Tiếng Việt | English

06/07/2015 - 09:22

“Cà Nông Minh Mạng” - lịch sử và truyền thuyết

Đến Bảo tàng Long An, ít ai để ý và biết lai lịch của khẩu súng thần công đặt ở tiền sảnh (khẩu nhỏ) và cũng do không có bảng thuyết minh nên thường ngộ nhận hiện vật này nặng tính trang trí. Thật ra không đơn giản như vậy.

Súng thần công của nước ta có từ thời nhà Hồ mà Hồ Nguyên Trừng (con Hồ Quý Ly) được xem là ông tổ khi chế tạo thành công vào năm 1401. Triều Nguyễn thời vua Gia Long và Minh Mạng là thời kỳ phát triển cao nhất của kỹ thuật đúc súng thần công. Súng thần công trở thành biểu tượng của sức mạnh vương triều và trực tiếp tham chiến khi thực dân Pháp xâm lược.

Trở lại với khẩu thần công đặt ở Bảo tàng Long An, đây là khẩu súng được cho là sản xuất thời Minh Mạng, được nghĩa quân Võ Duy Dương sử dụng trong cuộc khởi nghĩa ở Đồng Tháp Mười (1864 -1866), sau đó được lực lượng kháng chiến sử dụng trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược ở Long An.

Sau khi đại đồn Kỳ Hòa thất thủ (1861) rồi Trương Định tuẫn tiết ở Gò Công (1864), Thiên hộ Dương (Võ Duy Dương) và Đốc binh Kiều (Nguyễn Tấn Kiều) về Đồng Tháp Mười lập căn cứ tiếp tục chống Pháp thêm hơn 2 năm (1864-1866). Thiên hộ Dương xây dựng nhiều đồn lũy với đại bản doanh đặt tại Gò Tháp (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp). Riêng ở Long An có 2 đồn lớn là đồn Tả ở Gò Giồng Dung (xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh) và đồn Tuyên Oai ở Gò Bắc Chiêng (chợ Mộc Hóa-Kiến Tường ngày nay). Các đồn được trang bị súng thần công, máy bắn đá, gây cho quân Pháp nhiều tổn thất. Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, súng thần công số bị địch thu, số được chôn giấu. Khi quân Pháp trở lại nước ta sau Cách mạng tháng Tám (1945), trong điều kiện thiếu thốn vũ khí, Chi đội 14 Vệ quốc đoàn tìm được khẩu thần công trên ở Đốc Vàng (Đồng Tháp) - vùng căn cứ xưa của nghĩa quân Thiên hộ Dương - Đốc binh Kiều, sử dụng đánh giặc. Anh em chiến sĩ gọi khẩu súng này là Cà Nông Minh Mạng.

Sau khi đánh chiếm thị xã Tân An (26-10-1945), đầu năm 1946, quân Pháp theo sông Vàm Cỏ Tây tiến đánh Mộc Hóa. Lúc này, đồng chí Trần Văn Trà đã về đây xây dựng căn cứ địa kháng chiến lâu dài theo chủ trương của Trung ương Đảng. Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Trần Văn Trà, bộ đội Chi đội 14 gồm khoảng 100 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Lê Văn Tao (Hai Nhỏ) chỉ huy, cùng lực lượng tự vệ chiến đấu quân Cả Nổ, Cả Đá (nay là xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa) tổ chức trận địa mai phục địch tại Vàm rạch Cả Nổ, sông Vàm Cỏ Tây để ngăn chặn bước tiến của địch. Khẩu Cà Nông Minh Mạng được sử dụng bên cạnh 1 trung liên của Pháp, 1 khẩu 13 ly 2 và 1 khẩu 20 ly với 25 viên đạn, còn lại là súng trường súng kíp, súng hỏa mai, mã tấu. Để đưa súng vào vị trí chiến đấu, ta xây bệ hình vòng cung, có lỗ chính giữa bằng gỗ, xoay được xung quanh. Ta cắm cả trăm cây sào trên khúc sông dài khoảng 300 mét tại Vàm rạch Cả Nổ để tạo chướng ngại vật. Khoảng 4 giờ sáng ngày 16-5-1946 (nhằm ngày 16-4 âm lịch), đoàn tàu Pháp khoảng 12 chiếc từ Tân An kéo lên Mộc Hoá lọt vào trận địa, khi dừng lại nhổ sào để mở đường, đồng chí Hai Nhỏ ra lệnh khai hỏa khẩu thần công. Phát duy nhất trúng mục tiêu làm móp tàu, các khẩu trung liên đồng loạt nhả đạn. Địch hoảng loạn nổ súng loạn xạ, thoát khỏi trận địa về hướng Mộc Hóa. Ta rút lui an toàn về kinh Dương Văn Dương. Đồng chí Lương-pháo thủ (bộ đội Chi đội 14) hy sinh do bị súng thần công giật trúng người. Một người dân ở Cả Nổ (cha ông Ba Sồi hiện ngụ tại thị xã Kiến Tường) cũng bị lạc đạn chết, nhờ ngày giỗ mà biết ngày của trận đánh này.

