Tiếng Việt | English

12/09/2015 - 10:18

Bị "ép", doanh nghiệp vận tải "rục rịch" giảm cước

Sau khi cơ quan điều hành liên tục lên tiếng về tình trạng “neo giữ” giá cước của các doanh nghiệp vận tải trong bối cảnh giá xăng dầu giảm mạnh thì các hãng cũng bắt đầu “rục rịch” giảm giá cước.

Chiều 11/9, có gần 200 doanh nghiệp vận tải tại Hà Nội "buộc" phải ký cam kết kê khai giá cước vận tải với Sở Giao thông Vận tải.

Doanh nghiệp "rục rịch" giảm giá cước

Trong bối cảnh giá xăng dầu giảm liên tiếp 7 lần nhưng các doanh nghiệp vận tải vẫn “chây ỳ” không giảm giá cước, mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải điều chỉnh giảm giá cước trước ngày 11/9/2015.

Tính đến chiều 11/9, gần 200 doanh nghiệp trong tổng số 300 doanh nghiệp vận tại tại Hà Nội “buộc” phải ký cam kết kê khai giá cước vận tải theo quy định mới phù hợp với giá nguyên liệu với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội.

Theo đó, các đơn vị kê khai giá nhưng chi phí nhiên liệu trong cấu thành giá cước cao hơn chi phí nhiên liệu trên thị trường hiện nay sẽ cam kết thực hiện kê khai giảm giá cước phù hợp với mức giá nhiên liệu giảm.

Hiện tại có khoảng 70% doanh nghiệp đơn vị vận tải nộp hồ sơ kê khai giá cước, trong đó có 25 doanh nghiệp đã thực hiện giảm giá cước. Hạn cuối để các doanh nghiệp đã ký cam kết giảm giá cước là ngày 16/9, sau thời điểm này nếu doanh nghiệp nào không thực hiện sẽ bị xử lý nghiêm.

Trước đó, tại các địa phương như TPHCM, Đà Nẵng… nhiều hãng taxi cũng bắt đầu giảm giá cước. Trong đó, tại TPHCM, hãng taxi như Vinasun hay Mai Linh giảm giá cước khoảng 300-500 đồng/km cho từng loại xe, áp dụng từ ngày 11/9. Một số doanh nghiệp vận tải xe tuyến cố định cũng giảm cước từ 3-5%.

Như vậy, sau khi cơ quan điều hành liên tục lên tiếng về tình trạng “neo giữ” giá cước của các doanh nghiệp vận tải trong bối cảnh giá xăng dầu giảm mạnh thì các hãng cũng bắt đầu “rục rịch” giảm giá cước. Tuy nhiên, con số doanh nghiệp vận tải đã giảm cước tính tới thời điểm hiện tại vẫn hết sức khiêm tốn so với tổng số hàng nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành.

Vì sao phải “ép” mới giảm?

Lý giải về nguyên nhân chậm điều chỉnh giá cước vận tải, đại diện Sở Tài chính TPHCM trả lời trong một buổi họp cách đây vài hôm: “Đối với giá cước cũng có nhiều nguyên nhân, ví dụ chi phí doanh nghiệp cũng tăng, tiền lương điều chỉnh hàng năm từ 5-10%. Trong khi đó, hoạt động vận tải cạnh tranh rất dữ dội, trước đó khi giá xăng tăng cao, không đơn vị nào dám tăng giá cước mạnh vì sợ mất khách”.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS), hành lang pháp lý quản lý Nhà nước về giá cước là đầy đủ nhưng không loại trừ khả năng các doanh nghiệp vận tải đang nhìn nhau, cùng không thay đổi giá để hưởng lợi.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng, với 38 năm kinh nghiệm làm trong ngành, ông hiểu trong 2 tháng qua khi giá xăng dầu giảm mạnh mà giá cước vận tải không giảm là “rất vô lý” và “không thể chấp nhận được”.

"Nguyên nhân không giảm cước là do cấu trúc thị trường. Ở vận tải ô tô, rơi vào thị trường cạnh tranh không hoàn hảo. Có những doanh nghiệp lãnh đạo giá ở đây. Khi doanh nghiệp lớn chiếm thị phần lớn không giảm giá thì các doanh nghiệp con cũng không tội gì giảm giá”, ông Thoả nói thêm.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến chuyên gia cho rằng, việc các doanh nghiệp vận tải không giảm cước không phải là “chây ỳ” hay “bất hợp lý”. Theo lý giải, không giống giá xăng dầu dễ dàng điều chỉnh, mỗi khi doanh nghiệp điều chỉnh cước lại tốn thêm hàng loạt chi phí điều chỉnh khác.

Bên cạnh đó, cũng có doanh nghiệp khẳng định, cước vận tải không thể “chạy theo” giá xăng dầu bởi chi phí nguyên liệu tuy là thành phần cấu tạo nhưng chỉ chiếm khoảng 20-30% trong cơ cấu giá thành. Doanh nghiệp kinh doanh còn phải chịu thêm nhiều loại chi phí khác, bao gồm cả những loại chi phí "ngầm”.

Phương Dung/Theo Dân Trí

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích