Tiếng Việt | English

19/11/2016 - 17:07

Bài học của cô giáo trẻ

Cô nói với học trò mà như đang nói với chính mình. Bài học đầu tiên khi mới được đứng trên bục giảng chưa lâu. Bài học thấm thía về cái lý và cái tình mẹ vừa nói với cô, cũng là bài học chính cô tự cho mình, buộc mình phải nhớ mãi về sau.

Hà dậy sớm. Cô bé nhanh nhẹn sắp xếp việc nhà phụ mẹ rồi chiên cơm cho cả nhà cùng ăn sáng. Hà “sáng tạo” ra món cơm chiên Dương Châu theo kiểu của riêng mình để dụ cậu em trai hay “đòi hỏi”. Nhớ lần đầu được chị cho ăn món mới, lại nghe nói là cơm chiên Dương Châu, thằng nhỏ bí xị:

- Đây đâu phải cơm chiên Dương Châu! Dương Châu gì mà hổng có thịt, hổng có lạp xưởng, hổng có...

- Hổng có mấy thứ đó thì có... thứ khác! Em cứ ăn thử một muỗng coi, ngon ghiền luôn đó! - Hà nói rồi chặn ngay cái giọng mè nheo của nó bằng cách đút một muỗng cơm vô miệng thằng nhỏ. Nó đành phải nhắp nhắp rồi nhai một cách... “thăm dò”.

Hà nhìn em bằng ánh mắt vừa sốt ruột, vừa háo hức đợi chờ:

- Ngon mà, phải không?

- Thì... cũng ngon ngon...

Hà lại gần, ôm vai em trai, khẽ nói:

- Em cứ ăn hết cả chén mới thấy được cái vị ngon rất riêng của nó. Chị hai phải “nghiên cứu”, học hỏi dữ lắm đó nha! Cơm chiên Dương Châu có nhiều loại, loại này vừa đơn giản, vừa dễ làm lại hợp với hoàn cảnh nhà mình. Em đừng đòi hỏi nhiều, tội nghiệp mẹ...

Minh họa: Thiện Mỹ

Sau lần đó, cu cậu ghiền “cơm chiên Dương Châu” của Hà thiệt. Chỉ có hột gà, cà chua xắt hạt lựu và dưa leo bằm, rắc thêm hành, ngò và ít tiêu mà nó khen chị hai đúng là khéo tay, chiên cơm ngon không hề thua nhà hàng! Ba mất sớm, thương mẹ vất vả kiếm tiền nuôi hai chị em ăn học, Hà trở nên già trước tuổi bởi những khó khăn cơm áo gạo tiền, cô bé muốn được sẻ chia cùng mẹ. Năm nay, Hà học lớp 9, em trai học lớp 5, cả hai chị em đều học giỏi cho mẹ vui lòng. Ngoài giờ học, Hà còn nhận xích móc hàng xuất khẩu để có thêm tiền phụ mẹ.

Hôm nay, lớp Hà có tiết Văn của cô chủ nhiệm. Cô Liên mới ra trường mà dạy rất hay. Hà yêu thích môn Văn từ nhỏ, nghe cô Liên giảng, Hà bị cuốn vào bài, như được “uống” từng lời ngọt ngào nhưng cũng rất hóm hỉnh, thú vị của cô. Hà mơ ước sau này được đứng trên bục giảng như cô Liên bây giờ, truyền đạt lại kiến thức cho các em nhỏ.

*
* *

Cô Liên trong bộ áo dài màu xanh ngọc với những hoa văn nhẹ nhàng, đơn giản, tôn nước da trắng hồng làm cho gương mặt xinh đẹp của cô càng thêm rạng ngời, thanh thoát. Cô chào ba mẹ rồi xách cặp, dẫn xe ra cổng đến trường.

Trở thành giáo viên thực thụ hơn một tháng, bạn bè ganh tị, bảo sao mà cô may mắn, vừa mới ra trường được nhận ngay vào một trường lớn tại thị xã. Cô nói, mình nộp hồ sơ đúng lúc trường thiếu giáo viên Văn. Nhưng nếu không có tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi thì chưa chắc cô được nhận. Vậy nên, chuyện may mắn theo cô còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, tỉ như thiên thời, địa lợi, nhân hòa,... chẳng hạn. Cô hài hước với bạn bè như thế rồi cười vang làm cả bọn vừa cười, vừa gật gù: “Có lý, có lý...!”.

Ba mẹ đều là giáo viên, từ nhỏ, Liên mơ ước sau này được làm cô giáo như mẹ. Cô yêu quý và ngưỡng mộ tâm hồn tinh tế, sâu sắc và nét nữ tính, nhu mì của mẹ. Nhưng cô cũng mạnh mẽ, dứt khoát, bản lĩnh giống ba.

Có lẽ vì vậy mà lòng yêu thích văn chương, yêu cái đẹp tâm hồn hòa quyện với sự mạnh mẽ, năng động trong cô tạo nên tính cách “lãng mạn hiện đại” như một “thương hiệu” bạn bè gắn cho cô. Liên là con một, được ba mẹ cưng chiều, quan tâm, chăm lo chu đáo.

