Tiếng Việt | English

12/11/2016 - 08:38

Người chở gạch

Trước giờ, Mô lúc nào cũng tự hào về cái nghề của ba mình - phu chở gạch. Cái tự hào ban đầu là vì ba của Mô, ông Sa là thân "gà trống nuôi con" suốt cả một thời gian dài từ khi Mô còn đỏ hỏn cho đến khi nó vào cấp hai như bây giờ.

Cái cảnh một người đàn ông đôi tay gân guốc, gương mặt lem luốc, đen nhẻm vì nắng cháy và cái điệu bế con như sợ làm con đau trong khi cái thân hình quá khổ gồ ghề to lớn thế kia đi xin sữa từng người phụ nữ trong xóm khiến ai cũng cám cảnh xót thương.

Cái tự hào thứ hai là vì cái nghề của ba nó, trong cái xóm nhỏ này chỉ có duy nhất mình ba nó là người chở gạch, chở cát cho người ta xây nhà. Đối với nó, cái trí óc trẻ thơ vô cùng đơn giản, ba nó như một người hùng, một người mạnh nhất thế giới mới có thể chở hàng trăm viên gạch, hàng chục bao xi măng như vậy. Bởi thế, tuy nghèo nhưng chưa bao giờ nó mặc cảm. Tuy nghề của ba nó không cao sang như những người khác nhưng chưa bao giờ nó không hãnh diện, không khoe ra.

Ảnh minh họa: Thiện Mỹ

Mẹ Mô bỏ đi cũng vì cái nghề của ba nó. Ba nó quần quật đi làm suốt ngày, mẹ nó lại là người khát khao những tình cảm yêu thương. Cô đơn sanh nông nổi, đói nghèo sinh khát khao. Bà bỏ đi khi nó hãy còn ẵm ngửa trên tay.

Thứ duy nhất Mô nhớ, hay đó là cảm nhận thời trẻ con của mình là giọt nước mắt ấm nồng của mẹ ngày mẹ rời xa gia đình nhỏ ba người. Mà thậm chí mỗi lần nghĩ lại, Mô vẫn hay tát vào mặt mình, cái tát như cảnh tỉnh, như nhớ ra, như nhắc nhở rằng lúc đó mình vẫn còn quá nhỏ, chi tiết đầy luyến thương đó thực sự là ký ức của mình hay là những thứ ông Sa vì không muốn con hận mẹ mà tạo ra. Để khỏi bất hiếu, nó không trách mẹ. Với nó, ba là tất cả.

Thế nên, không ngoa khi nó đi đánh nhau với thằng nhỏ đầu xóm khi chúng nói xấu ba. Ông Sa sau cuốc xe thấy thằng con lếch thếch vác cặp về, mặt mũi sưng vù, vết cào khắp cơ thể còn quần áo thì lấm lem. Ông chạy ra nhìn thằng nhỏ:

- Mô, con bị sao? Mới đánh nhau hả?

- Dạ, con vấp!

- Như thế này vấp sao được?

Nó không nói gì, chỉ lẳng lặng ôm ba nó. Đêm, nó không ngủ được. Đầu nhớ như in lời của thằng Di: “Ba mày lần nào đi chở gạch cũng ăn gấp đôi tiền công của người ta. Xóm có mỗi ổng chở, kì kèo mấy chục ngàn đồng cũng kỳ nên người ta không có nói”. Thằng Hy thêm vào: “Ba tao nói, ba mày “làm ăn” dữ lắm! Ba tao đặt gạch 100 viên, ổng lần nào cũng chở tới 200 viên, lấy tiền công gấp đôi, rồi nói cứ để đó xài đi, phòng hờ thiếu. Có bao giờ thiếu đâu, mà thấy người ta chở đi chở lại tội nên thôi”. Bỗng dưng, nó nghi ngờ ba nó.

Nó có chút hỗn khi hất tay ba nó ra chỉ vì nó phát hiện những gì đám bạn kia nói là sự thật. Bên tai nó có những lời phì cười của đám bạn và trước mặt nó là ba nó đang cầm những đồng tiền nhàu nát của chủ nhà đưa cho. Tiền gấp đôi người khác, nó thấy. Người ta đặt ít mà chở nhiều để lấy thêm tiền công, khi bắt chở bớt về thì kì kèo thêm tiền, cũng có. Nó giằng ra khỏi tay ba nó, người hùng của nó trước mắt giờ lại là một người mang tiếng xấu:

- Ba đừng có đụng vào con, con ghét ba!

- Mày nói cái gì vậy Mô?

- Con thấy hết rồi. Ba nói con đừng bao giờ lừa người khác mà ba như thế.

Nó bỏ chạy còn ông Sa đứng như trời trồng. Sau tấm lưng nhỏ đang chạy của nó hình bóng người đàn ông to lớn ngồi thụp xuống bất lực.

Tôi chạy tìm em trong mưa khi nghe ba em nhờ, ông có vẻ xuống sức và già đi chục tuổi. Từ nhỏ, tôi cũng được ông nuôi dưỡng nên biết tường tận chuyện gia đình. Mô nép mình trong một góc nhỏ như sợ ai nhìn thấy. Tiếng em khóc át cả tiếng mưa. “Em giận ba sao?”. Lạ một điều, em không giận. “Thế sao em lại trách ba và bỏ đi?”. “Em giận bản thân mình.

Từ nhỏ tới lớn, ba chưa bao giờ làm điều gì vì mình cả, tất cả là vì em. Thậm chí, ngay cả khi ba làm việc xấu, đó cũng chỉ là vì muốn em đủ đầy nhưng em lại ích kỷ, em... em...”. Tôi ôm đứa nhỏ vào lòng và thấy thương cho một tâm hồn còn nhỏ nhưng đã trưởng thành. Người cha vì đứa con, vì phận quá nghèo mà mang tiếng xấu. Đứa con nhận ra sự bất lực của mình và sự hy sinh của người cha nên tự vấn. Tôi dẫn Mô về, vừa thấy Mô, ông Sa chạy ào ra, bàn tay to bè của ông ôm lấy đứa con trai bé nhỏ, ông khóc: “Ba xin lỗi, ba sẽ không bao giờ làm vậy nữa”.

Mô lắc đầu quầy quậy, dường như trong câu chuyện của hai cha con không còn nhiều điều cần phải nói nữa, chỉ đơn giản là ngày càng nhận ra và hiểu được tình cảm dành cho nhau. Bao giờ cũng thế, tâm sự giữa ba và con trai luôn khó nói nhưng khi thấu hiểu thì lại bền lâu. Một câu chuyện thực sự giản đơn về người chở gạch mà tôi biết./.

Lê Hứa Huyền Trân 

Chia sẻ bài viết


cách ốp gạch inax gạch inax 101+ mẫu gạch giả đá đầy đủ kích thướcMẫu gạch ốp lát chất lượng