Thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch
Chợ Gò Đen (xã Phước Lợi) thời gian gần đây được nhà đầu tư là Công ty TNHH Thương mại Tiền Tấn tu bổ, sửa chữa lại khá khang trang. Trưởng ban Quản lý (BQL) chợ - Trần Quốc Công chia sẻ, chợ có 300 sạp với hơn 200 người bán cố định. Chợ thu hút khá đông người dân địa phương trong khu vực đến mua sắm, nếu không phòng dịch tốt, nguy cơ lây lan dịch bệnh có thể xảy ra. Vì vậy, BQL chợ tập trung tuyên truyền đến tiểu thương, người đi chợ thông qua nhiều hình thức như treo băng rôn, khẩu hiệu, thông điệp “5K” ở các ngõ ra, vào cố định, phát loa để người dân chủ động phòng ngừa dịch bệnh.
Ngoài ra, BQL chợ còn tổ chức đo thân nhiệt người bán cố định mỗi buổi sáng và người ra, vào khu vực nhà lồng chợ ở 2 cổng chính. Tại khu vực chợ cũng được bố trí 40 điểm đặt nước rửa tay sát khuẩn cố định để tiểu thương, người đi chợ sử dụng. Đặc biệt, BQL chợ còn trang bị sẵn khẩu trang y tế, phát miễn phí cho người đi chợ nếu chưa có và từ chối cho vào chợ nếu người mua sắm không hợp tác trong phòng, chống dịch.
Ban Quản lý chợ Gò Đen đo thân nhiệt người đi chợ vào cổng
Đối với tiểu thương, BQL chợ cũng ra quy định nếu hộ kinh doanh nào không chấp hành nghiêm các biện pháp phòng dịch, BQL chợ sẽ đình chỉ kinh doanh trong 7 ngày. Theo ông Trần Quốc Công, việc BQL chợ áp dụng và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch tại chợ Gò Đen được đông đảo hộ kinh doanh và người đi chợ ủng hộ. Bởi, đây là trách nhiệm, biện pháp tốt nhất để bảo vệ và duy trì môi trường kinh doanh an toàn cho tiểu thương và cung cấp lương thực, hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mùa dịch. Tuy nhiên, ông Trần Quốc Công chia sẻ, BQL chợ cũng gặp một vài khó khăn, trong khi hộ kinh doanh tại chợ thực hiện rất nghiêm các biện pháp phòng dịch thì phía bên ngoài khu vực chợ, người bán vãng lai nhiều và không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Vấn đề này, BQL chợ mong muốn quy hoạch thêm khu vực cho người bán vãng lai, tránh tình trạng bán tràn lan, khó kiểm soát nguồn gốc thực phẩm và nhất là khó điều tra dịch tễ khi ngành Y tế cần.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Phú - Lê Văn Lộc cho biết, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, những ngày qua, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn xã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Xã đã thành lập 61 tổ quản lý dân cư, 61 tổ an ninh, trật tự nông thôn, 35 tổ kiểm tra chống dịch; mỗi tổ có 5-7 thành viên, quản lý từ 40-50 hộ dân. Ngoài ra, xã còn thành lập 3 tổ phản ứng nhanh, trong đó 2 tổ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch; tổ còn lại thực hiện nhiệm vụ truy vết những trường hợp có lịch sử tiếp xúc với những người có yếu tố dịch tễ, để kịp thời cách ly, tiến hành phòng, chống dịch một cách hiệu quả.
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, đợt dịch bùng phát lần này rất phức tạp, trong đó có yếu tố người dân di chuyển nhiều, nhất là các địa bàn gần với TP.HCM. Xã Thanh Phú có Đường tỉnh 830C tiếp giáp TP.HCM, hàng ngày, lưu lượng người qua, lại rất nhiều, nếu lơ là, mất cảnh giác, nguy cơ dịch bệnh xảy ra cao. Chính vì vậy, Thanh Phú thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng đối tượng”, ra quân yêu cầu các điểm kinh doanh, mua bán không vi phạm quy định phòng, chống dịch, dừng các hoạt động tập trung đông người, các dịch vụ không cần thiết. Đồng thời, chủ động phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng các trường hợp tạm trú trái phép, người từ vùng dịch về để quản lý giám sát.