Con đường cô đi suôn sẻ, thuận lợi, cô yêu nghề giáo mình chọn và yêu đám học trò ở lứa tuổi lỡ cỡ của mình. Cô cảm thấy thích thú khi nhìn những ánh mắt say sưa nghe cô giảng. Đôi lúc cũng bực mình, nhưng sự dở dở, ương ương của chúng lại cho cô có cảm giác thú vị, háo hức như đang được khám phá một “thế giới riêng” đầy cuốn hút của những đứa học trò ngang bướng, nghịch ngợm...

*
* *

Lớp 9a - cô Liên chủ nhiệm là một lớp giỏi, ổn định. Phần lớn các em có hoàn cảnh thuận lợi, cha mẹ là công chức hoặc buôn bán ngay tại thị xã này. Duy nhất chỉ có Hà là hoàn cảnh khó khăn vì ba mất sớm, mẹ làm nhân viên của một cơ quan, lương không được cao nên mấy mẹ con phải nhận thêm hàng gia công về thêu thùa, xích móc để có thêm thu nhập.

Bù lại, Hà chính là cô bé học giỏi nhất lớp, lại lanh lợi, ngoan ngoãn nên được các bạn bầu làm lớp trưởng. Hà cũng được một mạnh thường quân nhận giúp đỡ, lo việc học hành cho đến hết lớp 12. Cô Liên mới về trường nên mọi ý kiến, nhận xét về học trò của mình, cô đều hỏi thăm giáo viên chủ nhiệm cũ và bạn bè của các em.

Vào giờ học Văn của cô Liên là 2 tiết cuối, Hà đứng lên xin được gửi lại số tiền học phí của các bạn mà lâu nay cô nhờ em thu và cất giữ. Cô Liên bảo, giờ học bài trước, tiết sau cô nhận lại.

Cả lớp im phăng phắc như bị cuốn vào bài giảng của cô. Giọng cô Liên lúc trầm lắng, lúc reo vui đầy biểu cảm với những thân phận, những cuộc đời trong các tác phẩm văn học.

Bài giảng khép lại khi trống đánh báo hiệu giờ ra chơi cuối cùng. Học trò của cô như bầy chim non ùa ra khỏi lớp, ra sân trường với những trò chơi yêu thích của mình. Hà cũng ra ghế đá ở gốc cây dưới sân trường ngồi thư giãn với mấy bạn nữ.
Vào tiết 2 môn Văn, Hà mở cặp lấy tiền định gởi lại cho cô nhưng sao vậy nè, cái bao thơ đựng tiền trống không! Hà hoảng hồn la lên, giọng như sắp khóc:

- Cô ơi, sao tiền mất tiêu hết rồi?

Cô Liên nghe, vội xuống ngay chỗ Hà ngồi, lặng lẽ nhìn xung quanh. Bỗng cô phát hiện ra dưới chân ghế bạn Quang ngồi, gần bàn của Hà có tờ 20 ngàn đồng, cô lặng lẽ cầm lên với vẻ đăm chiêu. Hà lo lắng đến nghẹt thở, mong sao tìm ra số tiền đó. Với gia đình Hà, đó là số tiền rất lớn mà mẹ con cô phải bỏ bao công sức mới có thể có được.

Cô Liên đề nghị xét cặp cả lớp, nhưng cuối cùng không kết quả, túi quần, túi áo các bạn được kiểm tra kỹ cũng chẳng có gì. Hà thấy hoang mang cực độ. Bỗng cô Liên nhìn thẳng vào mắt Hà: “Hoàn cảnh khó khăn của em ai cũng biết, em được ưu ái và quan tâm giúp đỡ... Em nên trung thực”.

Hà ngỡ mình nghe nhầm, mẹ luôn dạy hai chị em “đói cho sạch, rách cho thơm”, em chưa từng có ý nghĩ tham lam dù hoàn cảnh luôn khó khăn, thiếu thốn. Hà không hiểu sao mình lại bị cô nghi ngờ, lời cô như xoáy vào tim, những giọt nước mắt oan ức cứ thế chảy tràn mà không thể thốt nên lời.

Mọi ánh mắt đổ dồn về phía Hà, em chỉ ước mình chui được xuống đất ngay tức thì. Cô Liên bắt Hà đứng thề trước lớp, Hà vừa thề, vừa khóc nức nở, cô vẫn không tin. Giọng cô vang lên rành mạch như một quan tòa, cô phân tích “tình huống” một cách hợp lý và chặt chẽ rồi kết luận, rằng trong lớp này không bạn nào khó khăn đến mức phải làm như vậy. Tai Hà ù đi, lùng bùng. Em không biết nói gì để tự bảo vệ ngoài một câu lắp bắp: “Em không có...”, rồi lại khóc. Cô Liên còn đưa ra một giả thiết rằng, có thể Hà đặt tờ 20 ngàn ở chỗ Quang để “tạo hiện trường giả”. Vậy là, ngoài tội gian dối, Hà còn mang thêm tội mưu mô, xảo quyệt.
Hết giờ, khi các bạn về hết, cô Liên nán lại gặp riêng Hà. Giọng cô khẽ khàng, đầy cảm thông:
- Cô rất hiểu hoàn cảnh của em. Cô cũng hiểu, có đôi khi vì quá bế tắc mà người ta vướng phải sai lầm. Nhưng quan trọng là phải biết nhận ra cái sai của mình để sửa chữa. Khó khăn rồi sẽ được giải quyết, nhưng cái xấu thì nhất định phải nói “không” em à...

Hà lặng thinh nghe cô nói, giọng cô tiếp tục đều đều:

- Mình lỡ sai thì sửa. Cô và các bạn sẵn sàng tha thứ cho em, coi như là “sự cố” nhỏ. Cô sẽ không nói gì với nhà trường để em vẫn được hưởng sự giúp đỡ của mạnh thường quân...

- Cô muốn làm gì thì làm... Em không cần!

Hà bất ngờ phản ứng rồi vùng chạy ra khỏi lớp. Sững người nhìn theo bóng dáng bé nhỏ của Hà vừa chạy, vừa khóc, cô Liên bỗng tự hỏi, có khi nào mình sai? Trước giờ, cô luôn tự tin vào sự chính xác trong nhận định của mình trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình một cách kín kẽ và logic. Lần này, cô cũng tin vào lý lẽ sắc bén, đầy thuyết phục của mình nhưng không hiểu sao, ánh mắt Hà cứ khiến lòng cô phải chùng lại...

*
* *

Ba về quê mấy hôm, bữa cơm tối mẹ dọn toàn những món “ruột” mà sao con gái thờ ơ khác thường. Nhìn Liên uể oải ngồi xuống bàn ăn, mẹ biết chắc có chuyện gì đó, nhẹ nhàng hỏi:

- Ở trường có chuyện gì khó xử phải không con?

- Dạ, cũng có chút rắc rối ở lớp, con chưa biết phải xử trí sao đây.

- Con ăn cơm trước đi rồi mẹ con mình cùng tìm cách gỡ xem sao.

Mẹ luôn cho cô những lời khuyên thấu đáo, hữu ích. Ngay từ khi còn nhỏ, mẹ luôn bên cô trong mọi khó khăn. Giờ thành người lớn nhưng trải nghiệm chưa nhiều, chắc chắn ý kiến của mẹ sẽ rất quan trọng cho cô. Nghĩ thế, Liên cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều.

Mẹ trầm ngâm nghe chuyện của con gái, ngẫm ngợi rất lâu, mẹ nói:

- Mẹ thấy con hơi vội vàng khi kết luận như thế. Có lý như còn thiếu tình. Mà đối với học trò, cái tình rất quan trọng. Cái tình để thu phục, để cảm hóa...

Cứ vậy, Liên lặng im ngồi nghe mẹ nói, mẹ phân tích bằng sự trải nghiệm cuộc đời có mấy mươi năm làm một giáo viên giỏi, uy tín. Hôm nay, Liên mới cảm nhận hết cái tâm và sự tinh tế, sâu sắc của mẹ mà cô còn phải học hỏi rất nhiều.

Gần 9 giờ tối mà nhà còn có khách. Nghe tiếng chuông, cô Liên vội chạy ra mở cổng. Thì ra khách là cô học trò Mỹ Dung nổi tiếng điệu đàng trong lớp. Gia đình khá giả, lại chảnh nhưng Dung rất thích chơi với Hà. Nhìn vẻ mặt lo lắng của cô học trò, cô Liên đoán chắc có chuyện gì quan trọng nên đưa cô bé về phòng riêng cho tiện.

- Cô ơi, em xin lỗi cô... Em sai rồi... Em... Em... - Dung vừa nói, vừa khóc nấc lên.

- Có chuyện gì, em cứ từ từ nói, cô nghe đây... Cô Liên nói với học trò mà lòng đầy lo lắng, cảm giác như có một sự thật nào đó rất quan trọng mà không nằm trong “suy luận” của cô.

- Dạ... Chính em là người lấy tiền của Hà... Em giấu trong áo ngực, trong lúc vội vàng, em làm rơi tờ 20 ngàn dưới nghế bạn Quang... Em xin lỗi cô. Nhìn Hà đau khổ, em không chịu nổi, em sợ Hà làm chuyện dại dột...

Cô Liên như bừng tỉnh. Cô vội nắm tay Dung kéo đi:

- Đi! Phải đi ngay đến nhà Hà. Phải sửa sai ngay lập tức. Sai đâu thì sửa đó...

Cô nói với học trò mà như đang nói với chính mình. Bài học đầu tiên khi mới được đứng trên bục giảng chưa lâu. Bài học thấm thía về cái lý và cái tình mẹ vừa nói với cô, cũng là bài học chính cô tự cho mình, buộc mình phải nhớ mãi về sau./.

Hoài Thu 

Chia sẻ bài viết