70 năm đã trôi qua, nhưng Trung tướng Chu Duy Kính, nguyên Ủy viên Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Tư lệnh Quân khu Thủ đô (nay là Bộ tư lệnh Thủ đô), đại biểu Quốc hội khóa VIII (1987-1992) vẫn nhớ như in những ngày hoạt động trong nội thành đánh thực dân Pháp theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đại bác nổ rầm sáng rực góc trời Hà Nội
Đáp ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/12/1946), cả dân tộc ta muôn người như một chung sức, đồng lòng, nêu cao ý chí quyết tâm sắt đá, chống giặc giữ nước. Phát huy hào khí Thăng Long, quân dân Thủ đô đã anh dũng đứng lên, nổ súng, mở màn cuộc kháng chiến toàn quốc vĩ đại của dân tộc với tinh thần "quyết tử để Tổ quốc quyết sinh".
Với niềm tin tưởng tuyệt đối Hồ Chủ tịch và cấp trên, nghe lời kêu gọi, ông Chu Duy Kính, lúc đó mới 16 tuổi cũng như bao thanh niên khác xung phong ra mặt trận với niềm tin tất thắng và cùng đồng đội làm nên 60 ngày đêm hào hùng “giam chân” địch trong lòng Hà Nội.
Trung tướng Chu Duy Kính
Năm 1946, ông Chu Duy Kính chiến đấu ở Ô Cầu Dền, là chiến sĩ bảo vệ cơ quan của Thành ủy. Hoạt động trong nội thành, ông được phân công làm đội trưởng đội vũ trang tuyên truyền (khi đó gọi là đội hoạt động): tuyên truyền kháng chiến, rải truyền đơn, xây dựng cơ sở kháng chiến để ẩn náu.
Đúng 20h3 ngày 19/12/1946, tiếng súng từ pháo đài Láng phát ra báo hiệu cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu. Cùng với Hà Nội, nhân dân ở nhiều thành phố, thị xã trong cả nước đã anh dũng tấn công địch, làm chậm bước tiến của chúng, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh.
“Tối hôm đó, tôi đang đứng ở Ngã Tư Sở, đại bác bắn ở pháo đài Láng. Mỗi phát đại bác nổ rầm sáng rực một góc trời Hà Nội. Ta bắt đầu mở màn cuộc kháng chiến không phải dùng súng trường mà bằng những phát đại bác 75 li làm quân Pháp hốt hoảng” – ông Kính nhớ lại.
Trong quá trình hoạt động ở nội thành, ông Chu Duy Kính từng bị sở mật thám bắt, tra tấn, giam ở sân bay Bạch Mai nhưng sau đó ông vượt ngục thành công và trở về Thành ủy báo cáo, đề nghị với cấp trên cho lợi dụng đường ống cống mình đã thoát ra để trở lại đánh sân bay. Trận đánh diễn ra với 32 người, phá 25 máy bay và đốt cháy kho xăng của sân bay Bạch Mai.
Hà Nội, ngày trở về
Mặc dù lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ nhưng đồng bào và chiến sỹ Thủ đô đã chiến đấu anh dũng, giam chân kẻ thù suốt 60 ngày đêm. Trung tướng Chu Duy Kính nhấn mạnh, đây là cuộc chiến tranh đường phố đầu tiên của Việt Nam, vây hãm một đội quân thiện chiến của Pháp, do những tướng lĩnh có kinh nghiệm chỉ huy.
Chiến dịch có ý nghĩa rất lớn khi đánh tan chiến thuật đánh nhanh, thắng nhanh, rút nhanh của thực dân Pháp (địch nghĩ đánh trong 1 tuần là xong!). Mặc dù lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ nhưng đồng bào và chiến sỹ Thủ đô đã chiến đấu anh dũng, giam chân kẻ thù suốt 60 ngày đêm, tạo điều kiện để Trung ương Đảng, Chính phủ rút về khu an toàn, tản cư được phần lớn nhân dân, đưa một khối lượng lớn máy móc, thiết bị công nghiệp lên chiến khu góp phần cho cả nước chuẩn bị chủ động bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
Nói về cảm xúc khi cùng đoàn quân rút khỏi Hà Nội, ông Chu Duy Kính bồi hồi: “Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh nói đánh thực dân Pháp là đánh lâu dài. Chúng tôi rút đi mang theo một niềm tin nhất định sẽ chiến thắng và quay trở lại Hà Nội”. Và thực tế, quân và dân ta đã làm nên những chiến thắng giòn giã và kết thúc toàn thắng ở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Vị Tướng quân đội chia sẻ: “Văn Cao có viết “năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về” hay Nguyễn Đình Thi làm bài thơ “Ngày về” đã thể hiện đúng tâm tư, tình cảm của người lính. Có niềm tin nên có sức mạnh chiến đấu. Mình biết rằng mình có thể hy sinh, có thể bị lôi ra trường bắn nhưng Hà Nội sẽ giải phóng, đất nước sẽ giải phóng”
“Hà Nội lúc đó có khoảng 20 vạn dân, thưa thớt. Khi chúng tôi trở lại Hà Nội, phố Khâm Thiên nghèo, toàn nhà thấp tầng. Sau 70 năm, Hà Nội đã phát triển gấp cả trăm lần và tôi nghĩ sẽ không dừng lại ở đây” – Trung tướng Chu Duy Kính tin tưởng./.
Nam Sơn/VOV.VN