Tiếng Việt | English

25/06/2016 - 13:31

Cây mía đang bị... ra rìa

Bài cuối: Có giữ được quy hoạch vùng nguyên liệu mía?

Huyện Bến Lức, tỉnh Long An là vùng chuyên canh mía, lại có nhà máy đường đóng trên địa bàn nhưng với thực trạng hiện nay liệu có giữ vững quy hoạch vùng nguyên liệu mía?

Theo quy hoạch bổ sung đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có khoảng 11.000ha mía, trong đó, huyện Bến Lức chiếm tới trên 70% diện tích. Do đó, những năm tới, huyện sẽ cố gắng giữ vững ở mức 7.000-8.000ha mía.

Nhằm giữ vững vùng nguyên liệu mía, những năm trước, huyện đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện. Chẳng hạn như đầu tư phát triển hạ tầng, đê bao khép kín chống ngập úng; thực hiện đầu tư trạm bơm điện ở các xã: Thạnh Hòa, Bình Đức, Thạnh Lợi; cải tạo cơ cấu giống mía mới có năng suất, chữ đường cao hơn; tổ chức lại sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, định kỳ làm việc với nhà máy đường đóng tại địa phương để kịp thời nắm bắt những khó khăn cũng như việc thu mua nguyên liệu mía của nông dân;…

Do nhiều nguyên nhân, diện tích mía ở Bến Lức có khả năng tiếp tục giảm

Mặc dù có những giải pháp này nhưng với những gì đang diễn ra, diện tích mía ở địa bàn huyện Bến Lức vẫn giảm liên tục. Qua thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, từ năm 2014 đến nay, mỗi năm, Bến Lức giảm từ 500-700ha mía (năm 2014, huyện vẫn có 8.500ha mía, nhưng đến năm 2015 chỉ còn 8.100ha; dự báo năm 2016 chỉ còn 7.400ha).

Để cây mía tiếp tục phát triển ổn định và tránh phụ thuộc về đầu ra, huyện và tỉnh tính đến chuyện tìm nguồn đầu ra ổn định, đó là hợp tác với Nhà máy Đường Thành Thành Công ở tỉnh Tây Ninh để thu mua mía nếu Công ty NIVL cứ tiếp diễn tình trạng nợ kéo dài.

Tuy nhiên, theo người dân, thực tế những năm qua, người trồng mía cũng không phải chỉ bán cho Công ty NIVL mà còn bán cho các nhà máy đường khác ở Tây Ninh, Đồng Nai, Bến Tre. Nhưng trước tình trạng nhà máy đường tại địa phương luôn gặp khúc mắc (nợ tiền, đánh giá chữ đường) với người trồng mía ở địa phương thì liệu với nhà máy khác ở ngoài tỉnh, ai dám chắc sẽ tốt hơn?

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng nhìn nhận: “Đúng là từ nhiều nguyên nhân cũng như trước việc Công ty NIVL liên tiếp nợ tiền mua mía kéo dài phần nào ảnh hưởng đến quy hoạch vùng mía vì ảnh hưởng đến tâm lý người dân”.

“Với những nguyên nhân: Trồng mía lợi nhuận thấp, thiếu nhân công, nhà máy liên tục nợ tiền thu mua; trong khi chanh đang cho lợi nhuận cao thì có khả năng diện tích mía vẫn tiếp tục giảm xuống. Điều đó đồng nghĩa rất khó để huyện giữ vững quy hoạch vùng nguyên liệu mía ở mức trên 7.000ha” - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức - Ngô Văn Bình cho biết thêm./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết