Tiếng Việt | English

21/03/2016 - 09:57

90% học sinh muốn học đại học, cao đẳng để rồi... thất nghiệp

Hằng năm, có tới 90% học sinh tốt nghiệp THPT đăng ký thi CĐ, ĐH, dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng trong nhóm “lao động chất xám”.

Tại một cuộc hội thảo về dạy nghề gần đây, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội - Doãn Mậu Diệp cho biết, hằng năm có khoảng 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT thì có tới 90% đăng ký thi CĐ, ĐH; trong khi 10% còn lại chưa hẳn đã theo đuổi con đường học nghề.

Điều này dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng trong nhóm “lao động chất xám”, trong khi thất nghiệp ở đối tượng học nghề không nhiều. Nhu cầu thị trường về lao động có kỹ năng nghề thì nhiều, nhưng nhu cầu theo học của thanh niên rất ít.

Đã ít người học, chất lượng lại thấp

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh, hiện cơ cấu lao động ở Việt Nam chưa thực sự hợp lý. Lao động không có chuyên môn nghiệp vụ làm việc trong các doanh nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất (khoảng 59%), trong khi số có trình độ đại học chỉ khoảng 8%.

Có tới 90% học sinh tốt nghiệp THPT muốn vào ĐH, CĐ

Thực hiện chiến lược dạy nghề 2011 – 2020, Việt Nam đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy quy mô học nghề tăng lên. Trong 5 năm (2011 – 2015), cả hệ thống dạy nghề đào tạo 9,2 triệu người; tuy nhiên số học nghề trung cấp và cao đẳng chỉ chiếm 12%, số còn lại là đào tạo ngắn hạn. Đây thực sự là thách thức cho đào tạo nghề ở Việt Nam, vì đào tạo ngắn hạn chỉ mang tính chất hỗ trợ.

“Có sự mất cân đối trong đào tạo và tuyển dụng lao động. Nhóm lao động chất lượng cao, như lao động kỹ thuật, rất khan hiếm. Trong khi hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm chưa được hiệu quả, thiếu thông tin thị trường lao động, thiếu dự báo có chất lượng về nhu cầu nhân lực để làm cơ sở cho giáo dục – đào tạo và dạy nghề.

Trong khi đó, tại các diễn đàn doanh nghiệp, các chuyên gia vẫn kêu ca chất lượng dạy nghề tuy có nhiều chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, thường chưa gắn với thị trường; đào đạo nghề còn khoảng cách với yêu cầu của chủ sử dụng lao động; thiếu sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý nhà nước và thị trường, doanh nghiệp, dẫn đến thực trạng mất cân đối. Chúng ta cũng chưa có chương trình giáo dục quốc gia tương thích với khu vực, nên khó khăn cho lao động di chuyển” – ông Doãn Mậu Diệp chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: Chúng ta có khoảng 190 trường cao đẳng nghề, 290 trường trung cấp nghề, gần 1.000 trung tâm dạy nghề, tuy nhiên phân bố chưa hợp lý, rất khó tuyển sinh. Tuyển sinh dạy nghề hiện đang thực sự khó khăn, chất lượng còn thấp, ảnh hưởng đến tâm lý người học. Học sinh không mặn mà với học nghề cũng là một trong những lý do khiến các cơ sở đào tạo nghề hiện nay chưa phát huy hết năng lực.

Thực tế này dẫn đến “vòng luẩn quẩn” là chất lượng lao động thấp – lương thấp khiến học sinh bằng mọi cách phải có bằng đại học, dù không đỗ chính thức thì học tại chức, từ xa, liên thông, vì thế nhiều trường nghề lại lâm vào cảnh ế ẩm, “chết yểu”.

Làm sao để thu hút học sinh học nghề?

Các chuyên gia cho rằng, chuyện “sinh bằng cấp” ở ta vẫn còn rất rặng nề. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các em đã được trang bị tâm lý “lớn lên làm thầy”, ít em muốn “làm thợ”. Do đó mỗi kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng, học sinh và phụ huynh là “cơm đùm cơm nắm” đổ về thành phố đi thi, trong khi tỷ lệ rớt khá cao.

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội khuyến nghị cần có sự “phân luồng” và siết chặt số lượng cũng như chất lượng tuyển sinh đại học, cao đẳng. Bên cạnh đó, công tác dự báo cũng rất quan trọng để định hướng thông tin cho học sinh.

“Phải có sự điều tiết, phân luồng ngay trong nhà trường. Điều này cần bàn tay của các nhà quản lý nhà nước. Ví dụ đến bao nhiêu điểm là không được học đại học, không phải như bây giờ 12 điểm cũng đậu, như vậy vét đến 80% rồi. Nhà nước cũng nên tài trợ cho một số nghề để học sinh theo học, nhất là những ngành nặng nhọc như luyện kim, mỏ...

Bên cạnh đó, điều chúng ta đang làm là cho phép liên thông. Tức là các em vào trung cấp rồi sau thời gian nào đó có thể đi tiếp đại học. Điều này sẽ làm tăng nhu cầu của xã hội” – bà Lan Hương nói.

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương cũng nhấn mạnh, các nhà trường nên sử dụng thông tin về thị trường lao động để làm công tác hướng nghiệp cho học sinh. Theo đó, căn cứ thông tin thị trường lao động hiện nay, sẽ có sự tư vấn giáo dục hướng nghiệp phù hợp, tránh tình trạng học sinh đổ xô theo học một số ngành được coi là “hot” ở một thời điểm, nhưng lại “ế ẩm” ở những thời điểm khác. Tâm lý học sinh thường thích đại học, cao đẳng hơn, nhưng vấn đề phải nhìn bức tranh sau khi ra trường thế nào, công việc ra sao.

Trước tình trạng nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp gần như “chết yểu”, lao động được tuyển dụng ít, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, Việt Nam là nước đang trong quá trình từ nông nghiệp sang công nghiệp. Mô hình nguồn nhân lực là chuyển từ đáy rất rộng, đó là lao động không có chuyên môn kỹ thuật, sang đào tạo bậc trung phải phát triển.

Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu của người muốn “học cao” rất lớn, trong khi không mấy người thích học nghề. Do đó, điều quan trọng cần tạo cơ chế để có “đảo ngược tình thế” này./.

Minh Dương/VOV.VN 

Chia sẻ bài viết