Tiếng Việt | English

10/02/2023 - 09:21

Bến Lức: Khó khăn trong việc sử dụng công nghệ số ở chợ truyền thống

Việc tận dụng những tính năng từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã hỗ trợ, thay thế và trở thành những tiện ích trong đời sống. Tuy nhiên, khác với nhiều lĩnh vực, ở chợ truyền thống, chuyển đổi số vẫn chưa thực sự phổ biến. Nhiều tiểu thương vẫn chưa thể sử dụng công nghệ mặc dù đã được hướng dẫn.

Tại chợ Bến Lức, chợ Thuận Đạo, chợ Gò Đen..., nhiều hộ kinh doanh đã thiết lập mã QR để khách hàng có thể quét mã, truy cập thông tin và thanh toán theo hình thức không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, đa phần người dân đều không thanh toán bằng hình thức chuyển khoản mà vẫn thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt như trước đây. Bà Nguyễn Thị Lê Thúy - chủ sạp thịt tại chợ Bến Lức, nói: “Mấy cô đi chợ hầu hết lớn tuổi nên mã này các cô không biết sử dụng”.

Tuyên truyền, hướng dẫn tiểu thương sử dụng công nghệ số tại chợ Gò Đen, xã Phước Lợi

Đa phần chủ sạp hàng đều là những người kinh doanh lâu năm, người lớn tuổi, vì vậy, việc cập nhật thông tin trong thời đại công nghệ số còn nhiều bất cập và khó khăn. Chị Lê Thị Hòa - tiểu thương chợ Thuận Đạo (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), cho biết: “Nhà phân phối nào cũng phổ biến các ứng dụng nhưng đôi khi tôi vẫn đặt của tiếp thị bình thường. Tôi không xài tài khoản, phải nhờ ông xã nên khá bất tiện”.

Bên cạnh đó, cũng có các tiểu thương đã cập nhật được ứng dụng của công nghệ thông tin. Nhiều cửa hàng sử dụng mạng xã hội để kinh doanh, quảng cáo, thu hút sức mua và tăng doanh thu. Đặc biệt là trong thời điểm giá cả nhiều biến động như hiện nay thì việc sử dụng mạng xã hội có nhiều lợi thế. Chị Nguyễn Hồng Phương - chủ cửa hàng gạo tại chợ Gò Đen (xã Phước Lợi), cho biết:“Tôi quảng cáo gạo trên Zalo và Facebook; đồng thời, bán hàng ở trên đó. Khách chỉ cần đặt hàng trên Zalo, Facebook, tôi sẽ giao hàng đến nhà rồi chuyển tiền qua tài khoản cho tôi”.

Hiện nay, hệ thống chợ tại huyện Bến Lức cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, tạo kênh lưu thông hàng hóa thông suốt từ thành thị đến nông thôn. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 3 nhà cung cấp dịch vụ Mobi Money là VNPT, Viettel và MobiFone. Cả 3 nhà cung cấp dịch vụ đều đã ký kết hợp tác với địa phương về chuyển đổi số. Mobile Money là một loại tiền gắn với tài khoản di động của các thuê bao VinaPhone, Viettel và MobiFone, cho phép khách hàng có thể nạp, rút, thanh toán, chuyển tiền ngay trên điện thoại di động. Bên cạnh đó, hiện nay, 100% UBND xã, thị trấn có kết nối đường truyền số liệu chuyên dùng; toàn huyện có 61.475 thuê bao Internet cáp quang, 289.795 thuê bao di động, trong đó, có 228.109 thuê bao điện thoại thông minh. Wifi được cung cấp miễn phí tại một số nơi công cộng: Siêu thị, cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống,... Đây là cơ sở quan trọng để huyện Bến Lức có thể thực hiện được lộ trình chuyển đổi số nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng.

Công nghệ số đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống. Với những tiện ích mang lại, chắc chắn việc ứng dụng công nghệ số sẽ phổ biến rộng rãi hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, cần có thời gian và lộ trình cụ thể để người dân, đặc biệt là người lớn tuổi có thể tiếp cận và ứng dụng trong cuộc sống./.

Việt Hằng

Chia sẻ bài viết