Gặp khó khăn vì quan điểm không dùng tiền ngân sách
Báo cáo “Tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015 liên quan đến hoạt động ngân hàng” của Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định:
“Cho đến nay, nguồn lực để tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ yếu là nguồn vốn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, ngân sách Nhà nước chưa phải bỏ tiền để xử lý các vấn đề của các TCTD”. Phương án can thiệp của Nhà nước chỉ được sử dụng như biện pháp sau cùng trong trường hợp cần thiết.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình
Quan điểm nhất quán được thực hiện trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD nói chung và mua lại, xử lý ngân hàng yếu kém nói riêng là hạn chế tới mức thấp nhất tổn thất và chi phí của ngân sách Nhà nước trong việc xử lý những vấn đề của hệ thống các TCTD.
Với nguyên tắc huy động tối đa nguồn lực của khu vực tư nhân phục vụ cho cơ cấu lại, xử lý nợ xấu của TCTD, nhiều TCTD đã thực hiện việc tăng vốn điều lệ, chấp nhận hy sinh lợi nhuận, tiết giảm chi phí, trích lập dự phòng rủi ro để có thêm nguồn vốn cho quá trình cơ cấu lại và xử lý nợ xấu.
Đồng thời, Thống đốc cũng cho biết, NHNN đã tạo điều kiện cho các TCTD tăng vốn điều lệ; sáp nhập, hợp nhất, mua lại TCTD để vừa xử lý TCTD yếu kém vừa tăng quy mô và năng lực tài chính.
Nhờ đó, từ năm 2011 đến nay đã có 9 TCTD giảm thông qua sáp nhập, hợp nhất; 4 công ty tài chính được mua lại.
Thậm chí với biện pháp mua lại ngân hàng TMCP yếu kém cũng được cho biết “không sử dụng tiền của ngân sách Nhà nước; không gây thiệt hại kinh tế cho Nhà nước”.
Tuy nhiên, đáng chú ý là trong báo cáo này, Thống đốc cũng thừa nhận: Do hệ thống chính sách, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ TCTD yếu kém và TCTD tham gia mua lại, sáp nhập, hợp nhất đặc biệt là về tài chính rất thiếu. Do đó, chưa thực sự khuyến khích việc mua lại, sáp nhập, hợp nhất các TCTD và xử lý nhanh, dứt điểm TCTD yếu kém.
“Quan điểm không sử dụng tiền của ngân sách Nhà nước để cơ cấu lại TCTD và xử lý nợ xấu đã ảnh hưởng nhất định đến tiến độ và sự bền vững của quá trình cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu”, Thống đốc cho hay.
Đề xuất miễn, giảm thuế cho ngân hàng yếu kém
NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ cho các TCTD thực hiện tái cơ cấu hoặc tham gia tái cơ cấu, trong đó đề xuất 4 nhóm cơ chế hỗ trợ.
Thứ nhất, nhóm cơ chế hỗ trợ tài chính, gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế chuyển quyền sở hữu tài sản cho thuê tài chính; giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc cho phép thực hiện dự trữ bắt buộc một phần hoặc toàn bộ bằng trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu của chính quyền địa phương; cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi, miễn, giảm lãi suất đối với các khoản vay tái cấp vốn, vay đặc biệt trong hạn và quá hạn.
Thứ hai là nhóm cơ chế hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp các gói hỗ trợ kỹ thuật chuyên biệt, tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý cấp cao của tổ chức tín dụng.
Thứ ba là nhóm cơ chế hỗ trợ chính sách, xem xét miễn, giảm một số điều kiện khi cấp phép mở rộng mạng lưới và hoạt động kinh doanh; Cho phép giãn lộ trình thực hiện kiến nghị thanh tra tại kết luận thanh tra đối với tổ chức tín dụng.
Cho phép thực hiện theo lộ trình việc trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của pháp luật; được phân bổ dần các khoản lỗ khi bán nợ xấu theo giá trị thị trường.
Thứ tư là các cơ chế hỗ trợ đặc thù khác theo đề nghị của tổ chức tín dụng.
Theo đó, NHNN đề xuất việc Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các TCTD tham gia sáp nhập, hợp nhất trong 3 năm có lãi đầu tiên sau sáp nhập, hợp nhất.
Miễn thuế chuyển quyền sở hữu tài sản cho thuê tài chính đối với các công ty cho thuê tài chính thực hiện tái cơ cấu; các cơ chế hỗ trợ khác giao NHNN nghiên cứu, đề xuất.
“Hiện nay, các đề xuất về cơ chế, chính sách nói trên đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét”, báo cáo nêu./.
Bích Diệp/dantri.com.vn