiến hành bao vây để lấy xác, đồng thời cài mìn trên người của bộ đội ta đã hy sinh với mục đích nhằm tiêu diệt lực lượng của ta khi đến lấy xác của đồng đội.

Do đó, sau một thời gian thì người dân ở địa phương và lực lượng dân quân xã Vĩnh Đại mới có thể an táng các chiến sĩ đã hy sinh, nhưng chủ yếu là đậy mũ và lấp đất, còn khoảng 30- 40 chiến sĩ còn nằm dưới đìa cặp kênh 62 không thể an táng được.

Xây dựng Đền tưởng niệm góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau

Từ năm 1982 đến nay, chính quyền địa phương và người thân của các liệt sĩ đã tiến hành tìm kiếm và cất bốc được 83 bộ hài cốt. Hiện còn khoảng trên 200 bộ hài cốt chưa tìm kiếm được do lâu ngày bị vùi lấp, không xác định được nơi chôn và hiện tại khu vực này người dân đã phá tràm san lấp mặt bằng để sản xuất lúa. Mặt khác, khoảng  30- 40 bộ hài cốt nằm dưới đìa cặp kênh 62 không được an táng lâu ngày đã bị phân hủy.

Từ năm 2012, người dân trong khu vực dựng lên một miếu thờ tạm bằng tôn nhỏ cặp kênh 62. Hàng năm, vào dịp 27/7, nhân dân xã Vĩnh Đại và một số ít gia đình có người thân hy sinh trong trận càn của địch và đồng chí, đồng đội tập trung về đây thắp hương tưởng niệm và cúng giỗ tập thể cho các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh.

Theo Quyền Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Huỳnh Thanh Hiền, việc xây dựng Đền tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ trận đánh Kênh 62 có ý nghĩa thiêng liêng, nhằm tôn vinh, tri ân các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, góp phần giáo dục lòng yêu nước, phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và tinh thần “Đền ơn đáp nghĩa”.

Tháng 5/2018, UBND tỉnh Long An có quyết định số 1508/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với Di tích lịch sử Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 88 hy sinh trong trận chống càn tại khu vực kênh 62 (từ ngày 06/02 - 07/02/1970), ấp Vĩnh Ân, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An./.

                                                                                           Trung Kiên

Chia sẻ bài viết