Theo nhận định xu thế khí tượng từ tháng 9/2020 đến tháng 02/2021 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia: Mùa mưa, bão sẽ đến muộn vào cuối năm 2020, khả năng xuất hiện khoảng 7-9 cơn bão; trong đó, có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta; tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và phía Nam; nguy cơ mưa, lũ lớn và kéo dài ở khu vực miền Trung; lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi phía Bắc và Bắc Trung bộ. Đỉnh lũ năm 2020, ở đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng ở mức báo động 1 - báo động 2. Khả năng xuất hiện lũ lớn là không nhiều, tuy nhiên, nguy cơ lũ lên nhanh hơn bình thường do mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây tác động tiêu cực đến Vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Thực tế thời gian qua, tình hình mưa, lũ lớn dồn dập, kéo dài ở khu vực miền Trung, làm sạt lở đất, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, tác động không nhỏ đến sự tăng trưởng, ổn định KT-XH của đất nước.
Trước tình hình trên, để chủ động ứng phó với các tình huống bất thường của thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản, ổn định đời sống người dân, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TTg, ngày 01/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó thiên tai, lụt bão trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các sở, ngành tỉnh và chính quyền địa phương cần chủ động theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai của cơ quan chuyên môn, trên các phương tiện truyền thông và các tài liệu hướng dẫn biện pháp phòng, chống, ứng phó khi xảy ra thiên tai của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT), Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh,... Đồng thời, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức và kỹ năng về PCTT trên địa bàn tỉnh để kịp thời thông tin đến các cấp chính quyền và người dân chủ động các giải pháp phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.
Tập trung rà soát, cập nhật kế hoạch PCTT; phương án ứng phó tương ứng với cấp độ rủi ro thiên tai nhằm bảo đảm sát với thực tiễn để triển khai bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra thiên tai,... Tăng cường chỉ đạo tổng kiểm tra, rà soát các hệ thống công trình đê bao, bờ bao không bảo đảm an toàn ngăn lũ, triều cường; các cống đầu mối, trạm bơm tiêu úng, thoát nước để sớm phát hiện sự cố hư hỏng, xuống cấp; các khu vực sạt lở nguy hiểm hoặc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, xung yếu để kịp thời khắc phục, sửa chữa, xử lý ngay và thực hiện công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn trên địa bàn.
Tiếp tục tập trung xây dựng, củng cố các đội xung kích PCTT cấp xã trong năm 2020 bảo đảm bố trí đủ lực lượng tại các khu vực trọng điểm, xung yếu thường xuyên xảy ra thiên tai như: Lũ lụt, triều cường, sạt lở đất, sụt lún, mưa to, giông lốc,... để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong PCTT và cứu hộ, cứu nạn. Các ngành chức năng, các địa phương thường xuyên cập nhật, bổ sung, hoàn thiện phương án tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt là phương án phòng, chống, ứng phó khi xảy ra thiên tai ngập lụt, lũ lớn, bão mạnh, sạt lở; đồng thời, chỉ đạo bố trí lực lượng, phương tiện phù hợp với tình hình cụ thể tại các địa bàn trọng điểm, xung yếu, vùng biên giới,... để kịp thời tiếp cận, xử lý mọi tình huống thiên tai khi có yêu cầu. Bố trí đủ nguồn lực để thực hiện đầu tư, nâng cấp trang thiết bị và nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, dự báo sớm, dài hạn về thiên tai lũ lớn, hạn, xâm nhập mặn, sạt lở để bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời, tin cậy, liên tục cho các địa phương.
Chú trọng bảo đảm an toàn giao thông trong các tình huống thiên tai như ngập lụt, sạt lở; chủ động bố trí nguồn vốn, lực lượng, vật tư, phương tiện để đầu tư, sửa chữa, nâng cấp và sẵn sàng khắc phục khi xảy sự cố thiên tai tại các khu vực trọng điểm, xung yếu nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.
Thiên tai gây ra hậu quả rất lớn đến sản xuất và đời sống, do vậy, các cấp, các ngành, người dân cần hết sức cảnh giác, chủ động phòng tránh, ứng phó, không được chủ quan, lơ là./.
Tân An