Tiếng Việt | English

02/06/2017 - 13:28

“Chúng ta vẫn chuyển giao máy móc, thiết bị lạc hậu 2-3 thế hệ“

Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho biết như vậy khi trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) trước Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, UBTVQH nhận thấy hoạt động chuyển giao công nghệ (CGCN) là vấn đề rất quan trọng vì vị thế của một quốc gia gắn chặt với trình độ công nghệ của quốc gia đó. Tuy nhiên, nhiều ngành, lĩnh vực vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu; chúng ta vẫn CGCN thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2-3 thế hệ, ít đi kèm với giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật.

Do đó, rất cần có các giải pháp thẩm định, kiểm soát luồng công nghệ nhập khẩu vào nước ta để ngăn chặn công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu, công nghệ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, đồng thời không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam và yêu cầu của cải cách hành chính.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng
Theo đó, đối với việc kiểm soát có hiệu quả công nghệ của các dự án đầu tư, luật quy định dự án đầu tư sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao và dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường theo quy định của Luật bảo vệ môi trường có sử dụng công nghệ là những dự án phải thẩm định công nghệ hoặc có ý kiến về công nghệ.

Ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về công nghệ là nội dung bắt buộc trong báo cáo thẩm định dự án đầu tư trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư.

Theo ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu), việc chấp thuận cấp phép đăng ký chuyển giao công nghệ trong một số trường hợp nhất định là cần thiết, tránh chuyển giao công nghệ gây hại an ninh quốc gia, ảnh hưởng môi trường, sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, việc “chấp thuận” dễ nảy sinh xin –cho, tiêu cực cho nên cần quy định rõ thủ tục chuyển giao công nghệ để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong cơ quan Nhà nước, đồng thời là căn cứ từ chối chuyển giao công nghệ đối với công nghệ nguy hại.

Đối với ý kiến cần đặc biệt kiểm soát máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung quy định hạn chế CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao trong lãnh thổ Việt Nam các công nghệ kèm theo máy móc, thiết bị cũ, hiệu suất năng lượng thấp.

Dự thảo Luật bổ sung quy định cấm việc chuyển giao đối với công nghệ, máy móc, thiết bị không còn sử dụng ở các quốc gia có trình độ phát triển hơn Việt Nam và không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Còn Đại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hóa) đề nghị, trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư nhất định phải thẩm định nhằm hạn chế chuyển giao công nghệ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, ông Thông cho rằng, công nghệ cấm chuyển giao không cần thẩm định mà nên tập trung thẩm định các công nghệ bị hạn chế chuyển giao. Do đó, Bộ KH-CN nên ban hành danh mục các nhóm công nghệ bị hạn chế để có thể dễ áp dụng và giám sát./. 

Ngọc Thành/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích