Cổng Xóm Trường được người dân và chính quyền địa phương xây dựng
Xóm Trường ngày nay không còn lưu lại vết tích gì của những tháng năm bom cày, đạn xới. Màu xanh ruộng lúa, vườn rau và những căn nhà mới mọc lên san sát tạo ra bức tranh vùng quê nông thôn mới nâng cao đầy màu sắc. Đường dẫn vào xóm được bêtông hóa rộng rãi với cổng ấp lớn được xây dựng từ nhiều năm trước.
Còn trong kháng chiến, Xóm Trường là khu vực dày đặc công sự, hầm trú ẩn, hầm chông lẫn trong những lùm cây um tùm, rậm rạp, thích hợp trở thành căn cứ của ta. Địa thế đó được tạo nên một phần bởi điều kiện tự nhiên khi Xóm Trường có rạch Trường chảy từ sông Vàm Cỏ Đông đến giữa xóm và có nhiều rạch nhỏ chằng chịt, thuận lợi cho giao thông, đi lại của quân và dân ta.
Ngoài ra, yếu tố quan trọng còn lại để Xóm Trường trở thành vùng căn cứ cách mạng chính là lòng dân. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phương Thảo, bấy giờ, Xóm Trường chỉ có hơn 30 ngôi nhà nhưng đồng bào ở đây hết lòng đùm bọc, chở che cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Nhờ có sự đoàn kết quân - dân mà trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống xâm lược, Xóm Trường luôn là “cái gai” không nhổ được của địch mặc dù chúng nhiều lần tổ chức càn quét, đội bom, bắn pháo “cày từng tấc đất” Xóm Trường. Trong những năm tháng anh hùng ấy, nổi danh nhất là 2 trận chống càn năm 1946 (chống thực dân Pháp) và năm 1965 (chống đế quốc Mỹ).
Căn cứ "bất khả xâm phạm"
Năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, nhân dân miền Nam đồng lòng cùng cách mạng đánh thực dân. Lúc bấy giờ, cũng như ở các vùng khác, tại Cần Đước, mặc dù địch lập nhiều đồn, bót, gom dân vào ấp chiến lược nhưng vẫn không ngăn được lòng dân hướng về cách mạng. Chúng quyết định mở các trận càn vào căn cứ Xóm Trường, nơi đang có khoảng 1 đại đội thuộc Tiểu đoàn Lý Chính Thắng và 1 trung đội công an võ trang đang trú đóng nhằm tiêu diệt lực lượng ta. Nhưng sau 2 lần tổ chức tấn công vào Xóm Trường, chúng đều bị đánh bật ra.
Ngày 13/8/1946, địch mở trận càn lần 3 vào Xóm Trường nhưng vừa vào tới đầu xóm thì gặp phục kích của ta, bọn chúng hoảng loạn rút ra hướng sông Vàm Cỏ Đông. Trên đường chạy, chúng tiếp tục bị ta phục kích lần 2 nên bỏ vũ khí chạy tan tác, ta thu được 1 khẩu trung liên. Địch tiếp tục bổ sung lực lượng bao vây quân ta tại Xóm Trường nhưng chúng vẫn chưa vào được xóm.
Đến khoảng 9 giờ tối, lực lượng ta quyết định mở đường máu rút lui. Trong trận chống càn này, ta tiêu diệt hàng trăm tên địch, chủ yếu là lính Pháp. Phía ta hy sinh 20 đồng chí.
Trận đánh lưu danh lần 2 tại Xóm Trường diễn ra vào ngày 16/3/1965 khi địch tổ chức 1 tiểu đoàn từ chợ Kiến tiến vào Xóm Trường. Lúc này, trong xóm đang diễn ra cuộc họp của Nông hội huyện do C315 bộ đội địa phương bảo vệ.
Lễ chào cờ Tôi yêu Tổ quốc tôi tại Bia chiến thắng Xóm Trường
Với quyết tâm chiến đấu đến cùng, giữ vững trận địa, kế hoạch chống càn được vạch ra. Ta bố trí trận địa, sẵn sàng đợi giặc. Khi chúng đến gần công sự, ta đồng loạt nổ súng tiêu diệt địch ở đợt mở đầu. Tuy nhiên, trung liên trọng yếu đột nhiên bị hỏng, ta triển khai xung phong lên trận địa đoạt trung liên và 5 khẩu súng trường của nhóm địch tốp đầu vừa bị diệt. Nhờ vậy, ta đẩy lùi địch trong đợt 1.
Sau khi rút, địch tăng cường hỏa lực bom, pháo hòng tiêu diệt Xóm Trường từ xa nhưng nhờ có hệ thống công sự, hầm trú ẩn, lực lượng ta không bị thiệt hại, tiếp tục đánh bật nhiều đợt tấn công sau đó của địch, giữ vững công sự. Địch tiếp tục dùng phi pháo, bom bươm bướm, bom xăng ném xuống trận địa.
Được sự hỗ trợ, “chia lửa” của lực lượng cách mạng các xã bạn, quân ta tiếp tục đẩy lùi địch, chúng không thể tiến nổi vào căn cứ Xóm Trường, phải xin chi viện đợt 3. Lúc này, địch không dám tiến lên vì các mũi tiến công của chúng đều bị ta đánh bật ra, chạy tan tác.
Viện binh tới nhưng chúng vẫn án binh bất động, chỉ tổ chức thành các bộ phận nhỏ tấn công, đốt phá nhà dân và vẫn bị ta bắn tỉa, tiêu diệt. Đến khoảng 6 giờ tối thì C315 rút khỏi Xóm Trường an toàn.
Mặc dù lực lượng chỉ bằng 1/10 của địch, trang bị không đầy đủ và hiện đại nhưng ta đã bẻ gãy hoàn toàn trận càn của địch, làm chúng chết, bị thương hơn 100 tên và hoàn toàn mất sức chiến đấu. Thắng lợi ngày 16/3/1965 góp phần đưa khí thế phong trào quần chúng lên cao, đánh bại kế hoạch “bình định có trọng điểm” của Mỹ - ngụy.
Địa điểm giáo dục truyền thống
Ghi nhớ những chiến công oanh liệt ngày ấy, bia chiến thắng được xây dựng tại Xóm Trường. Đây là địa điểm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ tại địa phương.
Bí thư Đoàn xã Long Sơn - Nguyễn Huỳnh Trung Hòa cho biết, để giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên trong xã, các hoạt động nói chuyện truyền thống, chào cờ Tôi yêu Tổ quốc tôi đều tổ chức tại bia chiến thắng Xóm Trường. “Hàng tháng, Đoàn xã phối hợp ban ấp tổ chức dọn vệ sinh tại bia chiến thắng. Đặc biệt, lễ kết nạp đoàn viên cũng được tổ chức tại bia chiến thắng Xóm Trường” - anh Nguyễn Huỳnh Trung Hòa cho biết thêm.
Bia chiến thắng Xóm Trường tại xã Long Sơn, huyện Cần Đước - nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Các dịp lễ, tết, Đoàn xã Long Sơn thường xuyên vận động xã hội hóa tặng quà cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn. Đoàn xã tham gia cùng Huyện Đoàn Cần Đước thực hiện mô hình Người con hiếu thảo, đến thăm, tặng quà, dọn dẹp nhà và nấu bữa cơm gia đình cùng Mẹ Việt Nam Anh hùng được Huyện Đoàn phụng dưỡng.
Võ Ngọc Hạnh Thư (ấp 4, xã Long Sơn) thường xuyên tham gia hoạt động Đoàn tại địa phương, đặc biệt là các hoạt động đền ơn đáp nghĩa của Đoàn Thanh niên. Hạnh Thư chia sẻ: “Khi được tìm hiểu về truyền thống lịch sử địa phương, đặc biệt là Bia chiến thắng Xóm Trường, tôi hiểu hơn về sự hy sinh anh dũng của người đi trước, từ đó biết ơn và phấn đấu trong học tập, cuộc sống”.
Chiến tranh đã lùi xa, những vết thương do bom đạn gây ra tại Xóm Trường được thay thế bằng cuộc sống ấm no. Chủ nghĩa anh hùng, lòng yêu nước vẫn mãi được lưu truyền và nhắc nhở đến mai sau./.
Quế Lâm