Tiếng Việt | English

09/06/2017 - 10:18

Xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông: “Đường băng” để kinh tế cất cánh

Là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời, là địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cửa ngõ từ các tỉnh miền Tây về TP.HCM và ngược lại; Long An xác định nâng cấp hạ tầng giao thông, tạo nên hệ thống đường giao thông rộng lớn, phục vụ phát triển vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh cũng như kết nối các tỉnh liên vùng. Một trong những giải pháp là phân bổ nguồn vốn và huy động mọi nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ trên trong điều kiện ngân sách hạn chế.


Đường nối từ Đường tỉnh 830 đến Quốc lộ N2

Huy động mọi nguồn lực

Theo nhận định của người dân cũng như các nhà đầu tư đóng trên địa bàn tỉnh, chưa bao giờ hạ tầng giao thông của Long An được đầu tư mạnh mẽ như hiện nay. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, tạo diện mạo ngày càng khang trang.

Đây chính là kết quả bước đầu của tỉnh trong thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 04/3/2016 của Tỉnh ủy về Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điể (gọi tắt là chương trình). Đây là tiền đề cũng như động lực để tỉnh xúc tiến đầu tư, vươn lên trở thành một trong những đầu tàu kinh tế của khu vực phía Nam.

Chương trình có 14 danh mục công trình giao thông, đến nay, có 3 công trình hoàn thành, 7 công trình đang thi công, 4 công trình đang khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ để triển khai thi công trong thời gian tới.

Trước đây, trên địa bàn huyện Đức Hòa, đoạn từ Đường tỉnh (ĐT) 830 đến Quốc lộ (QL) N2 là nỗi ám ảnh của người dân lẫn doanh nghiệp (DN) khi lưu thông, chuyên chở hàng hóa. Thì nay, đoạn đường này trở thành điểm nhấn khá đẹp, đường được trải nhựa, cầu Sông Tra được xây mới rộng rãi, thông thoáng. Đoạn đường này có chiều dài hơn 500m, mặt rộng 11m, nền rộng 9m cùng cầu Sông Tra tải trọng HL93, khổ cầu 12m. Tổng mức đầu tư 84 tỉ đồng.

Tiếp nối ĐT830 đến QLN2 là ĐT823 (đoạn từ Trà Cú đến ngã tư Hậu Nghĩa), rồi đến ĐT825 (đoạn từ nút giao QLN2 đến ngã tư Hậu Nghĩa) đều trải dài màu nhựa mới. Tổng chiều dài của 2 tuyến đường này trên 9,1km với kinh phí xây dựng trên 102 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.

Đoạn đường từ Trà Cú đến Ngã tư Hậu Nghĩa đã hoàn thành

Bên cạnh những công trình giao thông được thực hiện bằng nguồn ngân sách, nhiều dự án hạ tầng giao thông đang trong quá trình triển khai, có không ít nhà đầu tư, DN quan tâm, đồng hành với chính quyền tỉnh trong việc hỗ trợ kinh phí thực hiện nhằm đón bắt cơ hội mới trong lĩnh vực đầu tư. Điển hình như ĐT833B (đoạn từ QL1 đến sông Vàm Cỏ Đông), ở dự án thành phần 2, ĐT830B đoạn từ ĐT833B đến Hương lộ 17 dự kiến thay thế dự án ĐT833B (đoạn từ ĐT830B đến sông Vàm Cỏ Đông, chưa thi công).

Theo dự kiến, đường có điểm đầu giáp ngã ba giao giữa ĐT833B và ĐT830B, điểm cuối giao với Hương lộ 17, chiều dài 1,917km. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 và chi phí giải phóng mặt bằng cho cả 2 giai đoạn dự kiến 116,5 tỉ đồng. Theo thống nhất giữa UBND tỉnh và DN, nguồn vốn đầu tư đoạn đường này từ ngân sách tỉnh và DN. Trong đó, ngân sách tỉnh 25,5 tỉ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng, xây dựng đường của 200m đầu tuyến; phần còn lại do DN hỗ trợ.

Hay như đường Lương Hòa - Bình Chánh (chưa thi công), UBND tỉnh cho chủ trương Công ty Cổ phần Prodezi Long An góp vốn 71%, ngân sách tỉnh góp 29%. Phương thức thực hiện là DN ứng và UBND tỉnh sẽ hoàn trả cho DN sau khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng. Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải đang hoàn chỉnh thủ tục để điều chỉnh quy mô dự án, chủ trương đầu tư và điều chỉnh cục bộ quy hoạch phát triển giao thông đường bộ đối với khu vực có dự án này nhằm bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông của huyện Bình Chánh (TP.HCM) và của tỉnh.

Bên cạnh chủ trương đúng đắn của tỉnh, sự chung tay của DN, thời gian qua, trên từng tuyến đường giao thông, khi vận động giải phóng mặt bằng, đa số người dân đều đồng tình ủng hộ, tự nguyện hiến đất và tự di dời vật kiến trúc, hoa màu,... giao mặt bằng cho đơn vị thi công.


Thi công cầu Long Kim trên đoạn Đường tỉnh 830 (đoạn Bến Lức - Tân Tập)

Vướng giải tỏa, đền bù

Tại Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU, ngày 04/3/2016 của Tỉnh ủy, đại biểu cho rằng, các dự án đang triển khai về cơ bản thực hiện theo đúng kế hoạch, làm thay đổi bộ mặt kết cấu hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm. Từ đó, thu hút được các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển KT-XH. Tuy nhiên, trên thực tế, một số dự án còn chậm, chưa đúng theo kế hoạch do nhiều nguyên nhân: DN chưa thống nhất phương án góp vốn, DN đang gặp khó khăn về tài chính, nhưng phần lớn ý kiến cho rằng, vướng lớn nhất là giải tỏa, đền bù.

