TP.Tân An đang triển khai xây dựng thành phố thông minh
Phát triển dịch vụ đô thị thông minh
TP.Tân An được công nhận là đô thị loại II, đang trong giai đoạn nâng chất các tiêu chí và hướng đến đô thị loại I vào năm 2025, việc xây dựng thành phố thông minh mang nhiều ý nghĩa. Đối với Tân An, xây dựng thành phố thông minh là hướng đến cuộc sống tốt đẹp cho người dân, lấy người dân làm trung tâm trong quá trình triển khai, thực hiện. Chị Nguyễn Thị Dung (phường 3, TP. Tân An) chia sẻ: Thành phố thông minh là cách mà chính quyền địa phương mang lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, kết cấu hạ tầng thông minh từ điện, đường,... đến trường học, y tế. Để xây dựng thành công, chính quyền cần thường xuyên tương tác, nắm bắt những điều người dân cần, đáp ứng những điều cơ bản trước khi tiến đến những mục tiêu cao hơn, thành phố xanh, sạch, không khí trong lành.
Còn anh Võ Bá Thoại (phường Khánh Hậu, TP.Tân An) cho rằng: “Tôi thường xuyên quan tâm, theo dõi các thông tin và rất vui mừng khi biết Tân An đang tổ chức xây dựng thành phố thông minh. Tôi hy vọng với những tiện ích của những công cụ, công nghệ thông tin,... từ việc xây dựng sẽ đem lại cho thành phố những điều mới mẻ, diện mạo mới, bảo đảm chất lượng cuộc sống của người dân”.
Được chọn làm mô hình điểm của Đề án “Phát triển dịch vụ ĐTTM trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án ĐTTM tỉnh), hiện nay, TP.Tân An đang nỗ lực tìm hiểu, khảo sát hạ tầng để xây dựng thành phố thông minh. Đề án xây dựng ĐTTM được thành phố tiến hành xuất phát từ yêu cầu thực tế, thành phố tập trung ưu tiên phát triển các thành phố thông minh trong các lĩnh vực: Chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, giao thông, hệ thống chiếu sáng công cộng, trung tâm điều hành thông minh,...
Đến nay, thành phố đang triển khai làm việc với các đơn vị tư vấn thực hiện đề án, trước mắt sẽ tập trung lắp đặt camera thông minh và chiếu sáng thông minh ở khu vực nội thị. Theo đó, camera thông minh sẽ có trung tâm giám sát, điều hành thông minh. Thành phố sẽ chọn địa điểm bố trí để hệ thống theo dõi, quan sát, bảo đảm tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn; đồng thời, tiếp nhận những kiến nghị, phản ánh của người dân trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, hệ thống này còn đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ người tham gia giao thông và các cơ quan quản lý nhà nước. Hệ thống sẽ điều khiển giao thông bằng đèn tín hiệu; hệ thống giám sát, xử lý vi phạm hành chính bằng hình ảnh. Đồng thời, giúp các ngành chức năng có thể quản lý chiếu sáng, điều chỉnh tốc độ sáng cũng như thuận lợi hơn trong công tác vận hành, bảo trì thiết bị và vừa tiết kiệm năng lượng. Ở một khía cạnh khác, thành phố thông minh không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, mà còn bảo đảm tính minh bạch, hạn chế được tiêu cực.
Trong lộ trình xây dựng ĐTTM, thành phố cũng tập trung xây dựng chính quyền điện tử. Đến nay, Tân An hoàn thành 2 dự án ứng dụng công nghệ thông tin. Đó là dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới chính quyền điện tử” bằng việc đưa vào sử dụng hệ thống thiết bị phục vụ hội nghị truyền hình trực tuyến. Đối với dự án “Xây dựng chính quyền điện tử”, TP.Tân An vừa đưa vào vận hành hệ thống “Tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp” để giúp họ gửi phản ánh thông tin trên các lĩnh vực trong đời sống xã hội: Trật tự đô thị; trật tự xây dựng; trật tự, an toàn giao thông; lĩnh vực quảng cáo; tài nguyên và môi trường và các vấn đề khác nhằm giúp chính quyền thành phố nhanh chóng tiếp cận và xử lý theo quy định.
Theo đó, việc tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức bằng 2 phương thức: Tiếp nhận qua ứng dụng trên thiết bị di động: Tân An Pakn và địa chỉ website: http://pakn.tanan.longan.gov.vn.
