Tiếng Việt | English

24/07/2021 - 11:45

Xúc tiến đầu tư bằng nhiều hình thức để thu hút nguồn vốn lớn

Sở hữu những tiềm năng và lợi thế mang tính cạnh tranh, Long An tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư (XTĐT) bằng nhiều hình thức như XTĐT trong, ngoài nước và tại chỗ để thu hút nguồn vốn lớn.

Lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Saigontel, doanh nghiệp Hàn Quốc trong buổi tọa đàm: Long An - Điểm đến đầu tư thân thiện và hiệu quả. (Ảnh tư liệu)

Lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Saigontel, doanh nghiệp Hàn Quốc trong buổi tọa đàm: Long An - Điểm đến đầu tư thân thiện và hiệu quả. (Ảnh tư liệu)

Nhiều cơ hội để phát triển

Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út cho rằng, Long An có nhiều lợi thế nổi bật như vị trí chiến lược, kết cấu hạ tầng KT-XH phát triển đồng bộ, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, kinh tế phát triển ổn định và kết nối thông thương với các khu vực lân cận. Trong chiến lược phát triển, Long An đã quy hoạch 3 vùng rõ rệt, từ đó, có rất nhiều cơ hội để phát triển, được thể hiện qua tăng trưởng GRDP mạnh mẽ và lượng vốn FDI ấn tượng được cấp phép trong những năm vừa qua. Tăng trưởng GRDP giai đoạn 2015-2020 đạt 9,1%, cao nhất trong các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Long An có 1.115 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 9,3 tỉ USD, chiếm trên 30% tổng nguồn vốn FDI cho khu vực ĐBSCL. Có 38 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó, nhà đầu tư đến từ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore,... chiếm số lượng lớn. Vốn đầu tư nước ngoài phần lớn tập trung vào các lĩnh vực may mặc, da giày, chế biến thức ăn, chế biến thực phẩm đồ uống. Các dự án tập trung tại các huyện vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh giáp ranh TP.HCM như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An.

Theo ông Nguyễn Văn Út, Long An có nhiều tiềm năng phát triển; đồng thời, hứa hẹn là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư, nhất là ở những dự án công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo. Chính vì thế, Long An chú trọng XTĐT ở nhiều hình thức: Trong nước, ngoài nước, tại chỗ để thu hút nguồn vốn lớn. Trong đó, XTĐT tại chỗ được cho là hết sức quan trọng, thông qua việc chuẩn bị sẵn quỹ đất công nghiệp đã đầu tư hạ tầng, đủ điều kiện tiếp nhận dự án đầu tư trực tiếp; thực hiện tốt việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư, đất đai, thuế, hải quan, lao động, xuất, nhập cảnh.

Ða dạng hóa các kênh vận động, xúc tiến đầu tư

Theo ông Nguyễn Văn Út, Long An vẫn chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn, những dự án có giá trị gia tăng, công nghệ cao. Vì thế, tỉnh chủ động lập “Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Việc lập quy hoạch cho phép Long An chuyển hướng XTĐT mạnh mẽ hơn vào công nghiệp chế biến và năng lượng tái tạo. Đây là 2 lĩnh vực đóng góp rất lớn vào GRDP của tỉnh hiện nay và trong tương lai.

Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út trong buổi gặp gỡ, tiếp xúc nhà đầu tư Hàn Quốc vào tháng 3/2021. (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út trong buổi gặp gỡ, tiếp xúc nhà đầu tư Hàn Quốc vào tháng 3/2021. (Ảnh tư liệu)

Để khắc phục những hạn chế trong thu hút đầu tư, tháng 3, 4/2021, Saigontel đã đồng hành cùng Long An tổ chức hướng dẫn Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc khảo sát một số dự án trọng điểm trên địa bàn huyện Cần Giuộc. Song song đó, UBND tỉnh tổ chức tọa đàm với doanh nghiệp Hàn Quốc về chủ đề “Long An - Điểm đến đầu tư thân thiện và hiệu quả”. Từ cuộc khảo sát, tọa đàm, Saigontel, KOICA, doanh nghiệp Hàn Quốc đưa ra nhiều đề xuất mang tính chiến lược giúp cải thiện môi trường đầu tư và hình ảnh của tỉnh Long An, tạo vị thế cho tỉnh trong việc thu hút đầu tư từ phía Hàn Quốc. Đặc biệt, UBND tỉnh còn tổ chức Tọa đàm định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao, với sự tham gia của đại diện các tập đoàn lớn từ Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đức.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigontel - Đặng Thành Tâm cho rằng, từ công tác khảo sát và đánh giá hiện trạng, Saigontel-SMBL đề xuất XTĐT sang thị trường Hàn Quốc năm 2021 cho tỉnh Long An sẽ gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ giúp cải thiện nhận thức của nhà đầu tư Hàn Quốc về tỉnh Long An và môi trường, cơ hội đầu tư tại tỉnh. Giai đoạn 2 chính là các hoạt động marketing online, bao gồm tổ chức các hội nghị XTĐT trực tuyến; hợp tác với các Hiệp hội Hàn Quốc chiến lược. Giai đoạn 3 sẽ là các hoạt động marketing trực tiếp. Saigontel-SMBL sẽ phối hợp chặt chẽ với Long An thực hiện các đề xuất này. Đề xuất này là dự án lớn, khi thực hiện sẽ đóng góp vào phát triển kinh tế không chỉ cho Long An mà cho toàn bộ Việt Nam. 

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Huỳnh Văn Sơn chia sẻ, trong tình hình dịch Covid-19, tỉnh đổi mới cách XTĐT qua việc đa dạng hóa các kênh: Ngoại giao, tăng trao đổi trực tuyến. Cụ thể, tháng 12/2020, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út cùng các doanh nghiệp trong tỉnh dự hội thảo XTĐT giữa các doanh nghiệp tỉnh Hyogo (Nhật Bản) và doanh nghiệp miền Nam Việt Nam. Long An mong muốn kết nối các doanh nghiệp trong tỉnh với các nhà đầu tư tỉnh Hyogo để có thể triển khai nhiều chương trình  hợp tác trong các lĩnh vực: Sản xuất công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, cơ khí chế tạo máy, sản xuất linh kiện điện tử, công nghiệp xanh, xây dựng công trình - dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Lãnh đạo tỉnh, sở, ngành, Saigontel, doanh nghiệp Hàn Quốc khảo sát một số dự án trọng điểm tại Cần Giuộc.  (Ảnh tư liệu)

Lãnh đạo tỉnh, sở, ngành, Saigontel, doanh nghiệp Hàn Quốc khảo sát một số dự án trọng điểm tại Cần Giuộc.  (Ảnh tư liệu)

Long An có các nền tảng nhằm phát triển dịch vụ, đặc biệt là ngành du lịch, địa điểm du lịch thiên nhiên, sinh thái đặc sắc. Vì vậy, Long An phối hợp các đơn vị truyền thông trong và ngoài tỉnh xây dựng nhiều chương trình, video clip quảng bá. Mong muốn của Long An là tiếp tục kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch trên cơ sở khai thác tốt các khu du lịch, di tích lịch sử, văn hóa và điểm du lịch, dự án vui chơi, giải trí chất lượng cao trên địa bàn tỉnh. 

Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út khẳng định, với những định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh, Long An luôn sẵn sàng chào đón nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là về công nghệ cao. Long An đang nỗ lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông liên hoàn, tạo ra trục động lực kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang; chính sách công - tư linh hoạt. Đặc biệt, Long An sẽ thực hiện chuyển đổi số phù hợp yêu cầu của nhà đầu tư lớn; đẩy nhanh việc thành lập đặc khu kinh tế tỉnh Long An thông qua việc thu hút đầu tư mới./.

Hương Thu

Chia sẻ bài viết