Điển hình như dự án ĐT825 đoạn thị trấn Đức Hòa đến ngã ba Hòa Khánh có tổng mức đầu tư gần 103 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Thời gian thi công từ tháng 03/2016 đến tháng 03/2018, đến nay, công trình thi công hoàn thành 30% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, có 11 hộ dân không đồng tình giải tỏa, đền bù và ngăn cản thi công do không thống nhất chủ trương vận động, nên đơn vị thi công không thể thi công hoàn chỉnh cống thoát nước để mở rộng mặt đường. Hiện nay, UBND huyện Đức Hòa tiếp tục tuyên truyền, giải thích, vận động người dân.

Nói về vấn đề này, Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc - Nguyễn Văn Thiệp thông tin: “Hiện nay, cơn sốt về đất đai đang trở lại và các địa bàn giáp TP.HCM có rất nhiều nhà đầu cơ đất hoành hành, nhắm đến những nơi có quy hoạch để mua đất, gây áp lực về giá đền bù cho địa phương và DN khi giải tỏa, đền bù”.

Cũng vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Long Hậu - Trần Hồng Sơn cho biết: “Kinh phí không là vấn đề lớn đối với DN một khi dự án được triển khai đúng tiến độ và phát huy hết hiệu quả. Bên cạnh đó, giá cả, kinh phí giải tỏa, đền bù đúng giá thực tế cũng không làm DN ngại. Tuy nhiên, vấn đề DN ngại nhất hiện nay trong giải tỏa, đền bù là vẫn còn một vài hộ dân chưa đồng thuận, “hét giá” quá cao khiến dự án triển khai chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư”.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Prodezi Long An - Nguyễn Tất Thắng cho rằng: “So với các tỉnh, thành khác, Long An là “địa chỉ đỏ” mà nhiều nhà đầu tư trong lẫn ngoài nước quan tâm và muốn đến đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hệ thống giao thông tại đây còn rất khó khăn, phức tạp. Hiện nay, DN rất đồng thuận với chính quyền tỉnh trong thực hiện công trình giao thông. UBND tỉnh cho chủ trương công ty sẽ đầu tư tuyến đường Lương Hòa - Bình Chánh, kế hoạch tài chính đã sẵn sàng và đang chờ các thủ tục tiếp theo từ phía tỉnh trong giải tỏa, đền bù. Từ đó, công ty thực hiện đầu tư đồng bộ các dự án khu dân cư, khu công nghiệp và hoàn thành tuyến đường trong năm 2020”.


Đường tỉnh 830 nối dài đoạn Bến Lức - Tân Tập đang thi công

Chính sách bồi thường phải đồng bộ

Một trong những nguyên nhân chậm giải tỏa, đền bù thời gian qua, theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Phan Nhân Duy: “Có nhiều DN thiếu năng lực về tài chính, khi thực hiện kê biên và áp giá đền bù xong thì chưa có kinh phí để thực hiện đền bù. Đến khi có kinh phí thì giá đền bù không còn phù hợp với thực tế nên người dân không đồng tình. Có nhiều địa phương trên cùng một công trình giao thông nhưng mức giá đền bù khác nhau”. Kiến nghị về giải pháp để tránh khiếu kiện, khiếu nại, ông Phan Nhân Duy đề xuất các ngành chức năng và địa phương khi thực hiện một công trình giao thông đi qua nhiều địa phương, cần có sự thống nhất về giá trong đền bù”.

Theo Giám đốc Sở Tư pháp - Trần Minh Mẫn: “Vướng mắc lớn nhất trong giải tỏa, đền bù hiện nay chủ yếu ở các khu, cụm công nghiệp. Có những trường hợp kéo dài từ năm 2013 đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Trên thực tế, ở địa phương có nhiều trường hợp đủ điều kiện để cưỡng chế và Sở Tư pháp tư vấn đủ điều kiện trình tự thủ tục pháp lý nhưng địa phương không thực hiện”.

Ông Trần Minh Mẫn kiến nghị, các trường hợp khiếu kiện vướng giải tỏa, đền bù nếu đủ điều kiện về trình tự thủ tục pháp lý thì nên tiến hành cưỡng chế, tránh tình trạng dây dưa làm thiệt hại về kinh tế cho DN. Ngoài ra, ông cũng đề xuất tỉnh cần kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường về tiền lãi phát sinh gửi vào ngân hàng khi người dân chưa nhận đền bù không nên nộp vào ngân sách, vì khi giải tỏa, người dân đã chịu thiệt thòi, phần lãi này cần để người dân được nhận.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh cho rằng: Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh được Trung ương đánh giá cao và nhận được sự đồng thuận từ người dân, DN. Vì vậy, từ nay đến năm 2020, tỉnh phải tiếp tục tập trung mọi nguồn lực và tạo điều kiện thuận lợi để DN cùng thực hiện thật tốt.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU của Tỉnh ủy vào sáng ngày 08/6/2017, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh đánh giá kết quả bước đầu chưa như mong muốn do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân vướng về giải tỏa, đền bù. Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, 2 nội dung xây dựng hạ tầng giao thông và giải tỏa, đền bù liên quan đến rất nhiều sở, ngành, địa phương và cần thống nhất quan điểm để thực hiện theo đúng chủ trương, chính sách, pháp luật.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với các công trình thuộc chương trình đi qua địa bàn các huyện phải đồng bộ, không có sự khác biệt; đối với DN đóng góp làm đường, cần có chính sách hỗ trợ trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án. Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng hiện đại, đồng bộ và liên hoàn, sức hấp dẫn của Long An đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ được nâng lên, thu hút thêm nhiều nguồn lực từ các nhà đầu tư, tạo "đường băng" để kinh tế cất cánh./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết