Du khách sẽ cảm nhận được không gian trầm mặc, cổ kính bởi Bảo tàng Long An được trưng dụng từ một dinh thự được xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ XX theo kiến trúc Pháp
Ngược dòng thời gian
Theo Trưởng phòng Bảo tàng - Nguyễn Phương Thảo, hoạt động bảo tồn - bảo tàng của tỉnh Long An có từ năm 1976. Tuy nhiên, giai đoạn 1976-1985, tổ chức của đơn vị chỉ là Phòng Bảo tồn - Bảo tàng (thuộc Ty Văn hóa - Thông tin). Đến năm 1985, Bảo tàng Long An chính thức được thành lập nhân kỷ niệm 10 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/1985).
Đến Bảo tàng Long An, du khách sẽ cảm nhận được không gian trầm mặc, cổ kính bởi nơi đây được trưng dụng từ dinh thự của ông Nguyễn Văn Dận (Hội đồng Dận) được xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ XX theo kiến trúc Pháp. Bên cạnh trưng bày về khảo cổ học trên đất Long An, bảo tàng còn lưu giữ rất nhiều kỷ vật minh chứng cho giai đoạn đau thương, gian khổ mà hào hùng, vẻ vang của dân tộc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Với tổng số trên 21.000 hiện vật thì bảo tàng đang lưu giữ hàng trăm hiện vật của 2 cuộc kháng chiến.
Những hiện vật của 2 cuộc chiến tranh còn được lưu giữ đến nay
Bảo tàng có gian phòng trưng bày, giới thiệu về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Long An qua các giai đoạn: Trước khi thành lập Đảng, 1930-1945 và 1945-1954. Tương tự, với thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, bảo tàng cũng có không gian riêng với rất nhiều tranh ảnh, sa bàn, hiện vật từ các trận đánh, phong trào tiêu biểu như Đồng khởi, Rào xã chiến đấu, Phá ấp chiến lược,…
Trong đó, bảo tàng còn lưu giữ những cây tầm vông, nón nan hay những chiếc nóp chống muỗi mà bộ đội sử dụng trong 9 năm kháng chiến chống Pháp,… Với cuộc kháng chiến chống Mỹ, nổi bật là hiện vật của giai đoạn những năm 1960, khi công binh xưởng phát triển mạnh thì có súng B41, các loại vũ khí tự tạo phục vụ chiến đấu như súng lửa, súng ngựa trời hay vũ khí nghi trang,…
Những kỷ vật thiêng liêng
Mỗi kỷ vật đều có một “lý lịch”, ẩn chứa trong đó về một câu chuyện, có khi thấm đẫm giọt mồ hôi của các chú, các anh khi miệt mài chế tạo vũ khí ở công binh xưởng, có khi thấm máu đồng đội hay giọt nước mắt của những người mẹ khóc con, vợ khóc chồng trong những ngày chiến tranh khói lửa,...
Những hiện vật thời chiến vô cùng đa dạng, trong đó, một số hiện vật tiêu biểu, có ý nghĩa như hũ cất giấu tài liệu mật của đồng chí Võ Văn Tần; chiếc gậy vượt Trường Sơn của ông Lê Văn Được (ông Tư Đô Lương); chiếc lu làm hầm bí mật của bà Võ Thị Bảy (xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) dành riêng cho đồng chí Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) tránh nhiều đợt địch càn quét và ném bom khi Phân khu ủy Phân khu 3 về đóng tại cơ sở cách mạng tại nhà bà hay chiếc máy đánh chữ của cơ quan Phân khu ủy soạn thảo văn bản mật chỉ đạo tấn công vào trung tâm đầu não địch ở Sài Gòn, lập nhiều chiến công vang dội như trận đánh Sân bay Tân Sơn Nhất, trận cầu Chữ Y trong Chiến dịch Mậu Thân,... Trong đó, một trong những kỷ vật quý nhất, thể hiện tinh thần của nhân dân Long An đoàn kết một lòng, chung tay đánh đuổi ngoại xâm, bảo vệ quê hương, là lá cờ ghi 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” - đây cũng là danh hiệu mà tỉnh được phong tặng tại Đại hội Anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ 2 vào ngày 17/9/1967.
Thay cho những bài học lịch sử khô khan, được xem, nghe thuyết minh về từng hiện vật, chúng ta cảm nhận được trọn vẹn hơn, cảm xúc hơn, để từ đó càng trân quý cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay
Đặc biệt, bảo tàng cũng lưu giữ nhiều kỷ vật thể hiện tình cảm của những người con Long An nói riêng, miền Nam nói chung dành cho vị Cha già kính yêu của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiêu biểu như chiếc radio mà chính quyền cách mạng ở Tân An dùng để tiếp sóng lời Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập trong buổi míttinh mừng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám vào ngày Quốc khánh 2/9/1945 tại Sân vận động Tân An xưa.
Ngoài ra, còn có những tờ giấy bạc của bà Bùi Thị Cửu (SN 1902), ngụ xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa. Trong 9 năm chống Pháp, sống trong chiến khu Đồng Tháp Mười, bà có nhiều đóng góp cho cách mạng và lưu giữ những tờ giấy bạc Cụ Hồ do Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ phát hành. Sang thời kỳ chống Mỹ, việc cất giữ những tờ giấy bạc này rất nguy hiểm, nhất là khi bị địch gom vào sống trong ấp chiến lược. Có lần địch lục soát ngay đúng nơi bà cất giấu nhưng may mắn không bị phát hiện. Ngoài bà Cửu, bảo tàng cũng sưu tầm được một số giấy bạc Cụ Hồ với nhiều mệnh giá khác nhau của bà Lê Thị Trinh (xã Bình Đức, huyện Bến Lức). Bà đã gìn giữ suốt 60 năm đến ngày trao cho bảo tàng.
Bên cạnh đó, Bảo tàng Long An cũng lưu giữ một kỷ vật đặc biệt, thể hiện tấm lòng kính yêu vô hạn khi Bác vĩnh viễn ra đi, đó là tấm ảnh thiếu nhi xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ xếp hàng trang nghiêm tại một điểm truy điệu Bác trong ngày 2/9/1969. Thời điểm ấy, dù chiến tranh diễn ra ác liệt nhưng khắp nơi trong cả nước đều tổ chức lễ truy điệu,… Bức ảnh này còn được sao ra nhiều bản để trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh; trưng bày lưu động tại các địa phương trong tỉnh.
Đây chỉ là những kỷ vật tiêu biểu, ngoài ra, còn rất nhiều những kỷ vật khác của Bảo tàng Long An được trưng bày tại Khu công viên Tượng đài Long An Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc; Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh tại Đức Huệ hay nhà truyền thống các địa phương trong tỉnh. Thay cho những bài học lịch sử khô khan, được xem, nghe thuyết minh về từng hiện vật, chúng ta cảm nhận được trọn vẹn hơn, cảm xúc hơn để từ đó càng trân quý cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay.
Theo Phó Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh - Nguyễn Thị Sáu, công tác sưu tầm, gìn giữ hiện vật chiến tranh luôn được duy trì. Hiện công trình Nhà bảo tàng - Thư viện tỉnh được chọn là 1 trong 3 công trình trọng điểm của nhiệm kỳ 2020-2025 vừa được công bố tại dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X, trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Điều đó thể hiện sự quan tâm, đầu tư của tỉnh đối với công tác bảo tồn, lưu giữ và giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ, thể hiện lòng biết ơn đối với những công lao to lớn của thế hệ cha anh cho hòa bình, độc lập./.
Phạm Ngân