BBC hôm 20/9 đã có bài viết chia sẻ bí quyết của những sinh viên lớn tuổi hơn, sinh viên đã tốt nghiệp về việc bắt đầu năm học đầu tiên ở xa nhà.
Quản lý khối lượng bài tập
Kaylie Knowles (24 tuổi), đang là sinh viên của ĐH Nottingham Trent (Anh), sau đó học thêm chứng chỉ sư phạm sau ĐH tại ĐH Derby. Cô nói việc kiểm soát khối lượng bài tập là rất quan trọng. "Tôi đã học rất tốt khi ở Trent nhưng năm cuối cùng ở Derby, tôi đã bị stress dẫn đến 4-5 cuộc khủng hoảng trong năm".
Do đó, sinh viên này nhắn nhủ những tân sinh viên nên ưu tiên giải quyết khối lượng bài tập, không dồn đống và nghỉ ngơi kịp thời khi bị quá tải.
Lên kế hoạch ngân sách hàng tuần
Mary O'Connell (23 tuổi) – cựu sinh viên ngành văn học ở ĐH York (Canada) và lấy bằng thạc sĩ tại ĐH King, gợi ý các tân sinh viên nên lập ngân sách hàng tuần cho bản thân.
Cô cho biết do lần đầu tiên có nhiều tiền trong tài khoản như vậy nên sinh viên thường "vung tiền quá trán" ở năm đầu tiên. Tuy nhiên, các bạn hãy nhớ rằng đây là tiền ba mẹ, hoặc tiền vay nên cần chi tiêu hợp lý nhất.
Sao lưu bài tập ở nhiều nơi
Peter Rogers (22 tuổi) tốt nghiệp Đại học York hồi năm ngoái khuyên sinh viên nên sao lưu những bài tập của mình ở nhiều nơi.
Ngoài lưu ở máy tính, các sinh viên nên sao lưu ở gmail, lưu trữ đám mây với nhiều phiên bản khi làm được 1/4 bài, nửa bài, 3/4 bài…
Tận dụng tối đa năm đầu
Thông thường, năm đầu tiên học đại cương sẽ nhẹ nhàng hơn các năm tiếp theo học chuyên ngành. Do đó, hãy tận dụng tối đa thời gian thoải mái này để tham gia các hội nhóm, hoạt động thể thao để tích trữ năng lượng cho các năm học tiếp theo.
Đừng sợ kết bạn
Emmeke Megannety 21, một sinh viên báo chí năm thứ hai tại Đại học Nottingham Trent, nói rằng năm nhất là thời gian đáng giá lập hội bạn thời sinh viên. "Cần nhớ rằng những người bạn gặp trong tuần đầu tiên không nhất thiết là bạn cả đời. Đừng nghĩ bạn sẽ dính như keo với những người đó mà không mở rộng quan hệ với ai khác. Hãy lao vào những hoạt động, kiếm việc làm, trò chuyện với mọi người, bạn sẽ tạo được mạng lưới bạn bè ở khắp nơi và không còn cảm thấy cô đơn, nhớ nhà", Emmeke khuyên.
Có nhiều bạn bè, được quan tâm cũng giúp tăng cường sức khỏe tâm thần cho sinh viên, giảm chứng trầm cảm, lo âu dẫn và tránh nạn tự tử ngày càng gia tăng.
Cân bằng chế độ ăn uống
Là sinh viên, đặc biệt với những người sống xa nhà, việc ăn uống trở nên dễ dãi, dẫn đến hàng loạt các bệnh tiêu hóa và ảnh hưởng đến tâm trạng. Cựu sinh viên Đại học Queens Belfast Matt Broderick khuyên các tân sinh viên hãy học cách tự nấu ăn cho mình trước khi nhập học. Anh kể mình đã từng tốn rất nhiều tiền vào các loại thức ăn nhanh không lành mạnh dẫn đến tâm trạng chán nản, luôn cảm thấy căn phòng mình ở tối tăm, lạnh lẽo.
Tự nấu ăn cũng giúp các tân sinh viên tiết kiệm được khoản tiền không nhỏ cho gia đình và bản thân.
Giữ liên lạc với người nhà và bạn bè ở quê
Các cựu sinh viên nói với BBC rằng việc giữ liên lạc thường xuyên với gia đình và bạn bè ở quê nhà là cách tốt nhất giúp các bạn tâm sự về những vấn đề khó khăn, tế nhị trong cuộc sống, từ đó không còn cảm thấy cô đơn.
Giữ vững lập trường
Các tân sinh viên sống xa nhà, không có cha mẹ bên cạnh quản thúc sẽ như "chim sổ lồng" trong cách sinh hoạt. Do đó, các bạn phải luôn nhắc nhở bản thân giữ vững lập trường, biết được giới hạn bản thân. "Bạn không phải người hướng ngoại, không có nhiều tiền, thì không nên nghe lời rủ rê bạn bè mà đi chơi đêm", Sian Reed nói.
Cô còn lưu ý đại học dường như là nơi tạo nên thói quen ăn nhậu của mọi người và nếu không bản lĩnh, bạn sẽ trở thành con sâu rượu sau này. Đừng xấu hổ khi từ chối các cuộc vui vì chắc chắc bạn không phải là người duy nhất trong trường không biết nhậu nhẹt, chơi bời./.
Theo nld.com.vn