Tiếng Việt | English

05/03/2021 - 19:35

Bầu cử QH khóa XV: Đảm bảo tỷ lệ đại biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo các đại biểu, công tác thông tin, tuyên truyền cần được triển khai sâu rộng đến người dân ở vùng cao, biên giới, đặc biệt khó khăn.

Sáng nay (5/3), tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị “Triển khai Kế hoạch công tác thông tin, tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Các đại biểu đề nghị tập trung tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối với đồng bào vùng cao về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; đồng thời, tuyên truyền để đảm bảo đạt tỷ lệ đại biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số.


Hội nghị “Triển khai Kế hoạch công tác thông tin, tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số”

Qua thực tiễn nhiệm kỳ khóa XIV, việc đồng bào các dân tộc tham gia tích cực và bầu chọn được các đại biểu Quốc hội thực sự ưu tú, có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm đã góp phần vào thành công của Quốc hội nhiệm kỳ vừa qua, nhất là trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm phổ biến đến các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với đồng bào các dân tộc để phát huy tinh thần làm chủ, trách nhiệm, tích cực tham gia, lựa chọn và bầu được những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng tham gia vào Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói chung và xây dựng, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta nói riêng.

Phó Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho rằng, công tác thông tin tuyên truyền để người dân ủng hộ, thực hiện quyền nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân cử tri. Tuyên truyền làm sao đồng bào dân tộc hiểu được quy trình thủ tục, không sai phạm. Đồng thời nắm được tuyên chuẩn, điều kiện cần thiết đối với đại biểu Quốc hội cũng như đại biểu HĐND các cấp, để sáng suốt lựa chọn người tiêu biểu.

Theo các đại biểu, công tác thông tin, tuyên truyền cần được triển khai sâu rộng đến  người dân ở vùng cao, biên giới, đặc biệt khó khăn để hướng tới giúp đồng bào các dân tộc nắm chắc, hiểu rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, cách thức của cuộc bầu cử, tích cực tham gia và vận động người thân, cộng đồng nhiệt tình ủng hộ, cùng tham gia bầu cử để hoàn thành quyền lợi, trách nhiệm của cử tri, công dân; về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; không để các thế lực thù địch và kẻ xấu kích động, lôi kéo, chống phá; không khiếu kiện, gây mất an ninh trật tự hoặc có hành vi cản trở cuộc bầu cử tại địa phương…

Bên cạnh đó, nghiên cứu kỹ và nắm rõ lý lịch của các ứng cử viên, lựa chọn và bầu ra đại biểu là những người thực sự ưu tú, có phẩm chất, năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín, nắm chắc chính sách dân tộc, gắn bó mật thiết và hiểu phong tục, tập quán, nói lên được nguyện vọng của đồng bào, đặc biệt là các ứng cử viên tiêu biểu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, là người dân tộc rất ít người, thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn.

Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân đề nghị tập trung tuyên truyền để tăng đại biểu dân tộc thiểu số, chỉ có 86 người tương ứng là 17,3%. Nghị quyết 1185 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về phân bổ về cơ cấu, số lượng đã đưa ra mục tiêu 18% ứng cử viên người dân tộc thiểu số trong danh sách chính thức. Như vậy, để đạt được mục tiêu đó nếu không có các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền thì quả thực là cũng rất là khó./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết