Tiếng Việt | English

28/02/2018 - 11:36

“Gõ cửa” hạnh phúc

Tại Long An, dù dịch vụ điều trị hiếm muộn chưa thật sự phổ biến nhưng với tấm lòng của những người “gõ cửa” hạnh phúc, các bác sĩ (BS) chuyên sản khoa tận tình tư vấn, hỗ trợ rất nhiều cho những gia đình mong ngóng con.

Nơi “trút nỗi lòng”

15 năm công tác tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) tỉnh, Trưởng khoa CSSK bà mẹ - kế hoạch hóa gia đình - BS Lê Thị Kim Xuyến từng tiếp xúc, trò chuyện với không ít phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, người đến khám phụ khoa, làm các xét nghiệm cần thiết thăm dò chức năng sinh sản,... Mỗi bệnh nhân với những bệnh lý nặng, nhẹ khác nhau nhưng quan trọng hơn hết, theo BS Xuyến, chính là thái độ của đội ngũ y, BS. BS Xuyến nhớ lại, trong quá trình thăm khám, chị cũng gặp nhiều trường hợp hiếm muộn, nóng lòng muốn sớm có thai nhưng trong quá trình khám phụ khoa, siêu âm bụng,... chị phát hiện một số biểu hiện bất thường. Với những trường hợp như vậy, không riêng gì chị mà bất kỳ BS nào cũng đều đưa ra những lời khuyên chân thành, hướng dẫn người bệnh thực hiện theo phác đồ điều trị.

Bác sĩ Lê Thị Kim Xuyến tư vấn cho bệnh nhân

Bác sĩ Lê Thị Kim Xuyến tư vấn cho bệnh nhân

Tại trung tâm hiện có phòng tư vấn. Nơi đó, bệnh nhân có thể giãi bày hết nỗi lòng. Các BS tận tình hướng dẫn, tư vấn họ cách điều trị phù hợp. “Cũng có trường hợp được đội ngũ y, BS hướng dẫn can thiệp hiếm muộn tại tuyến trên, khi đạt kết quả, họ đến trung tâm khám thai với tất cả sự vui mừng, hạnh phúc. Chúng tôi cũng vui chung với niềm vui của họ” - BS Xuyến cho biết thêm. 

BS Xuyến cho rằng, tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp các cặp đôi phát hiện và điều trị kịp thời những bệnh liên quan đến SKSS. Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, hiện toàn tỉnh có 52 câu lạc bộ tư vấn tiền hôn nhân. Năm 2017, tỉnh tổ chức khám, kiểm tra sức khỏe cho hơn 10.400 trường hợp nam, nữ chuẩn bị kết hôn. Qua đó, phát hiện 5 trường hợp dương tính với HIV, 234 trường hợp bị viêm gan siêu vi B. Hoạt động của câu lạc bộ giúp thanh niên trang bị các kiến thức về SKSS, giảm tình trạng nạo phá thai, tình dục không an toàn trước hôn nhân, góp phần duy trì hôn nhân bền vững, gia đình hạnh phúc, nâng cao chất lượng dân số. 

Trước khi kết hôn, vợ chồng chị Phạm Ngọc Châu, ngụ xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tìm hiểu kỹ và đi khám, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân. Tại Trung tâm Y tế huyện, chị được cán bộ y tế, dân số huyện khám sức khỏe tổng quát và làm các xét nhiệm như viêm gan B, HIV hay các bệnh di truyền, bệnh tim, bệnh về đường sinh dục,... Chị cũng được hướng dẫn tiêm ngừa, uống những loại thuốc bổ cần thiết để có sức khỏe thật tốt cho việc sinh con. Thế nhưng, hơn 2 năm trôi qua, vợ chồng chị đợi mãi mà không có tin vui. Chị tìm gặp BS khoa sản, những người làm công tác y tế, dân số và được họ hướng dẫn những địa chỉ tin cậy. Và trời cũng không phụ lòng người, sau những ngày chờ đợi, vợ chồng chị sắp chào đón đứa con đầu lòng. 

Hạnh phúc nhân đôi 

Mỗi đứa trẻ sinh ra ở gia đình hiếm muộn là niềm hạnh phúc vô biên. Hơn 5 năm công tác tại Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Long An, BS Phạm Nguyễn Thị Thanh Vân từng gặp nhiều trường hợp bệnh nhân khao khát “tìm” con. 

Chị Vân chia sẻ, cũng là phụ nữ nên chị hiểu thiên chức làm mẹ thiêng liêng đến nhường nào. Có những trường hợp khi khám bệnh, bệnh nhân thường quá lo lắng và hoang mang. BS phải tâm lý, tạo cho họ cảm giác an tâm và tin tưởng. 

Bệnh nhân thắc mắc về sức khỏe sinh sản được tư vấn tại Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Long An

Bệnh nhân thắc mắc về sức khỏe sinh sản được tư vấn tại Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Long An

Ngoài việc được biết đến là một bà đỡ “mát tay”, mau lẹ, chị Vân còn là BS có chuyên môn, nghiệp vụ cao, hướng dẫn tận tình với những ca bệnh khó thụ thai.

Chị chia sẻ, thông thường, sau khi lập gia đình, sinh hoạt vợ chồng bình thường trong vòng 1 năm mà chưa có con thì xếp vào dạng hiếm muộn. Tuy nhiên, bệnh hiếm muộn cũng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Hình thái bên ngoài của các cặp vợ chồng bình thường, chưa qua các xét nghiệm chuyên sâu thì khó có thể tìm ra nguyên nhân bệnh lý. Lúc đó, bệnh nhân cần làm theo hướng dẫn của BS, có sự can thiệp của y học. Cụ thể, bệnh nhân cần được tư vấn, khám lâm sàng, làm các xét nghiệm noãn, tinh trùng,... để xem các chức năng sinh sản có bình thường hay không? Sau đó, tùy vào thực tế bệnh lý của các cặp vợ chồng mà BS đưa ra lời khuyên, chỉ dẫn đến những cơ sở có uy tín để điều trị. 

BS Vân cũng khuyên rằng, bên cạnh việc làm các xét nghiệm, tư vấn, tầm soát bước đầu trước khi lập gia đình cũng là yếu tố không nhỏ trong CSSKSS. Ngoài ra, để chuẩn bị có con, những cặp vợ chồng cần có chế độ sinh hoạt, ăn uống, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Hơn nữa, tâm lý không thoải mái, bị áp lực, căng thẳng cũng ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Đây cũng là minh chứng giải thích cho những trường hợp vợ chồng khi đi khám, SKSS bình thường nhưng do tâm lý nôn nóng, gặp áp lực chuyện có con nên ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề thụ thai. 

Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản mong muốn có con nên kiểm tra sức khỏe sớm để phát hiện những triệu chứng bất thường (Trong ảnh: Bác sĩ Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản siêu âm cho bệnh nhân)

Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản mong muốn có con nên kiểm tra sức khỏe sớm để phát hiện những triệu chứng bất thường (Trong ảnh: Bác sĩ Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản siêu âm cho bệnh nhân)

Theo chị Vân, sắp tới, để phục vụ Đề án Bệnh viện vệ tinh, chị được Bệnh viện Đa khoa Long An cử đi học và hoàn thành khóa thụ tinh nhân tạo tại Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM. Chị hy vọng rằng, trong thời gian không xa, khi bệnh viện Sản Nhi đi vào hoạt động, Long An chính thức có cơ sở tư vấn sâu, điều trị hiếm muộn./.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết