Tiếng Việt | English

22/04/2016 - 10:32

Thủ tướng: Ngành tài chính phải ráo riết cải cách thủ tục hành chính

Chiều ngày (21/4), tại trụ sở Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ Tài chính.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các bộ, ngành liên quan. Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ngành tài chính những năm qua có nhiều thành tích, tham mưu cho Chính phủ nhiều giải pháp, góp phẩn ổn định vĩ mô và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay còn không ít khó khăn, đòi hỏi ngành tài chính phải nỗ lực hơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thời gian qua, Bộ Tài chính đã có nhiều cố gắng đảm bảo thu chi ngân sách, nhất là chi an sinh xã hội; nỗ lực cải cách thủ tục hành chính thuế - hải quản và cơ chế một cửa ASEAN đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh; hoạt động chống thất thu và chống chuyển giá có nhiều cố gắng; chi ngân sách được quản lý chặt chẽ hơn; nợ nước ngoài, nợ công, nợ quốc gia được cơ cấu một bước.

Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, khó khăn còn nhiều. Đó là các vấn đề nợ công, bội chi ngân sách, chống tham nhũng lãng phí. Do đó, Bộ Tài chính cần suy ngẫm, hành động và phải có quyết tâm chính trị rất cao để tháo gỡ.

Về các giải pháp cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính cần có giải pháp chống thất thu ngân sách quyết liệt hơn. Bộ Tài chính cần tiến đến một bước, đó trong mua sắm dịch vụ, nhất là dịch vụ thương mại ở các thành phố lớn, đều phải có hóa đơn; giảm khoán thu hộ lớn, nhất là ở các thành phố lớn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Tài chính quản lý chặt chẽ về giá tính thuế hải quan, vì gian lận còn lớn, gây thất thu lớn. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần đẩy mạnh hoàn thiện thị trường vốn, chứng khoán, bảo hiểm…

Thời gian qua, tình trạng số lượng DN cổ phần hóa thì cao, nhưng lượng vốn hóa lại ở mức thấp. Vì thế, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cần có giải pháp để cổ phần hóa DNNN một cách thực chất. Trong cổ phần hóa không để xảy ra tình trạng thất thoát, không để xuất hiện lợi ích nhóm; đặc biệt những vị trí đất đai, trong đó có cả đất đai của DNNN cổ phần hóa, có giá phải được đấu giá công khai, minh bạch để chống thất thu ngân sách Nhà nước.

Về chống lãng phí, Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tài chính cần đẩy mạnh khoán thu hành chính; tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí phải thành một phong trào. Bởi đây là vấn đề xã hội rất quan tâm. Thủ tướng cho rằng, các hoạt động khởi công khánh thành, lễ lạt quá nhiều và tốn kém.

Đối với quản lý tài sản công, hiện giá trị tài sản công rất lớn. Bộ Tài chính cần phải rà soát xem sử dụng đã đúng mục đích chưa và tránh thất thoát, lãng phí. Đồng thời, để chống lãng phí thì phải quản lý chặt chẽ các quỹ tập trung. Đây là vấn đề cần xem xét, tổng kết, đưa ra kết luận cần thiết để báo cáo Chính phủ.

Đối với vấn đề nợ công, Thủ tướng đặt vấn đề, nợ công vẫn tăng lên, đó là do nhiều khoản mang tính chất cấp mà không phải hoàn trả, như vốn ODA, trong khi ngân sách Nhà nước phải gánh. Do đó, vay về rồi cho vay lại, để các đơn vị sử dụng ngân sách phải có trách nhiệm với khoản đi vay. Bộ Tài chính cần bàn với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có quy trình, không để xảy ra tình trạng xin cho.

Về các giải pháp trước mắt của năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chủ trương của Chính phủ là không điều chỉnh mức tăng trưởng GDP của năm 2016. Tuy có khó khăn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nhưng các bộ, ngành phải có quyết tâm cao và tìm mọi giải pháp tháo gỡ. Đi liền với đó là không điều chỉnh kế hoạch tài chính ngân sách năm 2016, từ đó có kế hoạch thực hiện vượt kế hoạch năm 2016.

Để thực hiện điều này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính có chính sách tài khóa phối hợp cùng với chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước để thúc đẩy tăng trưởng; chủ động có nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh để tăng nguồn thu. Trong đó, ngành tài chính cần ráo riết cải cách thủ tục hành chính, nhất là lĩnh vực thuế, hải quan, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng.

Với những biện pháp cần nhiều ngành tham gia, Bộ Tài chính cũng cần phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và đầu tư, bàn các biện pháp và thống nhất hành động. Đặc biệt các thành viên Tổ kinh tế vĩ mô chung phải đưa ra các giải pháp giữ vững kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Đi liền với đó, Bộ Tài chính cũng cần lưu ý đến việc quản lý giá, chống đầu cơ, gian lận thương mại, gây ra lạm phát tâm lý./.

Vũ Dũng/VOV.VN 

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích