Tiếng Việt | English

03/05/2021 - 11:00

Xây dựng nông thôn mới trên vùng đất anh hùng

Với truyền thống bất khuất, kiên cường cùng với tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng của toàn Đảng, toàn dân Long An, phong trào xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên các xã anh hùng đạt nhiều kết quả tích cực. Theo đó, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống người dân được nâng cao.

Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho  người dân Long Hiệp được quan tâm

Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân Long Hiệp được quan tâm

Phát huy truyền thống anh hùng

Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, đi qua những năm tháng chiến tranh, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức có 280 liệt sĩ, 32 Mẹ Việt Nam Anh hùng (trong đó có mẹ Huỳnh Thị Hạt còn sống). Tại đây còn có Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn - ngôi nhà của trí thức yêu nước Võ Công Tồn. Năm 1930 trở đi, ngôi nhà của ông trở thành cơ sở cho các đảng viên cộng sản, các nhà yêu nước đến ẩn náu, hoạt động. Di tích Lò gạch còn là nơi từng ra đời Chi bộ Đảng vào năm 1935 của tỉnh.

Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch HĐND xã Long Hiệp - Hồ Ngọc Thức cho biết: “Phát huy truyền thống xã anh hùng, khi bắt tay XDNTM, xã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp. Chúng tôi xác định chủ thể của chương trình XDNTM là người dân. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”, xã luôn tạo điều kiện cho người dân được tham gia góp ý kiến vào quy hoạch, trực tiếp giám sát các dự án, công trình. Trong quá trình thực hiện, xã luôn minh bạch mọi nguồn lực, nhất là nguồn tài chính để người dân an tâm, tin tưởng”.

Ngoài trồng lúa, người dân Long Hiệp còn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình

Ngoài trồng lúa, người dân Long Hiệp còn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình

Được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM năm 2018, đời sống người dân Long Hiệp không ngừng được nâng cao. Đến nay, 100% tuyến đường trục xã, xóm, ấp đều được nhựa hóa và bêtông hóa, hệ thống chiếu sáng được lắp đặt phủ kín các con đường trong xóm, ấp. Địa bàn có Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2 và Khu công nghiệp Phúc Long với 126 công ty, doanh nghiệp nằm trong và ngoài khu công nghiệp, góp phần lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp của huyện nói chung và xã nói riêng. Công nghiệp phát triển, các cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ như buôn bán tạp hóa, quán ăn, nhà trọ, nhà nghỉ,... cũng hình thành, phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống người dân. 

Thực hiện lộ trình XDNTM nâng cao giai đoạn 2020-2024, hiện xã đạt 16/23 chỉ tiêu (5 tiêu chí, 23 chỉ tiêu). Đến nay, người dân sử dụng nước sạch đạt trên 68% (phấn đấu 2024, đạt trên 80%); tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,55%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/năm. Trạm Y tế duy trì đạt bộ tiêu chí quốc gia, bảo đảm chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Trường học không ngừng được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Ngoài sản xuất lúa, xã vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng đất nhằm mang lại hiệu quả  kinh tế cao. Ông Nguyễn Văn A (ấp Phước Toàn) chia sẻ: “Sống ở nơi đây hơn 60 năm, nhìn thấy quê nhà phát triển, đời sống người dân ngày càng no ấm, tôi vui lắm! Gia đình tôi trước đây làm ruộng nhưng thời gian gần đây luân canh giữa trồng lúa với các loại rau màu và chăn nuôi dê để nâng cao thu nhập. Khi đời sống cải thiện thì người dân mới có điều kiện chung tay, góp sức thực hiện các công trình phúc lợi do chính quyền địa phương phát động”.

Đất anh hùng xây dựng nông thôn mới

Vùng đất Thanh Phú Long, huyện Châu Thành từng lập nhiều chiến công hiển hách trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ với trận đánh nổi tiếng - trận Cù Tròn. Ngày 2/11/1964, tại đây, Trung đội 1 thuộc đơn vị 313 địa phương quân Châu Thành đã kiên cường bám trận địa đẩy lùi nhiều đợt tấn công của 2 trung đoàn bộ binh thuộc Sư đoàn 7 ngụy có không quân, hải quân, pháo binh và xe tăng yểm trợ. Ta diệt và làm bị thương trên 120 tên địch, bắn hư 1 xe M113. Trận Cù Tròn thể hiện sự mưu trí dũng cảm lấy ít đánh nhiều, giữ vững và phát triển phong trào cách mạng của quần chúng; đồng thời bẻ gãy trận càn có trọng điểm trong chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ - ngụy trên chiến trường Long An.

Bia chiến thắng Cù Tròn (ấp Tân Long, xã Thanh Phú Long) là một địa chỉ đỏ, nhắc nhở thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng của ông cha ta

Bia chiến thắng Cù Tròn (ấp Tân Long, xã Thanh Phú Long) là một địa chỉ đỏ, nhắc nhở thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng của ông cha ta

Vùng căn cứ cách mạng ngày nào nay đã “hồi sinh”, ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi về Thanh Phú Long là diện mạo nông thôn trù phú, tươi đẹp với những cánh đồng thanh long xanh mướt cùng những vuông tôm đang chờ mùa thu hoạch. Các tuyến đường trên địa bàn đều được trải nhựa, bêtông rộng rãi. Nhiều ngôi nhà kiên cố được xây dựng khang trang. Địa phương là một trong những xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao đầu tiên của huyện vào năm 2019. Xã đang phát huy nội lực,  tranh thủ mọi nguồn lực để nỗ lực nâng cao chất lượng các tiêu chí và phấn đấu đạt NTM kiểu mẫu năm 2023.

Anh Đặng Thành Út (ấp Thanh Tân) bày tỏ: “Tôi cảm nhận được bước tiến vững chắc của vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Trước đây, làm lúa đời sống khó khăn. Từ khi Nhà nước có chủ trương chuyển đổi sang trồng thanh long, nuôi tôm, thu nhập người dân tăng cao và xây dựng được nhà cửa khang trang”.

Ngành, tổ chức chính trị - xã hội xã Thanh Phú Long vận động người dân trồng hoa, cây xanh dọc các tuyến đường

Ngành, tổ chức chính trị - xã hội xã Thanh Phú Long vận động người dân trồng hoa, cây xanh dọc các tuyến đường

Toàn xã có 100% tuyến đường được nhựa hóa, bêtông hóa. Ngành, tổ chức chính trị - xã hội vận động người dân trồng hoa, cây xanh dọc các tuyến đường và lắp đặt hệ thống chiếu sáng, thu gom rác thải. Từ đó, làm cho bộ mặt nông thôn thêm khởi sắc.

Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Thanh Phú Long - Nguyễn Minh Châu phấn khởi nói: “Địa phương bây giờ phát triển lắm! Ngoài nguồn thu trên 1.270ha thanh long (trong đó có 275ha thanh long ứng dụng công nghệ cao), nông dân còn có gần 70ha đất nuôi tôm. Để liên kết sản xuất và chủ động tiêu thụ nông sản, xã thành lập 1 hợp tác xã nông nghiệp thanh long có 58 thành viên và 14 tổ hợp tác với 594 thành viên. Hiện người dân sử dụng nước sạch đạt 92%, phấn đấu đến cuối năm 2021 đạt 95%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 65 triệu đồng/năm.

Giếng nước được đầu tư xây dựng và  xử lý đạt chuẩn theo quy định giúp người dân xã Thanh Phú Long  sử dụng nước sạch đạt 92%

Giếng nước được đầu tư xây dựng và xử lý đạt chuẩn theo quy định giúp người dân xã Thanh Phú Long sử dụng nước sạch đạt 92%

Ngoài ra, xã còn thành lập các câu lạc bộ như bóng đá, bóng chuyền, văn nghệ, võ thuật Karate, giúp người dân luyện tập thể dục, giao lưu văn nghệ, nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần.

Với những kết quả đã đạt sẽ là dấu ấn quan trọng, là điểm tựa để không chỉ Long Hiệp, Thanh Phú Long mà còn những vùng đất anh hùng trên địa bàn tỉnh viết tiếp bài ca XDNTM, xứng danh quê hương giàu truyền thống cách mạng./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích