PV: TTPVHCC của tỉnh chính thức đi vào hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; ông có thể giới thiệu cho bạn đọc Báo Long An biết về TT?
Ông Võ Minh Thành: TTPVHCC tỉnh Long An (gọi tắt là TT) được thành lập theo Quyết định số 3458/QĐ-UBND ngày 24/9/2016 của UBND tỉnh, là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nội vụ, trụ sở đặt tại số 1, đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 1, TP.Tân An, tỉnh Long An.
Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh ra đời được xem là bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính của tỉnh Long An
TT có chức năng là đầu mối tập trung và chịu trách nhiệm trong việc tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn, đôn đốc việc giải quyết và trả kết quả giải quyết TTHC của cá nhân, tổ chức; tham gia đề xuất các giải pháp hiện đại hóa nền hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng hệ thống phần mềm điện tử nhằm từng bước tin học hóa tất cả giao dịch hành chính trong giải quyết TTHC và hướng đến cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4.
TT có các nhiệm vụ và quyền hạn như sau: Là đầu mối tập trung và chịu trách nhiệm trong việc tiếp nhận và trả kết quả việc giải quyết TTHC của các sở, ngành tỉnh cho cá nhân, tổ chức; niêm yết công khai, kịp thời, đầy đủ, rõ ràng các quy định, TTHC và mức thu phí, lệ phí, quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thời gian giải quyết các loại công việc và trách nhiệm của các bộ phận, cá nhân, tổ chức liên quan trực tiếp giải quyết hồ sơ; phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, sửa đổi, thay thế, bổ sung danh mục, quy trình và các nội dung liên quan khác trong việc giải quyết TTHC.
Bên cạnh đó, TT tiếp nhận, xử lý hoặc báo cáo cơ quan thẩm quyền về những phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức; kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết TTHC được tiếp nhận và trả kết quả tại TT bảo đảm đúng quy trình, thời gian quy định; chủ động trao đổi với các cơ quan, đơn vị trực tiếp xử lý, giải quyết TTHC nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện quy trình giải quyết TTHC. Ngoài ra, TT phối hợp các sở, ngành tỉnh có TTHC thực hiện tại TT đánh giá, nhận xét về việc tiếp nhận, thời gian giải quyết hồ sơ; tinh thần trách nhiệm, thái độ, tác phong làm việc của công chức, viên chức tại TT và đề nghị khen thưởng hoặc kỷ luật theo quy định.
“Khi có nhu cầu giải quyết một hoặc nhiều TTHC, tổ chức, cá nhân chỉ đến một cơ quan duy nhất là Trung tâm Phục vụ hành chính công để nộp và nhận kết quả, tổ chức, cá nhân không phải đi lại nhiều nơi để liên hệ thực hiện TTHC liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, việc này giảm tối đa về chi phí, thời gian đi lại cho tổ chức, cá nhân.” |
Khi đi vào hoạt động (ngày 17/10/2016), TT thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của 6 Sở gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ. Sau quá trình hoạt động, Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm để đưa tất cả TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành còn lại vào thực hiện tại TT.
PV: Trong xu thế tinh giản bộ máy hành chính hiện nay, sự ra đời của TT có làm tăng thêm biên chế không, thưa ông?
Ông Võ Minh Thành: TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành khi đưa vào thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại TT thì sở, ngành sẽ không còn duy trì tổ chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Thay vào đó, sở, ngành biệt phái công chức, viên chức đến TT làm việc để thực hiện việc thẩm định, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của đơn vị mình.
Vì vậy, việc thành lập TT không làm tăng thêm biên chế của tỉnh và đây cũng là một trong những nội dung của Kế hoạch số 19-KH/TU ngày 25/8/2016 của Tỉnh ủy Long An về việc triển khai xây dựng Đề án “Sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Long An”.
Về cơ chế tài chính, kinh phí hoạt động của TT được bảo đảm từ nguồn ngân sách Nhà nước và kinh phí được trích lại từ việc thu phí, lệ phí liên quan đến các hoạt động giải quyết TTHC theo quy định (nếu có).
Lãnh đạo tỉnh tham quan Trung tâm Phục vụ hành chính công
PV: Thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả TTHC của nhiều sở, ngành tỉnh, vậy TT phối hợp với sở, ngành tỉnh như thế nào để không gây phiền hà cho tổ chức và cá nhân trong quá trình thực hiện TTHC?