Liên quan đợt dịch lần này, đến ngày 05-6, Bến Lức đã truy vết được 45 F1, 186 F2, 383 F3. Các trường hợp F1 đã được chuyển cách ly tập trung; các trường hợp F2, UBND xã ra quyết định cách ly tại nhà và được giám sát của công an và y tế; F3 được hướng dẫn, tự theo dõi sức khỏe tại nhà và thực hiện “5K”. Tất cả trường hợp F1, F2 đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Tiếp tục truy vết các trường hợp F2, F3, các trường hợp trở về từ các vùng dịch.
Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ
Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi cho biết, Bến Lức tiếp giáp TP.HCM, có nhiều khu, cụm công nghiệp và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, Bến Lức có nhiều dân nhập cư làm việc trong các doanh nghiệp. Vì thế, huyện đã thành lập Tổ giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, kiểm tra 320 cơ sở kinh doanh, xử phạt 16 trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, huyện thành lập Đoàn kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Trạm kiểm soát các phương tiện giao thông để phòng, chống dịch Covid-19.
Ban Quản lý chợ Gò Đen bố trí 40 điểm rửa tay cố định cho tiểu thương và người đi chợ dùng
Đến ngày 05/6, các cơ quan chức năng huyện cùng UBND các xã, thị trấn đã kiểm tra 1.867 cơ sở dịch vụ không thiết yếu tạm dừng hoạt động. Huyện vận động người dân không tập trung quá số người theo quy định, dừng các nghi lễ của các cơ sở tôn giáo, xử phạt người không mang khẩu trang nơi công cộng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn kiểm tra các phòng khám tư nhân, quầy thuốc Tây và yêu cầu thực hiện rà soát, sàng lọc đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh có dấu hiệu sốt, ho, cảm cúm,…
Huyện phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra 5 doanh nghiệp trên địa bàn huyện có số lượng công nhân từ 100-1.000 người. Qua kiểm tra, các doanh nghiệp đều có ý thức về phòng, chống dịch, có xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch, thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch. Tại doanh nghiệp kiểm tra, hầu hết trang bị đầy đủ dung dịch sát khuẩn tay, khẩu trang cho công nhân. Công tác truyền thông bằng nhiều hình thức khác nhau cũng được thực hiện như treo, dán biển báo tuyên truyền, màn hình tivi, thông tin thông qua loa nội bộ, đưa vào quy định chấm công an toàn,… Trung tâm Y tế huyện còn tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho 20% công nhân và chuyên gia trong 5 doanh nghiệp với 278 mẫu.
Ông Trần Văn Tươi cho biết thêm, trong giai đoạn tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai, thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch, trong đó tập trung thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, tỉnh về phòng, chống dịch. Huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể huyện và UBND các xã, thị trấn chủ động trong công tác phòng, chống dịch, xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện theo hệ thống ngành dọc. Bên cạnh đó, tập trung rà soát, phát hiện nhanh các nguồn lây, nguy cơ lây nhiễm, những người tiếp xúc để thực hiện cách ly kịp thời, phù hợp; chỉ đạo công an, y tế giám sát chặt những chuyên gia, quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao đến làm việc trên địa bàn.
Huyện cũng giám sát chặt chẽ việc cách ly tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn huyện, cách ly theo dõi sức khỏe tại gia đình. Trong đó, chú ý vai trò của hệ thống chính trị cơ sở, nhất là vai trò của tổ dân phố, ấp, khu phố, người dân sống trên địa bàn./.
Tuyến sau đỡ đầu tuyến trước
Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi cho rằng, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh, lực lượng làm công tác chống dịch trên tuyến biên giới gặp rất nhiều khó khăn. Để kịp thời chia sẻ những khó khăn đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh với tinh thần “hậu phương hỗ trợ tuyến đầu, phía sau giúp đỡ phía trước”, UBND huyện có lời kêu gọi các thành viên Chi hội Doanh nhân trẻ huyện cùng chung tay ủng hộ kinh phí, trang thiết bị cho cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Trăng, huyện Tân Hưng, đơn vị được huyện Bến Lức nhận đỡ đầu trong thời gian qua.
Kết quả, UBND huyện đã nhận được vật dụng, trang thiết bị và tiền mặt (quy đổi khoảng 210 triệu đồng) từ các thành viên của Chi hội Doanh nhân trẻ. UBND huyện tổ chức đoàn đến thăm, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Trăng. Trước đó, từ nguồn kinh phí xã hội hóa, huyện Bến Lức đã tặng 350 triệu đồng để xây dựng 2 lán trại phục vụ cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến đầu biên giới của tỉnh.
|
Thu Hương