Khẩu Cà Nông Minh Mạng được nhận chìm tại Vàm Cả Nổ ngay sau trận đánh, sau đó được vớt lên đưa về Song Sắt, Quảng Dài (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa ngày nay). Lúc này, ta lập binh công xưởng chế tạo vũ khí. Khẩu thần công được đưa về xã Tân Hòa (thuộc huyện Tân Thạnh ngày nay) vào cuối năm 1946 để nấu chảy, đúc lựu đạn, mìn nhưng lò nấu thủ công nhỏ nên không thể nấu được. Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến-Hành chánh xã Tân Hòa Lê Hữu Nghĩa nói: “Khẩu súng thần công Minh Mạng này linh lắm, của các quan đàng cựu, bao nhiêu người chết, nó vẫn còn, không nung chảy được đâu, nên giữ làm kỷ niệm”. Sau đình chiến (1954), ta chôn giấu khẩu thần công ở đìa nhà ông Kỳ (xã Tân Hòa). Năm 1958, chi bộ mật của xã định đào lên bắn thử. Năm 1959, chính quyền Ngô Đình Diệm hô hào dân chúng chỉ điểm nơi chôn giấu vũ khí của Cộng sản, có người mật báo, tháng 8-1959, địch đến đào lên đưa về quận lỵ Kiến Bình (Tân Thạnh ngày nay). Vì sự kiện trên, một số đồng chí trong chi bộ xã Tân Hòa bị truy bắt, bị giết, tù đày. Sau đó, địch đưa khẩu thần công về tỉnh lỵ Kiến Tường, đặt tại công viên chỗ đền thờ Đốc binh Kiều, xây bệ hướng nòng ra bờ sông Vàm Cỏ Tây. Đầu năm 1978, Ty Văn hóa-Thông tin (nay là Sở VH,TT và DL) tiếp nhận khẩu khẩu thần công đưa về đặt ở trụ sở UBND tỉnh, rồi đưa về lưu giữ ở Phòng Bảo tồn bảo tàng - Thư viện tỉnh (địa điểm trụ sở Viện Kiểm sát tỉnh ngày nay), cuối cùng trưng bày tại Bảo tàng tỉnh cho đến hôm nay.

Dù súng không có ghi niên hiệu, năm sản xuất nhưng qua đối chiếu và so sánh hình ảnh, kiểu dáng, phong cách, kích thước thân súng, chuôi súng, quai súng và nòng súng của súng với các loại súng thần công Việt Nam thời Nguyễn, truyền thuyết về nguồn gốc khẩu Cà Nông Minh Mạng ở Bảo tàng Long An là súng thần công thời Minh Mạng và có liên quan đến phong trào võ trang kháng Pháp của nhân dân Đồng Tháp Mười vào nửa cuối thế kỷ XIX do Võ Duy Dương và Nguyễn Tấn Kiều lãnh đạo là có cơ sở. Về mặt lịch sử, cho đến trước khi Võ Duy Dương đến Đồng Tháp Mười lập căn cứ chống Pháp, vùng đất này ở vào thời kỳ khai phá và cũng chưa từng xảy ra sự kiện lịch sử nào có liên quan đến chống giặc ngoại xâm. Địa danh Đốc Vàng (thuộc huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) cũng là địa bàn căn cứ và hoạt động của nghĩa quân Võ Duy Dương. Võ Duy Dương từng làm quan triều Nguyễn với hàm Chánh Bát phẩm Thiên hộ vào năm 1860 (nên gọi là Thiên hộ Dương) nên việc triều đình cung cấp vũ khí cho ông đánh Pháp là điều hoàn toàn có thể.

Dù không được trang trí mỹ thuật như 3 khẩu thần công thời Minh Mạng phát hiện ở Hà Tĩnh được công nhận là bảo vật quốc gia nhưng khẩu Cà Nông Minh Mạng ở Bảo tàng Long An với truyền thuyết và lịch sử như thế, với cuộc hành trình qua bao thăng trầm lịch sử như thế, quả thật như người ta nói, mỗi hiện vật đều có linh hồn.
Sử dụng súng thần công trong thời hiện đại chống xâm lược có lẽ chỉ có ở Đồng Tháp Mười - Long An. Một nén tâm hương tưởng nhớ người chiến sĩ Chi đội 14, người pháo thủ đã khai hỏa nổ phát súng mở màn cho cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp trên vùng Đồng Tháp Mười anh dũng - và có lẽ cũng là tiếng súng cuối cùng của những khẩu thần công lịch sử.

Nguyễn Tấn Quốc

 

Chia sẻ bài viết