Tình trạng sách bài tập được bán kèm sách giáo khoa đã tái diễn nhiều năm nhưng không được ngành giáo dục xử lý rốt ráo. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Trước thềm năm học mới 2023-2024, phụ huynh và học sinh vẫn phải còng lưng “cõng” sách bài tập kèm sách giáo khoa dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ thị số 643/CT-BGDĐT ban hành từ tháng 6/2022 yêu cầu các nhà trường “không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh học sinh mua và sử dụng.”
Chỉ thị chỉ một đằng, triển khai một nẻo
Theo danh mục do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, sách giáo khoa lớp 1 gồm sách Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên Xã hội, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm. Với môn Tiếng Việt chia thành 2 tập, bộ sách giáo khoa lớp 1 Cánh Diều (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) gồm 9 cuốn với giá 199.000 đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế, bộ sách Cánh diều lớp 1 mà chị Phạm Thị Hương (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phải mua cho con theo danh sách nhà trường cung cấp là 16 cuốn, với giá 281.000 đồng. Bên cạnh 9 sách giáo khoa, còn kèm 7 sách bài tập: Luyện viết 1 (tập 1 và tập 2), Vở bài tập tiếng Việt 1 (tập 1 và tập 2), Vở bài tập toán 1 (tập 1 và tập 2), Vở thực hành mỹ thuật 1.
“Trường chỉ ghi chung là Danh mục sách Cánh diều lớp 1 năm học 2023-2024 nên tôi tưởng tất cả đều là sách bắt buộc phải mua dùng trong nhà trường,” chị Hương chia sẻ.
Tương tự, chị Nguyễn Minh Thu (Thanh Trì, Hà Nội) cũng cho hay danh mục sách lớp 6 trường kê để bán cho phụ huynh gồm cả sách bài tập Toán, sách bài tập môn Tiếng Việt, mỗi môn hai cuốn, tập 1 và tập 2. Số tiền mua sách bài tập bằng 50% so với tiền mua sách giáo khoa.
Việc phụ huynh nhầm lẫn sách bài tập là sách giáo khoa là điều khó tránh khỏi khi các nhà trường mập mờ thông tin, đưa sách bài tập gộp cùng với sách giáo khoa với tên chung “danh mục sách lớp 1”. Có trường tách riêng các sách bài tập vào danh mục “sách bổ trợ”, đưa các sách giáo khoa vào mục “sách học sinh” rồi gộp cả “sách bổ trợ” và “sách học sinh” đặt vào mục chung “sách giáo khoa”.
Trong thông tin gửi phụ huynh, sách bài tập được đặt trong danh mục "sách bổ trợ" và vẫn thuộc "sách giáo khoa". (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bên cạnh sách bài tập, trường cũng bán kèm bộ đồ dùng lớp 1 với giá 230.000 đồng, cao hơn giá của cả bộ sách giáo khoa lớp 1 (199.000 đồng).
Chị Trần Thị Thảo (thành phố Bắc Ninh) cho hay năm nào trường con chị cũng bán sách bài tập cho học sinh, mặc định như sách bắt buộc phải mua kèm sách giáo khoa. Theo chị Thảo, việc các trường bán sách ‘bia kèm lạc’ đã diễn ra hàng chục năm nay. Khi triển khai chương trình sách giáo khoa mới, điều này cũng không có gì thay đổi.
“Tôi nghĩ Chỉ thị 643 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về yêu cầu các trường không bán sách bài tập chỉ là cách ‘làm màu’ vì nếu bộ thực sự rốt ráo, quy trách nhiệm, xử lý triệt để, các trường đã không dám bán, thậm chí bán công khai như hiện nay,” chị Thảo bức xúc nói.
Đi ngược chủ trương?
Không chỉ phải còng lưng “cõng” sách tham khảo, điều khiến phụ huynh bức xúc hơn nữa là sự lãng phí của các sách này.
Chị Đỗ Bích Ngọc (Hà Đông, Hà Nội) cho hay trong suốt 5 năm con học tiểu học, chị đã phải mua nhiều loại sách mà không hề dùng đến. Trong danh sách trường gửi đến phụ huynh để đăng ký mua từ lớp 1 đến lớp 5 luôn có các cuốn Quyền và bổn phận của trẻ em, An toàn giao thông, Giáo dục nếp sống thanh lịch và văn minh cho học sinh Hà Nội… nhưng không hề được dạy trong suốt cả 5 năm học.
“Tôi cũng không hiểu vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định giáo viên không được giao bài về nhà cho học sinh tiểu học nhưng các nhà trường lại công khai đưa sách bài tập vào danh mục sách giáo khoa. Các giáo viên theo đó vẫn yêu cầu con tôi làm bài trong cách sách này ở nhà dù con nói cô gần như không bao giờ kiểm tra”, chị Ngọc bức xúc nói.
Là một giáo viên, chị Nguyễn Thị Khánh Vũ (huyện Thanh Trì, Hà Nội) biết sách tham khảo không trong danh mục sách bắt buộc cần mua, nhưng vì nhiều lý do, chị vẫn phải đăng ký cho con sách bài tập môn toán và tiếng Việt.
Sách Bài tập Toán lớp 1. (Ảnh: PM/Vietnam+)
Theo chị Vũ, các bài trong sách bài tập không khác gì các bài trong sách giáo khoa nên không giúp học sinh nâng cao kiến thức. Việc làm bài trong các sách này vì thế gây thêm áp lực không cần thiết và lãng phí khoảng thời gian đáng lẽ dành để vui chơi vốn đã ít ỏi của học sinh.
“Các sách bài tập đều thiết kế cho học sinh viết vào sách như hầu như không có dòng kẻ ô ly nên còn làm hỏng chữ của học sinh tiểu học, nhất là với học sinh lớp 1-2. Việc viết vào sách cũng gây lãng phí nguồn lực xã hội vì sách chỉ dùng được một lần và tổn hại môi trường vì giấy được làm từ cây”, chị Vũ phân tích.
Sách bài tập chỉ tương tự như bài tập trong sách giáo khoa nên nhiều trường hợp học sinh mua mà không hề dùng đến. Từng thực hiện quyên góp sách giáo khoa cũ để tặng cho học sinh vùng khó, anh Phạm Trung Kiên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay có hàng trăm cuốn sách bài tập của học sinh vẫn còn mới tinh dù đã hết năm học.
Lợi ích nhóm?
Theo dự thảo kết quả giám sát của Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, mức chiết khấu cho các đơn vị đầu mối nhà xuất bản phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022 đối với sách giáo khoa là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%; năm học 2022-2023, đối với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%. Mức chiết khấu đối với sách bài tập cao nhất trong các loại sách.
Trước đó, tháng 12/2022, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ nội dung hướng dẫn sử dụng sách bài tập, sách tham khảo có dấu hiệu “lợi ích nhóm” giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong việc in ấn, phát hành sách bài tập.
Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản số 2372 ngày 11/4/2013 về việc sử dụng sách, tài liệu tham khảo trong trường phổ thông, trong đó có nội dung hướng dẫn sách bài tập do Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam tổ chức biên soạn dựa theo sách giáo khoa, được thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành.
"Thực tế, việc tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, in ấn và tổng phát hành các loại sách bài tập, sách tham khảo thuộc chức năng, nhiệm vụ của nhà xuất bản, là đơn vị thống lĩnh thị trường, độc quyền tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, in và phát hành. Nếu sách bài tập được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành là không đúng chức năng, nhiệm vụ", kết luận thanh tra nêu rõ. Theo Thanh tra Chính phủ, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản số 2372 đã gây hiểu lầm cho phụ huynh, học sinh về việc sách bài tập là sách bắt buộc phải mua.
Vụ việc này đang được Bộ Công an điều tra để xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, dù sai phạm trong bán sách bài tập đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, Bộ Công an đang điều tra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản cấm đưa sách bài tập vào danh mục sách giáo khoa, nhưng phụ huynh vẫn đang phải mua sách kiểu "bia kèm lạc", dù họ biết hay không biết đây chỉ là sách tham khảo. Theo các phụ huynh, trường bán, không mua thì sợ con bị trù úm, hoặc sợ nhỡ ở lớp cô có giao bài tập trong sách này mà con lại không có sách để làm, nên đành mua cho an toàn./.
Phạm Mai (Vietnam+)