Tuân thủ quy định
Việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) luôn được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm, nhất là tại các CSGM GSGC trên địa bàn. Không chỉ tuyên truyền, yêu cầu chủ cơ sở tuân thủ đúng quy định, ngành chức năng còn thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở, tránh tình trạng bơm nước, mổ lậu, nguồn gốc GSGC không rõ ràng,... Bên cạnh đó, chủ CSGM cũng nhận thức rõ về việc bảo đảm ATTP, chủ động phối hợp ngành chức năng thực hiện nghiêm túc các quy định.
Kiểm tra sản phẩm gia súc, gia cầm tại cơ sở giết mổ
Tại CSGM Long Hiệp (xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), mỗi đêm giết mổ từ 700-800 con GS, cung cấp chủ yếu tại tỉnh và TP.HCM. Thời gian cao điểm cho hoạt động giết mổ của cơ sở này từ 22 giờ hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau. Chủ CSGM Long Hiệp - Dương Văn Nghĩa cho biết: “Trước đây, cơ sở quản lý chưa chặt chẽ nên đôi lúc còn xảy ra tình trạng thương lái đem GS nghi bị bệnh vào lò mổ, điều này vô cùng nguy hiểm, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Hiện nay, cơ sở quy định rõ ràng, yêu cầu thương lái phải bảo đảm GS có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có đóng dấu kiểm dịch của ngành chức năng theo quy định thì chúng tôi mới tiếp nhận và giết mổ. Bên cạnh đó, tại cơ sở có cán bộ thú y trực 24/24 để kiểm tra quá trình nhập GS đầu vào cũng như khi xuất bán sản phẩm ra thị trường. Dịp tết, khả năng cơ sở sẽ giết mổ GS tăng thêm 100 con/đêm so với ngày thường. Chúng tôi tuyệt đối tuân thủ nghiêm các quy định của ngành chức năng”.
Vấn đề ATTP cũng được CSGM Tân Trường Phúc (xã Long Phụng, huyện Cần Giuộc) chú trọng. CSGM Tân Trường Phúc chuyên giết mổ GC, trung bình một ngày 5.000 con. Ông Nguyễn Đăng Phong - chủ CSGM Tân Trường Phúc, chia sẻ: “Chúng tôi luôn tuân thủ đúng các quy định của ngành chức năng và chủ động phối hợp thực hiện. Cơ sở yêu cầu rõ với thương lái, GC phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, có giấy tờ được cơ quan chức năng cấp thì chúng tôi mới tiếp nhận và giết mổ. Chúng tôi luôn vệ sinh, dọn dẹp cơ sở gọn gàng, sạch sẽ, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến khu vực xung quanh”.
Tăng cường kiểm tra
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Long An - Phan Ngọc Châu, ngay từ đầu năm, ngành đã triển khai nhiều kế hoạch, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình hoạt động của CSGM, nhất là vào dịp tết. Do nhu cầu sử dụng sản phẩm GSGC dịp tết tăng nên vấn đề ATTP luôn được ngành quan tâm, chú trọng. Hiện nay, tại các CSGM luôn có cán bộ của chi cục trực 24/24 để giám sát hoạt động tiếp nhận GSGC đầu vào cũng như sau khi giết mổ, xuất bán sản phẩm động vật ra thị trường. GSGC trước khi giết mổ được ngành chức năng kiểm tra lâm sàng về các loại bệnh dịch; đồng thời, sản phẩm sau khi giết mổ được kiểm tra trở lại lần 2 trước khi đóng dấu kiểm định của ngành chức năng, bảo đảm ATTP khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Sản phẩm gia súc, gia cầm phải có dấu kiểm định của ngành chức năng thì mới bảo đảm an toàn thực phẩm
“Ngoài kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất hàng tháng, dịp tết, chúng tôi còn tăng cường kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch riêng để bảo đảm ATTP, giám sát chặt chẽ quá trình hoạt động, tránh tình trạng bơm nước, mổ lậu. Hầu hết các CSGM trên địa bàn tuân thủ nghiêm túc quy định, bảo đảm ATTP, không có tình trạng mổ lậu xảy ra. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 40 CSGM GSGC với quy mô khác nhau. Mỗi ngày, các CSGM gần 5.000 con GS và 30.000 con GC. Nguồn gốc GSGC không chỉ trong tỉnh mà còn từ nhiều nơi khác: Tiền Giang, TP.HCM, Đồng Nai,... GSGC trong tỉnh phải có phiếu thông tin nguồn gốc, còn ngoài tỉnh phải có giấy đăng ký kiểm dịch động vật của cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp theo quy định. Sản phẩm GSGC sau khi được kiểm định, cung cấp cho thị trường trong tỉnh, TP.HCM và một số tỉnh khác trong khu vực. Chúng tôi tiếp tục tăng cường lực lượng kiểm tra, trực, giám sát các CSGM; đồng thời, tuyên truyền, vận động các chủ cơ sở thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành trong quá trình tiếp nhận, giết mổ GSGC để bảo đảm cung cấp sản phẩm an toàn, đúng tiêu chuẩn ra thị trường” - ông Phan Ngọc Châu thông tin./.
Lực Nguyễn