Tiếng Việt | English

23/09/2015 - 20:22

Du lịch Long An - tiềm năng chưa được khai thác

Bài 1: Còn loay hoay

Được ví như ngành công nghiệp không khói – du lịch đóng một vai trò khá quan trọng trong việc phát triển kinh tế của mỗi địa phương. Tại tỉnh Long An, tiềm năng du lịch là rất lớn - khi cận kề TP.HCM, một điều kiện hết sức thuận lợi để xây dựng những tuyến – điểm du lịch từ trong tỉnh nối dài đến các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Long An có hệ sinh thái, động thực vật đa dạng, phong phú, có lịch sử phát triển lâu đời,… Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngành du lịch tỉnh nhà hầu như vẫn còn giẫm chân tại chỗ với muôn vàn khó khăn, thách thức, chưa tìm được lối đi cụ thể.


Làng nổi Tân Lập có không gian rất đẹp nhưng chưa được khai thác

Du lịch của Long An chỉ mới bắt đầu khởi động, đi những bước đầu tiên. Tuy nhiên, nếu được đầu tư, khai thác hợp lý, Long An sẽ phát huy được những lợi thế đặc thù, hứa hẹn trong thời gian không xa sẽ đem đến nhiều lợi ích thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh nhà.

Tiềm năng lớn

Long An có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi, là cầu nối các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM và được bao bọc bởi 2 con sông hiền hòa, thơ mộng đã đi vào thơ ca, đó là sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây. Với bề dày lịch sử hơn 300 năm, cha ông ta đã để lại hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa có giá trị cao như Nhà trăm cột (Cần Đước), Lăng Nguyễn Huỳnh Đức (TP.Tân An), Chùa Tôn Thạnh (Cần Giuộc), di tích khảo cổ học An Sơn Bình Tả (Đức Hòa),...

Bên cạnh đó, du lịch sinh thái có thể xem là một trong những điểm mạnh của Long An với diện tích tương đối lớn, đặc biệt tại vùng Đồng Tháp Mười có Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen, Làng nổi Tân Lập, Trung tâm Nghiên cứu Dược liệu Đồng Tháp Mười,… Tất cả đều hứa hẹn Long An thành một điểm thu hút, hấp dẫn du khách với nguồn nội lực phong phú, dồi dào cộng thêm những tiềm năng lớn có sẵn giúp chúng ta thuận lợi trong việc phát triển du lịch. Thế nhưng, dường như tiềm năng ấy vẫn còn bỏ ngỏ,…

Khai thác chưa hiệu quả

Tuy có những đặc điểm, điều kiện có khả năng phát triển như vậy nhưng Long An vẫn chưa khai thác được những tiềm năng ấy. Hoặc một số đã khai thác nhưng chưa hết hay không triệt để, chưa được đầu tư tu bổ, sửa chữa, từ những khu di chỉ khảo cổ, khu du lịch sinh thái cho đến du lịch cửa khẩu,… Điều này làm cho ngành du lịch tỉnh nhà còn nhiều bất cập, hạn chế, thậm chí là giậm chân tại chỗ.


Khung cảnh “đìu hiu” bên trong Làng nổi

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch – Trần Văn Hửng cho biết: “Long An có cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, nếu kết hợp du lịch gắn với cửa khẩu thì sẽ đem lại lợi ích rất nhiều nhưng hầu như chúng ta chưa khai thác được do thủ tục về cửa khẩu còn khó khăn. Hay Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen đã gửi hồ sơ để được công nhận khu Ramsar (khu sinh quyển đa sinh học) có 156 loài thực vật, 148 loài động vật. Nơi đây hiện đang được lập dự án để chỉ đạo quy hoạch khai thác du lịch bên cạnh việc bảo tồn. Về nguyên lý điều này rất khó hiệu quả, sẽ phá vỡ kết cấu của khu bảo tồn vì khi hoạt động du lịch sẽ xảy ra nhiều vấn đề, đặc biệt ảnh hưởng đến môi trường,…”.

Khu du lịch (KDL) sinh thái Làng nổi Tân Lập nằm trên địa bàn huyện Mộc Hóa được đầu tư xây dựng với mục tiêu phát triển thành KDL đặc trưng, góp phần khai thác hợp lý các tiềm năng tự nhiên và nhân văn đặc thù, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách. Trở ngại lớn nhất là kinh phí đầu tư lên mức cả trăm tỉ đồng, diện tích hoạt động du lịch chính khoảng 135ha, tổng diện tích vùng đệm là 400ha, dựa trên khu rừng tràm hiện có nhưng hiệu quả thì chưa có, KDL vắng vẻ, lâu lâu mới có lèo tèo vài du khách đến tham quan.

Được biết, dự án KDL sinh thái Làng nổi Tân Lập xây dựng năm 2003, bàn giao lại cho Trung tâm Xúc tiến du lịch thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý từ đầu năm 2013. Hiện nay, KDL này đã hoàn thành đầu tư giai đoạn ban đầu, nhưng dừng đầu tư giai đoạn tiếp theo và chủ trương kêu gọi, vận động xã hội hóa. Trong quá trình kêu gọi đầu tư nhưng vẫn cho khai thác du lịch,… nhưng số lượng khách đến tham quan rất ít. Quang cảnh bên trong lẫn ngoài của KDL vẫn vắng vẻ, đìu hiu. Nhiều hạng mục, công trình trong KDL đã bắt đầu hư hỏng, xuống cấp, thậm chí không có cả nhà vệ sinh cho du khách. Các dịch vụ như ăn uống, nhà hàng, vui chơi, giải trí, chỗ nghỉ qua đêm phục vụ nhu cầu của du khách trong KDL chưa có.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bình quân 1 năm có khoảng 800 lượt khách, trung bình mỗi tháng khoảng vài chục khách đến tham quan, doanh thu từ hoạt động của KDL không đủ chi trả lương hàng tháng cho nhân viên làm việc tại đây.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch – Phạm Văn Trấn thông tin: “Long An có những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Tuy nhiên, thời gian qua, du lịch tỉnh chưa khai thác hết nội lực cũng như tiềm năng. Công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh đã có nhiều năm nhưng chưa thật sự hấp dẫn, thông tin còn nhàm chán dẫn đến việc du khách chưa tìm hiểu rõ về du lịch Long An.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục những thiếu sót để khai thác tiềm năng, thế mạnh ngành du lịch tỉnh nhà. Hy vọng đến năm 2016, ngành du lịch của tỉnh sẽ “cất cánh”.

KDL sinh thái Làng nổi Tân Lập với các hạng mục, công trình trong giai đoạn 1 đã hoàn thành, chủ trương của tỉnh là kêu gọi đầu tư xã hội hóa và thời gian qua cũng có một vài nhà đầu tư đến tìm hiểu. Chúng tôi sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra lại những công trình, hạng mục nếu có xuống cấp sẽ tiến hành sửa chữa”./.

Đức Minh-Đức Tâm

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích