Người dân chậm tái đàn
Tại huyện Cần Đước, thời điểm này, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, song nhiều hộ chăn nuôi cũng đã tái đàn. Tại Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi Tân Mỹ (xã Tân Lân, huyện Cần Đước), các thành viên HTX đã tái đàn GC sau thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX - Võ Đông Triều, HTX đã hỗ trợ các thành viên một phần chi phí con giống, thức ăn chuẩn bị cho mùa Tết Nguyên đán năm 2022. Hiện nay, giá thức ăn tăng rất cao, giá gà giống, vịt giống cũng cao nhưng đầu ra lại không ổn định nên ảnh hưởng đến việc tái đàn của các thành viên.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương, hiện người chăn nuôi GC trên địa bàn huyện đã tái đàn để phục vụ thị trường tết. Riêng người nuôi heo tái đàn vẫn còn chậm. Nguyên nhân, giá heo hơi liên tục biến động và bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) vẫn còn bùng phát tại một số địa phương nên người dân chưa mạnh dạn tái đàn. Mặt khác, giá thức ăn chăn nuôi hiện rất cao nên ảnh hưởng đến việc tái đàn của người dân.
Đàn gia súc, gia cầm bảo đảm cung cấp đủ cho thị trường dịp tết
Còn tại huyện Cần Giuộc, theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện, dịp Tết Nguyên đán 2022, tình hình tái đàn vật nuôi ở các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện bảo đảm phục vụ thị trường với số lượng vật nuôi đạt và vượt kế hoạch năm. Cụ thể, đến nay, toàn huyện có 2.390 con heo, khoảng 560.00 con GC và trên 1.550 con trâu, bò. Số lượng đàn vật nuôi hiện tại bảo đảm cung cấp cho thị trường tết.
Ông Trần Văn Định (xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc) cho biết: “Do tình hình giá cả thức ăn chăn nuôi tăng cao và diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nên gia đình tôi chủ động giảm đàn gà phục vụ thị trường tết. Cụ thể, tết năm rồi, gia đình tôi nuôi gần 6.200 con nhưng năm nay chỉ nuôi 3.000 con. Hy vọng, giá gà từ nay đến tết sẽ ổn định để gia đình tôi có điều kiện vui xuân, đón tết”.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Huỳnh Thị Kim Phượng, hiện giá heo hơi trên địa bàn tỉnh dao động từ 48.000-52.000 đồng/kg, mức giá này khá thấp so cùng kỳ những năm trước. Cùng với đó, khó khăn của người chăn nuôi hiện nay là giá thành sản xuất quá cao, chủ yếu do thức ăn chăn nuôi, con giống tăng. Tuy nhiên, qua nắm tình hình, thịt heo trong dịp Tết Nguyên đán 2022 sẽ bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân, không xảy ra khan hiếm. Còn đối với thịt GC, nguồn cung hiện rất dồi dào nên sẽ bảo đảm cung cấp đủ cho thị trường.
Tập trung phòng, chống dịch bệnh
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay, dịch cúm GC xảy ra tại 1 hộ ở huyện Thạnh Hóa, tổng số GC tiêu hủy 91 con; DTHCP xảy ra tại 70 hộ thuộc 39 xã, thị trấn thuộc 13 huyện, thành phố, tổng số heo tiêu hủy 1.851 con; dịch bệnh viêm da nổi cục xảy ra tại 389 hộ thuộc 138 ấp, 64 xã, 12 huyện với tổng số con bệnh là 714 con, trong đó chết và tiêu hủy 205 con; bệnh dại trên động vật xảy ra 2 ổ tại 2 xã, 2 huyện: Bến Lức, Tân Hưng, tiêu hủy 2 con.
Trưởng phòng NN&PTNN huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc thông tin: “Thời gian qua, trên địa bàn huyện không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên động vật; tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và các huyện lân cận xảy ra khá phức tạp, đặc biệt là DTHCP và bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Do đó, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp các địa phương thường xuyên thông tin, cảnh báo về tình hình dịch bệnh, các bệnh thường gặp trên GS, GC và hướng dẫn một số biện pháp phòng, chống để người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh và có kế hoạch trong chăn nuôi”.
Ngành nông nghiệp chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi
Đến nay, huyện phun xịt 440 lít thuốc sát trùng chuồng trại chăn nuôi, các chợ buôn bán động vật sống, các ổ dịch cũ, nơi công cộng, khu nhốt giữ động vật, sản phẩm động vật để vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường. Đồng thời, huyện triển khai tiêm miễn phí trên 51.000 liều vắc-xin phòng bệnh cúm GC trên vịt; 1.075 liều vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò; trên 1.975 liều vắc-xin lở mồm long móng trên heo.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Lê Thị Mai Khanh, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò ở tỉnh cơ bản được kiểm soát, chi cục phối hợp chính quyền các địa phương khẩn trương tuyên truyền và tổ chức tiêm phòng. Đến nay, tỷ lệ tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục đạt khoảng 86%/tổng đàn.
Hiện toàn tỉnh có trên 85.000 con heo, gần 120.000 con trâu, bò và hơn 9,2 triệu con GC. Các sản phẩm thịt heo, thịt GC, thịt bò và sản lượng trứng GC cơ bản bảo đảm cung cấp thị trường trong dịp Tết Nguyên đán 2022. Trước tình hình DTHCP có dấu hiệu quay trở lại trên địa bàn tỉnh, ngành Nông nghiệp đang tập trung thực hiện các biện pháp để khống chế dịch, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến sản lượng thịt heo cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán 2022.
“Cùng với các giải pháp phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chức năng, người chăn nuôi trên địa bàn cũng cần chủ động thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin để bảo vệ tốt đàn vật nuôi của gia đình và địa phương” - bà Khanh khuyến cáo./.
Bùi Tùng