Tiếng Việt | English

19/09/2015 - 04:36

6 người chết, mất tích do mưa lũ sau bão số 3

Thông tin từ văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đến tối 18-9 cho biết đã có 6 người chết, mất tích do mưa lũ sau bão số 3.

 

Mưa to đêm 17-9 kèm theo cống xả tại đập Vai Cời quá bé khiến lượng nước dồn về phường Trung Sơn Trầm làm ngập nhiều khu vực. Đến đầu giờ chiều 18-9 lượng nước mới cơ bản rút xuống - Ảnh: Xuân Long

Sau các tỉnh miền Trung, đêm 17 và ngày 18-9 mưa lũ cũng đã xuất hiện ở nhiều tỉnh miền Bắc, trong đó có một số huyện của Hà Nội.

Vào 2g ngày 18-9, tại địa bàn thị trấn Xuân Mai và xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) xảy ra ngập úng trên diện rộng làm chết 12.000 gia cầm các loại; ngập sâu 97 nhà và 28,6ha hoa màu. Địa phương đã huy động 459 người, 6 xuồng máy và 2 ôtô di dời 79 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Đêm 17 sáng 18-9, tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội, mưa lớn làm ngập úng 227,1ha lúa, 27,85ha rau màu và 11,09ha thủy sản. Thiệt hại tập trung tại phường Trung Sơn Trầm và các xã Kim Sơn, Xuân Sơn, Thanh Mỹ.

Thị xã Sơn Tây cùng cơ quan chức năng huy động 195 bộ đội và dân quân cùng 10 ôtô, máy xúc khắc phục hậu quả.

Ngày 17 và 18-9, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa to kéo dài gây ngập lụt cục bộ ở thành phố Hòa Bình và các huyện Lương Sơn, Yên Thủy, Kim Bôi làm chết 1 người, mất tích 1 người, sập 1 nhà tại huyện Lương Sơn.

Địa phương huy động 943 người cùng 12 ôtô, xuồng tham gia khắc phục, di dời 228 hộ dân/808 người đến nơi an toàn.

Ngày 17 và 18-9, trên địa bàn các huyện Thanh Thủy, Thanh Sơn, Cẩm Khê, Tân Sơn, Tam Nông, Phú Thọ xảy ra mưa to kéo dài gây ngập lụt cục bộ khiến 1 người bị thương, sập 1 nhà, ngập 23 nhà, ngập úng, hư hại 474,6ha lúa và hoa màu, sạt lở bờ sông Thao phía ngoài đê bao xã Hương Nộn, huyện Tam Nông (dài 150m, rộng 40m).

Địa phương huy động 110 người tham gia khắc phục.

Lúc 9g30 ngày 18-9, tại khu vực cửa biển Nhật Lệ (Quảng Bình), tàu QB 91595 TS với 9 ngư dân và tàu BĐ 94006 TS với 12 ngư dân bị mắc cạn. Các tàu cá đi cùng đã đưa 21 người trên hai tàu bị mắc cạn vào bờ an toàn. Biên phòng Quảng Bình huy động 8 người và 1 tàu cứu hộ hai tàu bị mắc cạn.​


Người dân Nghệ An gặt lúa chạy lụt - Ảnh: Doãn Hòa

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, nước lũ ở các sông Hoàng Long (Ninh Bình), sông Thao tại Yên Bái vẫn lên. Các vùng trũng, thấp, ven sông suối tại các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam vẫn còn nguy cơ ngập úng.

Trước diễn biến trên, ngày 18-9 văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai và văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có công điện gửi các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái và các bộ ngành liên quan triển khai theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Thông tin cảnh báo kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân để chủ động các biện pháp phòng chống, ứng phó; bố trí biển báo, lực lượng hướng dẫn, kiểm soát giao thông tại các khu vực bị ngập, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đi lại...

Thanh Hóa: hàng trăm hộ dân phải di dời

Chiều 18-9, thông tin từ Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa cho biết ba ngày qua trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to, mực nước sông Bưởi, sông Mã và nhiều sông suối khác trên địa bàn dâng cao, đến cuối giờ chiều 18-9, tại các huyện Thạch Thành, Cẩm Thủy, Như Xuân… đã phải sơ tán, di dời 671 hộ dân ở vùng trũng bị ngập nước, có nguy cơ sạt lở đất đá, lũ quét, lũ ống đến nơi ở an toàn.

Thống kê ban đầu đến chiều 18-9 mưa lũ đã làm gần 800 ngôi nhà dân bị ngập, gần 50ha diện tích ao nuôi bị tràn, hơn 2.700ha cây lúa, mía và rau màu các loại bị ngập, đổ gãy và 330 con gia súc, gia cầm bị chết.

Tuyến quốc lộ 217 nối từ thị trấn huyện Quan Sơn đi cửa khẩu quốc tế Na Mèo bị sạt lở nhiều đoạn. Nước lũ làm ngập cầu Phà Lò trên quốc lộ 217, chia cắt huyện Quan Sơn với TP Thanh Hóa (cách 140km) và các huyện miền xuôi hai ngày nay.

Trong ngày 18-9, tất cả học sinh trên địa bàn huyện Quan Sơn đã phải nghỉ học do mưa lũ, nhằm đảm bảo an toàn cho các em. Ước tính ban đầu, mưa lũ tại huyện Quan Sơn gây thiệt hại gần 16 tỉ đồng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ tối 18-9, bà Bùi Thị Mười - bí thư Huyện ủy Thạch Thành - cho biết đến cuối ngày 18-9, mực nước sông Bưởi tại thị trấn Kim Tân, Thạch Thành là 11,1m, cao hơn mức báo động 2 là 16cm. Hiện mưa tại địa phương đã ngớt nhưng mực nước sông Bưởi vẫn tăng chậm, vì thượng nguồn của con sông này bắt nguồn từ tỉnh Hòa Bình hiện đang có mưa.

Bà Mười cho biết thêm trong ngày 18-9, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo hai xã ven sông Bưởi di dời được 529 hộ dân có nhà bị ngập nước nặng, nguy cơ bị lũ quét, lũ ống đến nơi ở an toàn tại các công trình phúc lợi của xã, hoặc trên đồi, núi cao; trong đó có 169 hộ dân ở xã Thạch Lâm, 360 hộ dân ở xã Thành Mỹ.

Chiều 18-9, UBND huyện đã cấp 169 thùng mì gói cho các hộ dân ở các bản Biện, Nghéo, Đồi của Thạch Lâm đi sơ tán tránh lũ. Hiện ba bản này đang bị chia cắt với trung tâm xã và vùng lân cận.

Thống kê đến cuối ngày 18-9, toàn huyện Thạch Thành có 801 nhà bị ngập nước do mưa lũ, 2 nhà bị đổ, 421m tường rào bị đổ; 1.361,8ha lúa mùa bị ngập; 471,5ha mía nguyên liệu ngập nặng; 109ha cây màu khác bị ngập.

Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Thạch Thành không bị ách tắc. Đến nay, huyện chưa thống kê chi tiết được thiệt hại do mưa lũ gây ra những ngày qua.

Nước sông Lò dâng cao, chảy xiết làm ngập cầu Phà Lò, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), chia cắt huyện này với miền xuôi - Ảnh do người dân cung cấp


Nhiều người dân và các loại phương tiện giao thông không thể qua lại được cầu Phà Lò (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) - Ảnh do người dân huyện Quan Sơn cung cấp


Nước sông Lò dâng cao, chảy xiết - Ảnh do người dân cung cấp

Theo Tuoi tre online

Chia sẻ bài viết