Ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus (Vietnam+) thuộc Thông tấn xã Việt Nam phát biểu tại buổi giao lưu. (Ảnh: Võ Tuyết/ TTXVN)
Ngày 18/3, tại Hà Nội, trong khuôn khổ các hoạt động của Hội Báo toàn quốc 2017, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức buổi giao lưu “Báo chí truyền thông với những vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội,” với sự tham gia của đại diện một số bộ, ngành; lãnh đạo các cơ quan báo chí, các nhà báo và công chúng.
Tại buổi giao lưu, 3 vấn đề được dư luận xã hội quan tâm trong thời gian qua là y tế, giáo dục, môi trường, đã được các đại biểu đưa ra phân tích, trao đổi, thảo luận nhằm khẳng định vai trò của báo chí trong việc phát hiện, phản ánh kịp thời nhiều góc khuất của cuộc sống, giúp các cơ quan quản lý Nhà nước từng bước làm rõ và giải quyết các vụ việc.
Từ một số vụ việc cụ thể diễn ra gần đây như ngộ độc rượu, ô nhiễm môi trường nước do xả thải, xâm hại tình dục trẻ em..., công chúng đánh giá cao hoạt động của các cơ quan báo chí, các nhà báo.
Có thể thấy, các nhà báo luôn ở tuyến đầu, phản ánh hết sức mạnh mẽ và kịp thời nhiều vấn đề của xã hội, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước để giải quyết, mang lại niềm tin cho xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay, có một số tờ báo dùng mọi cách để câu view, tăng số lượng quảng cáo, đã đưa thông tin sai lệch, cùng với đó, việc lan truyền rộng rãi các thông tin độc hại trên mạng xã hội khiến công chúng khó xác định thông tin thật - giả. Do vậy, theo lãnh đạo một số cơ quan báo chí, yếu tố cần quan tâm nhất hiện nay với báo chí là lấy lại niềm tin của công chúng. Vai trò của nhà báo không chỉ là săn tin mà cần thẩm định nguồn tin.
Nhà báo cần phải xác định thông tin mà mình nhận được có chính xác không, có lợi ích cho công chúng hay không, từ đó mới quyết định việc nên đưa thông tin đó rộng rãi hay không.
Một số đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về những vụ việc được báo chí lên tiếng nhưng các cơ quan chức năng chưa vào cuộc hoặc còn chậm trễ trong việc xử lý, gây bức xúc trong dư luận.
Từ đó, các đại biểu mong muốn các bộ, ngành khi nắm bắt những thông tin liên quan đến lĩnh vực của mình được phản ánh trên báo chí cần có phản ứng nhanh nhạy hơn, khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ cũng như tìm giải pháp khắc phục, tránh gây hoang mang trong nhân dân.
Bên cạnh đó, đại diện một số doanh nghiệp và công chúng mong muốn, trong thời gian tới, ngoài việc phản ánh những vấn đề tiêu cực, những mảng tối, báo chí cần tăng cường thông tin về những mảng sáng, những gương người tốt, việc tốt trong cuộc sống.
Điển hình như việc tuyên truyền về vấn đề an toàn thực phẩm, báo chí tập trung thông tin nhiều về việc phát hiện những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn, kém chất lượng nhưng lại ít cung cấp cho công chúng thông tin về những điểm cung cấp thực phẩm sạch, an toàn; hướng dẫn người dân cách thức lựa chọn thực phẩm; những mô hình tốt trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm…
Chiều cùng ngày, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã tổ chức tọa đàm về “Công nghệ truyền hình trực tuyến trong truyền thông thế hệ mới” và lễ hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng báo chí Việt Nam./.
Việt Hà/TTXVN