Nhiều tiện ích
Thực tế, đối với cả nước nói chung và Long An nói riêng, hiện nay, các mô hình ĐTTM vẫn đang ở giai đoạn xây dựng thí điểm. Dù được đánh giá có nhiều ưu điểm trong việc điều hành, quản lý đô thị, tuy nhiên, việc mở rộng và triển khai vào thực tế đối với các mô hình ĐTTM sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm vẫn còn rất nhiều “điểm nghẽn” cần tháo gỡ.
Tại TP.Tân An, địa phương đang phối hợp doanh nghiệp thu thập các dữ liệu để xây dựng Trung tâm Điều hành ĐTTM. Với những tiến bộ về công nghệ hiện nay, nền tảng về kỹ thuật công nghệ để thực hiện xây dựng ĐTTM đều có sẵn và đáp ứng được nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, cơ chế đầu tư, vận hành lại là “bài toán” đang cần lời giải. Thực tế ở các đô thị nằm trong lộ trình xây dựng thành phố thông minh cho thấy, các Trung tâm Điều hành ĐTTM đang ở dạng thí điểm và được các doanh nghiệp đầu tư thực hiện. Doanh nghiệp đầu tư phải có nguồn thu, tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp đang tự bỏ tiền đầu tư nhưng chưa thấy được nguồn thu. Vậy sau khi thí điểm thành công thì tiền đâu để làm, chưa kể hiện doanh nghiệp đầu tư thực hiện thí điểm nhưng khi triển khai thực tế phải thông qua cơ chế đấu thầu.
Một vướng mắc cần tháo gỡ nhất hiện nay chính là cơ chế vận hành ĐTTM. Nếu như Trung tâm Điều hành ĐTTM tiếp nhận thông tin về một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn một phường thì giữa các cơ quan chức năng, bộ phận nào phải đến hiện trường đầu tiên? Trách nhiệm giải quyết vụ việc giữa các cơ quan chức năng được phân công như thế nào? Sau khi nhận phản ánh về vụ tai nạn, cơ quan công an phải làm gì, UBND phường sẽ làm gì? Xa hơn, mô hình ĐTTM còn có việc tiếp nhận các phản ánh của người dân. Khi tiếp nhận phản ánh, trách nhiệm giải quyết của các cơ quan chức năng như thế nào?,...
Không chỉ gặp vướng mắc về đầu tư, cơ chế vận hành, đội ngũ vận hành cũng là trở ngại mà mô hình ĐTTM đang gặp phải. Phải xây dựng quy trình như thế nào để mọi phản ánh của người dân đều được tiếp thu, tiếp nhận, xử lý tới nơi, tới chốn. Từ đó, tạo được sự tin tưởng, tín nhiệm của người dân vào hệ thống để tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Để khắc phục những vấn đề này, ngoài những nỗ lực của địa phương, TP.Tân An đặc biệt chú trọng đến việc huy động các nguồn vốn đầu tư từ xã hội, đẩy mạnh, mở rộng hợp tác; tăng cường sự tương tác giữa người dân với chính quyền; bố trí cán bộ có trình độ để khai thác các tài nguyên của hệ thống,...
Đồng thời, TP.Tân An tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để nhận thấy sự khác biệt giữa đô thị cũ và ĐTTM, tăng cường sự tương tác với chính quyền thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, thành phố mong rằng tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh cũng như sự tham gia của các doanh nghiệp và cộng đồng.
Thành phố thông minh góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố
Phó Chủ tịch UBND TP.Tân An - Võ Hồng Thảo khẳng định: Chất lượng thành phố thông minh dựa trên nền tảng tiến bộ của khoa học - công nghệ. Đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin kết hợp trí tuệ nhân tạo và nền tảng dữ liệu lớn, giải quyết những vấn đề của đô thị cũ, nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố. Với một lộ trình cụ thể, rõ ràng cùng với những bước đi thận trọng, TP.Tân An phấn đấu xây dựng thành công thành phố thông minh, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển chung của tỉnh nhà. Đồng thời, trong tương lai gần, Tân An sẽ là đầu mối kết nối giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền trong các dịch vụ ĐTTM, hướng đến hỗ trợ tổ chức, cá nhân giao tiếp với nền tảng hành chính công hiệu quả hơn, giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực.
Xây dựng thành phố thông minh không chỉ đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người dân, mà còn giúp cơ quan công quyền quản lý nguồn lực một cách hiệu quả nhất, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy. Với sự quyết tâm của chính quyền TP.Tân An và những định hướng, mục tiêu cụ thể, có thể tin rằng đô thị trẻ bên bờ sông Vàm có đủ cơ sở để xây dựng thành phố thông minh bền vững, phát triển đúng với tiềm năng, thế mạnh, mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân./.
Thanh Mỹ