Ông Võ Minh Thành: Sở Nội vụ chủ trì phối hợp sở, ngành tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp trong việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC; quản lý công chức, viên chức biệt phái đến làm việc tại TT. Quy chế quy định cụ thể trách nhiệm của TT và sở, ngành tỉnh từ khâu tiếp nhận đến khi trả kết quả giải quyết TTHC, đồng thời, quy định TT là cơ quan duy nhất thực hiện việc tiếp nhận, trả kết quả và liên hệ với tổ chức, cá nhân trong suốt quá trình tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC.
Vì vậy, TTHC sau khi được tiếp nhận, tổ chức, cá nhân chỉ việc chờ đến ngày nhận kết quả, còn việc giải quyết là trách nhiệm phối hợp của TT với các sở, ngành tỉnh theo quy chế do UBND tỉnh ban hành.
PV: Đâu là khâu đột phá khi TT chính thức được vận hành; công dân sẽ được lợi ích gì khi TT hoạt động, thưa ông?
Ông Võ Minh Thành: Việc thành lập TTPVHCC được xác định là chủ trương lớn của tỉnh nhằm tạo “Bước đột phá trong cải cách hành chính nói chung và cải cách TTHC nói riêng của tỉnh Long An”; và khâu đột phá khi TT chính thức được vận hành đó là: Nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính Nhà nước trong việc tiếp nhận và giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân; xác định trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người đứng đầu; tập trung đầu mối, xác định trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, tạo sự hài lòng của tổ chức, công dân đối với việc giải quyết các TTHC của các cơ quan Nhà nước; khắc phục tình trạng phiền hà, đi lại nhiều lần của tổ chức, công dân; đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ hành chính công cho cá nhân, tổ chức một cách thuận lợi, nhanh chóng, tiện ích. Điểm nhấn quan trọng của khâu đột phát này đó là TT đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng phần mềm một cửa điện tử trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính.
TT chính thức đi vào hoạt động tạo ra nhiều thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp, cụ thể: Khi có nhu cầu giải quyết một hoặc nhiều TTHC, tổ chức, cá nhân chỉ đến một cơ quan duy nhất là TTPVHCC để nộp và nhận kết quả; tổ chức, cá nhân không phải đi lại nhiều nơi để liên hệ thực hiện TTHC liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, việc này giảm tối đa về chi phí, thời gian đi lại cho tổ chức, cá nhân; phần mềm một cửa điện tử đáp ứng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 nên khi thực hiện TTHC tại TT, người dân, doanh nghiệp có thể lựa chọn tự đăng ký trực tuyến trên phần mềm một cách đơn giản và dễ dàng, không phải chờ đợi cán bộ của TT đăng ký theo số thứ tự, mất nhiều thời gian; đối với hồ sơ có phiếu hẹn, phần mềm tự động cập nhật và thông báo kết quả giải quyết hồ sơ hành chính đến người dân và doanh nghiệp thông qua dịch vụ gửi tin nhắn SMS, thư điện tử; người dân và doanh nghiệp có thể lựa chọn phương thức nhận kết quả trực tiếp tại TT hoặc qua dịch vụ bưu chính,...
PV: Thưa ông, sau TTPVHCC của tỉnh ra đời, các huyện, thị xã, thành phố có làm theo mô hình này của tỉnh không?
Ông Võ Minh Thành: Hiện TT trực thuộc Sở Nội vụ; theo Kế hoạch số 19-KH/TU ngày 25/8/2016 của Tỉnh ủy Long An về việc triển khai xây dựng Đề án “Sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Long An”, tỉnh sẽ xây dựng Đề án thành lập TT hành chính công, theo đó, sẽ thành lập TT hành chính công của tỉnh và TT hành chính công cấp huyện trực thuộc UBND cùng cấp; cấp tỉnh sắp xếp, củng cố, bổ sung TT hành chính công trực thuộc Sở Nội vụ thành trực thuộc UBND tỉnh; cấp huyện củng cố, sắp xếp bộ phận một cửa nâng lên thành TT hành chính công cấp huyện.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Tấn Lộc