Mũ lưỡi trai, áo sơ mi, điện thoại đời mới “xịn xò”, ông Tư Thành trông khá “xì tin” ở tuổi 59 nhìn qua màn hình camera 360 độ điều khiển chiếc xe lăn tự chế lùi vào nhà sau khi đi chợ về.
Ông Tư Thành kể lại quá trình thiết kế chiếc xe lăn đa năng
“Từ lúc có cái camera này, tui chủ quan nên thỉnh thoảng lùi vô gốc cây hoài” - ông Tư Thành tếu táo. Vừa nói, ông vừa di chuyển từ chiếc “siêu xe” sang chiếc xe lăn cỡ nhỏ chạy bằng điện dùng để di chuyển trong nhà. Bộ đôi xe lăn này là “đôi chân thứ hai” của ông suốt hai năm nay.
Căn nhà cấp 4 khang trang của ông Tư Thành vừa là xưởng cơ khí chuyên gia công hàng theo yêu cầu như các loại xe lăn cho người khuyết tật, máy gọt dừa đa năng. Ở một góc nhà còn là chỗ tập kết phụ kiện trang trí tiệc cưới của người con trai lớn.
Ông Tư Thành kể, để có được cơ ngơi như ngày hôm nay là cả một hành trình gian nan. Học hết lớp 3, ông bị liệt hai chân sau một trận sốt, sau đó phải bỏ học. Anh em đông, 13 tuổi ông phải tự mưu sinh bằng nghề sửa xe, mài dao kéo. Do bản tính ham học hỏi, thích sáng chế nên chỉ cần nhìn qua vài lần ông có thể làm theo thầy.
Sau khi lập gia đình, ông vẫn làm nghề sửa xe và cơ khí. Nhờ siêng năng, chịu khó nên công việc theo từng năm dần ăn nên làm ra, ông tích cóp mở rộng xưởng cơ khí.
Hơn 10 năm trước, như bao người khuyết tật, ông Tư Thành di chuyển bằng xe lăn lắc tay, phải dùng sức trong khi tuổi già thường xuyên bệnh tật, vừa vất vả, vừa mất nhiều thời gian.
Trong đợt dịch Covid-19 hơn hai năm trước, tranh thủ thời gian rảnh, ông lên mạng tham khảo nguyên lý hoạt động của các loại xe điện, bắt đầu lên ý tưởng thiết kế chiếc xe lăn đa năng của riêng mình. Thế nhưng nghĩ là một chuyện, còn bắt tay vào làm lại là chuyện khác.
Dù đã có kinh nghiệm về cơ khí nhưng do không qua trường lớp mà chủ yếu tự mày mò nghiên cứu, khung xe ban đầu vì thế cao đến 70cm khiến việc lên xuống xe gặp khó khăn. Ông Tư Thành phải tìm cách hạ độ cao của xe xuống cho phù hợp.
Ông Tư Thành bên chiếc xe lăn đa năng "độc nhất vô nhị"
Do xe có hàng trăm linh kiện khác nhau nên quá trình đặt mua từng món mất nhiều thời gian. Ngoài ra, do ông không thể với tay tới hệ thống máy móc nên mỗi lần cần gia công chi tiết nào phải nhờ thợ giúp.
Anh Cao Hành Tiến (35 tuổi) người con trai lớn của ông Tư Thành kể, khi nghe ba chia sẻ ý tưởng anh đồng ý ngay và dành thời gian rảnh hỗ trợ ông. Hai cha con làm việc ròng rã gần 2 năm để đặt mua từng linh kiện, lắp ráp từng bộ phận.
Anh Tiến chia sẻ: “Có khi linh kiện ráp vô chạy thử bị cháy, vậy là phải nghiên cứu làm lại từ đầu”.
Xe lăn được thiết kế chạy bằng động cơ điện. Ngoài ra, để dự phòng trường hợp hết ắc quy giữa đường, xe cũng được trang bị thêm động cơ xăng một lít, có thể di chuyển quãng đường hơn 10km. Đúng như tên gọi, sau khi hoàn thiện, xe trang bị nhiều tiện ích gồm đèn cảnh báo, quạt máy, màn hình giải trí karaoke, camera 360 độ, máy che điều khiển, hệ thống nâng gầm, rửa xe, bơm hơi, đồng hồ báo tốc độ, báo pin.
“Kỹ sư” lớp 3 chia sẻ, phần lớn các phụ kiện trên xe đều có chức năng giúp ích nhưng cũng có phụ kiện chỉ mang tính trang trí cho vui. Ông Tư Thành cười và chỉ tay vào chiếc “chảo vệ tinh” xoay tít phía sau xe, thực chất được ông chế từ chiếc chảo chống dính mua ngoài chợ.
“Có hôm tui đi chợ chọc mấy bà bán cá hỏi cân đủ không tui cân lại, họ hỏi ngược lại tui có cân không. Vậy là tui bấm nút chiếc cân điện tử gắn dưới gầm xe hiện ra trước sự ngơ ngác của họ” - ông Tư Thành tươi cười kể.
Do có nhiều phụ kiện, chiếc xe sau khi hoàn chỉnh nặng hơn 200kg, tổng chi phí khoảng 90 triệu đồng chủ yếu từ khoảng tiền để dành từ khoản lợi nhuận của xưởng cơ khí.
Theo ông Tư Thành, do là người khuyết tật nên chiếc xe cũng được thiết kế với tốc độ chỉ hơn 35km/h để bảo đảm an toàn cho bản thân và người đi đường. “Sắp tới tui tiếp tục nghiên cứu để nâng cấp thêm một số phụ kiện trên xe” - ông Tư Thành nói thêm./.
Như Nguyệt