Bình quân mỗi người nhổ 30-50kg hẹ/ngày
- 1. 5 giờ sáng, xóm nhỏ tại ấp 5, xã Tâp Lập, huyện Mộc Hóa đã sáng đèn, vang tiếng chó sủa, tiếng người cười, nói. Đang lui cui xới cơm, gắp cá vào chiếc cà mèn, rót đầy bình nước cho vào giỏ xách, ông Trương Công Lộc (63 tuổi), không quên dặn vợ mang theo tấm áo mưa, dù trời tờ mờ sáng báo hiệu ngày nắng đẹp.
“Do trầm mình cả ngày dưới nước nên mặc áo mưa cho đỡ lạnh” - ông Lộc nói. Ông Lộc cùng vợ nhổ hẹ thuê “chuyên nghiệp”, có thâm niên hơn 10 năm. Ông bảo, khoảng 10 năm trước, vùng này hẹ mọc hoang kín cả ruộng, nhà ai cũng có, mỗi khi lũ rút, người dân phải dùng dây cước kéo bỏ đi. Những năm gần đây, lũ thấp và thất thường nên hẹ mọc hoang ít dần. Người dân địa phương phải chủ động bơm nước vào ruộng trước khi lũ về hơn một tháng để tạo “lũ giả” cho hẹ mọc sớm. Gọi thêm thằng cháu ngoại, gia đình 3 người xuống vỏ lãi cùng nhóm công nhổ hẹ gần 20 người, nổ máy hướng thẳng về cánh đồng ngập lũ cách đó khoảng vài cây số.
Theo người dân, năm nay lũ về muộn và thấp nên hẹ xấu và năng suất cũng giảm so với những năm trước. Đoàn công nhổ hẹ đến nơi cũng là lúc mặt trời vừa ló dạng. Mùa này, cánh đồng hẹ rộng gần 2ha ngập lũ chưa đến 1m lẫn trong đám hoa rau chóc dại tím rực một góc trời.
Bỏ lại vỏ lãi ở một lán trại dựng tạm bằng cây, bạt nhựa, ông Lộc mặc áo mưa, hút vội điếu thuốc cho đỡ lạnh, rồi cùng nhóm công dùng sợi dây dài gần 2m buộc vào chiếc thau nhôm lớn, sau đó cột quanh eo, trầm mình dưới nước lội ra phía có hẹ mọc.
“Thường hẹ chỉ mọc chỗ nước trong có thể nhìn thấy đáy, nhưng năm nay lũ nhỏ, ruộng lẫn nhiều rong, nước lại đục nên nhổ chậm” - anh Võ Ngọc Toàn (30 tuổi) bộc bạch. Anh Toàn là công nhân đang làm việc tại Công ty Pouyuen ở TP.HCM, mỗi ngày đón xe đi làm, chiều về nhà. Tranh thủ ngày chủ nhật, anh theo cha mẹ nhổ hẹ kiếm thêm thu nhập. Năm nay, cá, tôm mùa lũ ít nên ngoài anh Toàn, những bé gái 14-15 tuổi và cả những cụ bà ngót nghét 70-80 tuổi cũng lội ruộng nhổ hẹ để kiếm sống mấy tháng mùa nước nổi.
Bình quân, một người quen việc có thể nhổ từ 30-50kg hẹ nước, trông có vẻ nhiều, thế nhưng hành trình một nhánh hẹ từ đáy ruộng đến mâm cơm nơi thành thị là cả một công đoạn đầy gian nan. Đầu tiên, do lũ trên ruộng thấp nên người nhổ hẹ nước phải trầm mình cho nước ngập đến cằm, rồi dùng tay lần dưới làn nước đục nhổ bật từng bụi hẹ. Hẹ được giũ sơ cho đất rơi ra, sau đó chất đầy các thau để tiếp tục công đoạn sơ chế.
“Già rồi không ai thuê làm việc nên mới làm nghề này chứ cực lắm, cả ngày 9-10 tiếng trầm mình dưới nước, bữa nào mưa, bão vừa nhổ, vừa lạnh run” - bà Mai Thị Dưa (58 tuổi, công nhổ) chia sẻ. Vừa nói, bà Dưa đưa hai bàn tay lật qua lật lại, dù có mang bao tay nhưng các móng tay vẫn bị phèn đóng vàng cong queo, ngón tay rộp lại, khóe lở loét, trắng bệch vì ngâm nước lâu.
- 2. 9 giờ, xem chừng 5 chiếc thau đã chất đầy hẹ, bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh (50 tuổi) giục chồng kéo chúng về khu lán trại.
Tại đây, hẹ tiếp tục được giũ sạch đất, công nhổ lặt hết các lá hẹ già, bỏ đi phần rễ. Hẹ thành phẩm là những bụi lá xanh non mơn mởn, gốc trắng muốt xen lẫn màu đỏ nhạt. Các thau hẹ được phủ bằng những tấm vải thấm nước để cọng hẹ luôn bảo đảm độ tươi, giòn, ngọt. Quanh khu lán trại, xác hẹ vụn nổi kín mặt nước là phân xanh lý tưởng cho đất vào mùa sau.
Công nhổ được chủ trả 6.000 đồng/kg hẹ đã sơ chế
Sau khi nghỉ giữa trưa khoảng một tiếng để ăn cơm mang theo, đến khoảng 16 giờ, mặt trời xuống dần, nhóm thợ đã lặt hết số hẹ nhổ được, từng thau hẹ được chuyển lên vỏ lãi chở ra cho thương lái thu mua. Bình quân, một kilôgam hẹ nhổ từ ruộng sau khi sơ chế sẽ còn lại phân nửa. Một kilôgam hẹ thành phẩm, nông dân được trả công 6.000 đồng. Ở xóm nhổ hẹ này, bình quân một gia đình có 2-3 người làm có thể kiếm được từ 750.000 đến trên 1 triệu đồng mỗi ngày - một khoản tiền không nhỏ trong mùa lũ. Hẹ sau khi sơ chế sẽ được thương lái chở đi bán tại các chợ đầu mối hoặc bán lẻ với giá từ 20.000-30.000 đồng/kg hoặc cao hơn nữa.
Chủ tịch UBND xã Tân Lập - Lê Văn Phân thông tin, trước đây, hẹ chủ yếu mọc hoang vào mùa lũ, giá trị kinh tế thấp. Khoảng 5 năm trở lại đây, nghề trồng hẹ nước mùa lũ bắt đầu được người dân quan tâm. Vụ hẹ thường bắt đầu vào khoảng tháng 6 âm lịch, kéo dài đến tháng 9.
“Toàn xã có khoảng 10ha trồng hẹ, tập trung chủ yếu tại ấp 5. Năm nay, lũ về trễ và nhỏ so với mọi năm nên hẹ cũng giảm năng suất, bình quân 1ha, nông dân thu về lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng” - ông Lê Văn Phân nói./.
Thanh Nga