Tiếng Việt | English

10/01/2017 - 10:08

An toàn thực phẩm - Nỗi lo chung

Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV, đơn vị tỉnh Long An do Phó Trưởng đoàn Trương Văn Nọ làm Trưởng đoàn có đợt giám sát về an toàn thực phẩm (ATTP) tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua đợt giám sát cho thấy, vấn đề ATTP vẫn luôn là nỗi lo chung.


Nỗi lo an toàn thực phẩm từ những bữa ăn giữa ca của công nhân

An toàn thực phẩm khó kiểm soát

Hiện nay, tình trạng mất ATTP đang thực sự là mối lo chung của toàn xã hội. Giải pháp để giải quyết vấn đề này cũng khá nhiều; tuy nhiên, thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn tràn lan khắp nơi. Người tiêu dùng rất lo lắng khi hàng ngày phải đối mặt với việc chọn lựa thực phẩm an toàn cho bữa cơm gia đình. Đối với đội ngũ công nhân, lao động hầu như đang tiêu thụ hàng ngày lượng thực phẩm kém an toàn mà không hề biết có rất nhiều mối nguy hại đang đe dọa đến sức khỏe của mình.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Minh Thùy, giáo viên, nhà ở khu phố 8, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức nói: “Giờ ăn gì cũng sợ, nhưng không biết tránh bằng cách nào”.

Bếp ăn tập thể tại các doanh nghiệp có hàng trăm, hàng ngàn công nhân, lao động là một trong những nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP nhất hiện nay, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế - ĐBQH Trương Phi Hùng nhận định: “Qua khảo sát tại bếp ăn tập thể của một vài doanh nghiệp trên địa bàn, chúng tôi thấy, có nơi chỉ cung cấp bữa ăn giữa ca cho công nhân với giá 12.000-14.000 đồng. Với mức giá đó, chúng ta cũng hình dung được chất lượng bữa ăn cho công nhân ra sao trước thời buổi vật giá leo thang này. Chúng tôi tiếp tục tham mưu Sở Y tế tăng cường đầu tư nguồn lực, chỉ đạo các đơn vị chức năng trong ngành triển khai quản lý điều kiện ATTP đối với các bếp ăn tập thể theo quy định.

Không ngừng thanh tra, kiểm tra định kỳ và tăng cường kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn, kiên quyết xử lý kịp thời các hành vi vi phạm và chủ động phòng ngừa các sự cố về ATTP. Trong đó, tập trung tổ chức giám sát ATTP đối với bếp ăn tập thể để khuyến cáo, cảnh báo kịp thời về điều kiện bảo đảm ATTP cho các doanh nghiệp, trường học trên địa bàn tỉnh”.


Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm tại Siêu thị Co.opMart Bến Lức

Cần sự phối hợp giữa các ngành

Tham gia cùng Đoàn giám sát về ATTP, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: “Hiện nay, việc vi phạm quy định về bảo đảm ATTP đã và đang diễn ra trong hầu hết các lĩnh vực: Sản xuất, kinh doanh rau, củ; nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản; chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm; sản xuất, kinh doanh chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, chất bảo quản thực phẩm; sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và sữa, bánh kẹo,... Các vi phạm về bảo đảm ATTP gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe của người dân, cụ thể: Gây ra nguy cơ ngộ độc thực phẩm hoặc gây ra các bệnh như tim mạch, ung thư,...”.

Tại Siêu thị Co.opMart Bến Lức, trong đợt giám sát vừa qua, theo ý kiến đánh giá của các thành viên, công tác bảo đảm ATTP được hệ thống siêu thị làm tốt, cung ứng cho thị trường những sản phẩm thực phẩm an toàn. Trao đổi cùng chúng tôi, Giám đốc siêu thị - Nguyễn Thị Hồng Chương chia sẻ: “Chúng tôi luôn cố gắng bảo đảm các điều kiện kiểm soát đầu vào để cung ứng những sản phẩm an toàn nhằm bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn các ngành chức năng hỗ trợ chúng tôi nhiều hơn trong việc phối hợp kiểm soát về vấn đề ATTP. Ngoài ra, địa phương cũng cần quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ chúng tôi về mặt hồ sơ, thủ tục cấp chứng nhận an toàn cho các mặt hàng thực phẩm, tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp nhỏ, lẻ tại địa phương tiếp cận tốt hơn với kênh tiêu thụ của siêu thị”.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng đoàn giám sát ATTP - Trương Văn Nọ cho biết: “Nói đến mất ATTP, ai cũng nghĩ ngay, cơ quan chịu trách nhiệm chính là Bộ Y tế. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận khách quan nhất, vấn đề ATTP còn liên quan đến sự quản lý của rất nhiều bộ, ngành khác như: Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương,... chứ không thể đổ hết trách nhiệm cho ngành Y tế. Qua kiểm tra thực tế, vấn đề ATTP còn nhiều hạn chế như: Việc xử lý chưa nghiêm; hoạt động giám sát nhiều khi mang tính hình thức; đặc biệt, cơ chế chịu trách nhiệm của người đứng đầu; phương tiện, thiết bị kiểm tra, kiểm nghiệm chưa đồng bộ;... Nhưng quan trọng nhất vẫn phải là cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành. Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề này một cách tích cực, theo tôi, cần có sự tham gia, phối hợp đồng bộ của nhiều bộ, ngành liên quan”.

Hơn bao giờ hết, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng khi mua hàng cần quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, từ chối các cơ sở sản xuất, kinh doanh mất vệ sinh, không bảo đảm an toàn, không chấp nhận những sản phẩm không rõ nguồn gốc, thời hạn sử dụng; đồng thời, khi phát hiện cơ sở vi phạm về ATTP, cần thông tin cho cơ quan chức năng kịp thời để có biện pháp xử lý./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết