Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Phan Nhân Duy:
Thực hiện Kế hoạch số 82-KH/TU, ngày 24/12/2018 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về phòng, chống “TNV” trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường lồng ghép nội dung liên quan đến “TNV” vào Kế hoạch số 07/KH-STNMT, ngày 05/01/2019 thực hiện phòng, chống tham nhũng của Sở Tài nguyên và Môi trường năm 2019. Đồng thời, Đảng ủy sở tiến hành quán triệt đến bí thư chi bộ, toàn thể đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trực thuộc sở về phòng, chống “TNV”, trong đó, chú trọng việc thực hiện và tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X); Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07/12/2015; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị; tập trung rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính “không cần thiết”; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hoàn thiện và thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến,... Ngoài ra, sở cũng thường xuyên triển khai, quán triệt trong các cuộc họp giao ban đến trưởng các đơn vị trực thuộc sở, luôn nhắc nhở công chức, viên chức của đơn vị mình quản lý, không để xảy ra những vụ việc ảnh hưởng đến đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động.
Cán bộ “một cửa” cần được nhắc nhở thường xuyên việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, góp phần phòng, chống “tham nhũng vặt” (ảnh minh họa)
Bí thư Đảng ủy xã Long Hiệp, huyện Bến Lức - Trương Ngọc Hiển:
Theo tôi, nếu tham nhũng trục lợi chính sách, tham nhũng lớn làm suy kiệt nền kinh tế thì “TNV” cũng có sức tàn phá rất lớn đối với đời sống xã hội, đặc biệt là làm giảm niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền. Để kiềm chế vấn nạn “TNV” tại địa phương có nhiều công ty, xí nghiệp, thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên, người dân về công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những cán bộ thuộc lĩnh vực: Tư pháp hộ tịch, địa chính, công an,... có biểu hiện “nhũng nhiễu” được người dân phát hiện, phản ánh qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc cử tri. Nhờ đó, những năm qua, trên địa bàn xã không xảy ra hiện tượng cá nhân, doanh nghiệp phải dùng tiền để “bôi trơn” khi làm các thủ tục hành chính; người dân đề nghị cấp phép xây dựng, làm giấy tờ nhà đất không còn đi lại nhiều lần, chờ đợi lâu vì các thủ tục rườm rà. Thời gian tới, xã tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế trong giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định theo chủ trương của Ðảng và trên cơ sở pháp luật, đồng bộ, bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu lực, hiệu quả,...
Bí thư Đoàn khối Cơ quan, Doanh nghiệp tỉnh - Nguyễn Công Tiếp:
Theo tôi, hiện nay, “TNV” trở nên khá phức tạp với nhiều nguyên nhân, nhất là do ý thức trách nhiệm, thói quen, tâm lý từ thời cơ chế xin - cho. Mặt khác, các thủ tục hành chính hiện còn nhiêu khê, do đó, để vượt qua những rào cản này thì người dân chọn cách nhanh, gọn nhất là “đưa tiền”. Chuyện người dân muốn làm việc nọ, việc kia nhưng phải “lót tay”, “bôi trơn”, quà cáp là chuyện không đúng, không bình thường, nhưng hiện nay vấn nạn này vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều chỗ nhưng chúng ta lại thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ để nhắc nhở, xử lý, là những tác nhân gây ra “căn bệnh” này. Chính vì vậy, chúng ta cần có nhiều biện pháp để xử lý một cách toàn diện vấn đề này, nhất là vào thời buổi tội phạm công nghệ cao nở rộ, trở thành thách thức mới.
Ông Trịnh Trọng Thùy (89 tuổi, xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh):
Thời gian qua, tình hình tham nhũng của nước ta từng bước được kiềm chế, đẩy lùi; công tác phòng, chống vấn nạn này đạt nhiều kết quả khả quan, tích cực. Theo đó, nhiều vụ án phức tạp, nghiêm trọng, án tham nhũng, kinh tế,... được phát hiện điều tra, truy tố, xét xử khẩn trương, nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, công tác này hiện chỉ tập trung vào những vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, trong khi vấn nạn “TNV” vẫn tồn tại, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp, nhất là liên quan đến các lĩnh vực: Y tế, giáo dục, giao thông - vận tải, hải quan, thuế, cấp phép đầu tư,...
Vì vậy, tôi đề nghị, Chính phủ, chính quyền các cấp cần có nhiều giải pháp quyết liệt hơn, kịp thời ngăn chặn tình trạng “TNV” nhằm xây dựng vững chắc niềm tin của nhân dân; cần phải xử lý và siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra hiện tượng nhũng nhiễu, hành dân trong giải quyết công việc. Qua đó, góp phần giữ vững, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội của địa phương.
Ông Hoàng Trọng Bình, ngụ thị trấn Cần Giuộc huyện Cần Giuộc:
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy rằng, quần chúng nhân dân đã ghi nhận quyết tâm của Đảng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Cụ thể, những năm gần đây, nhiều vụ việc được đưa ra ánh sáng, có những vụ việc với số tiền từ hàng trăm đến hàng nghìn tỉ đồng và liên quan đến hàng ngũ lãnh đạo các cấp. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, trong cuộc sống hàng ngày, vẫn còn xảy ra nạn “TNV”. Có lẽ vì “vặt” nên ít ai để ý hay quan tâm đến những món quà biếu nhỏ, những khoản lót tay “nhẹ nhàng, tình cảm” vẫn đang diễn ra như một lẽ thường. Thế nhưng, tôi thiết nghĩ, hậu quả của nó gây ra không hề “vặt”.
“TNV” vẫn còn xảy ra ở một số cơ quan công quyền, ở những lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, tài nguyên - môi trường, giao thông, thuế hoặc giải quyết các thủ tục hành chính, nạn cò mồi,... Theo tôi, Đảng, Nhà nước cần có biện pháp quyết liệt, đừng để “TNV” đi vào tiềm thức của nhân dân, được dân mặc định giống như “cái gì cũng cần phải bôi trơn” mới xong công việc. Những cơ quan có liên quan cần giữ thông tin bí mật đối với những người mạnh dạn, dũng cảm tố cáo hành vi tham nhũng, kể cả “TNV”./.
Phong Nhã - Nguyệt Nhi (ghi)