Tiếng Việt | English

21/12/2022 - 09:28

Cặp đôi thân thiết của mặt trận

Đó là cặp ông Ba, ông Tư. Ông Ba là Ba Nghĩa - luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thọ, người con của quê hương Bến Lức, tỉnh Long An, một tên tuổi lớn trong giới trí thức yêu nước ở miền Nam qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Ông Tư là Tư Ánh - nhà cách mạng Trần Bạch Đằng, một cây bút bình luận sắc sảo của làng báo cách mạng và là nhà thơ, nhà văn có tiếng, tác giả của nhiều tác phẩm văn học có giá trị với các bút danh: Trần Quang, Nguyễn Trường Thiên Lý, Hưởng Triều, Nguyễn Hiểu Trường,...

Tuy xuất thân rất khác nhau…

Theo tư liệu bài viết nhan đề Tình tri ngộ giữa hai nhà trí thức yêu nước của nhà sử học, Tiến sĩ Phan Văn Hoàng, ông Ba lớn hơn ông Tư đến 16 tuổi và điểm xuất thân rất khác nhau. Ông Ba khi 11 tuổi đã xuống tàu sang Pháp du học; 23 tuổi, lấy bằng cử nhân Luật rồi về nước, đương nhiên, người ông đầy chữ nghĩa và văn hóa Pháp. Ông Ba mở văn phòng LS ở một tỉnh miền Tây và nhanh chóng tạo uy tín cả tâm và tầm trong vùng. Cách mạng Tháng Tám rồi Nam bộ kháng chiến nổ ra, dội vào tâm trí vị LS trẻ bao trăn trở về vận nước.

Tự nhiên, LS được Pháp bổ nhiệm làm Chánh tòa Dân sự tỉnh Vĩnh Long sau khi Pháp tái chiếm nước ta. Ngay lúc đó, LS Thọ được mời vào thăm chiến khu Đồng Tháp Mười (nay là Di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ). Tại đây, LS gặp các đồng nghiệp cũng học ở Pháp về (có vị còn giữ quốc tịch Pháp) như Phạm Văn Bạch, Thái Văn Lung, Phạm Ngọc Thuần, Bùi Thị Cẩm,... đều dấn thân vào công cuộc đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc. LS Thọ xin gia nhập nhóm nhưng họ khuyên LS chuyển văn phòng lên Sài Gòn. LS Thọ làm theo. Từ đó, văn phòng LS Nguyễn Hữu Thọ thu hút các thân chủ là người kháng chiến hoặc liên quan với kháng chiến. Có lần, ông Ba tâm sự với ông Tư: “Mình học chính trị tại văn phòng LS và tại tòa án, qua tiếp xúc với thân chủ và qua tranh luận với biện lý”.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đang đọc báo (Ảnh do con trai của luật sư - ông Nguyễn Hữu Châu chụp khoảng năm 1970 ở chiến khu và cung cấp cho Tạp chí Xưa&Nay)

Ở Sài Gòn, LS Thọ tích cực hoạt động yêu nước qua những cuộc đấu tranh gây nhiều tiếng vang ngay giữa pháp đình của kẻ thù nhằm giành công lý cho những người yêu nước và dân nghèo vướng vòng lao lý. Các cuộc đấu tranh mang dấu ấn LS Nguyễn Hữu Thọ gây chấn động dư luận trong nước và quốc tế và LS phải trả giá bằng những đòn thù của Pháp - Bảo Đại, Mỹ - Diệm giam cầm, tra tấn tại các nhà lao lớn ở Sài Gòn, Gia Định, Hải Phòng, Sơn Tây, Củng Sơn - Tuy Hòa (Phú Yên) và bản Giẳng (Mường Tè, Lai Châu) heo hút nơi miền núi cực Bắc đầy gian nguy,...

Trong khi đó, ông Tư trải qua những năm tháng đầu đời ở các vùng quê hẻo lánh, hết Bến Bạ (Rạch Giá) đến xóm Lò Gạch (Biên Hòa). 16 tuổi, ông Tư mới xuống Sài Gòn, không phải để đi học mà vừa lao động mưu sinh, vừa hoạt động cách mạng. 17 tuổi, ông Tư được kết nạp vào Đảng Cộng sản, từ đó, ông trở thành một nhà cách mạng chuyên nghiệp.

Nhưng hiểu nhau như Chung Tử Kỳ hiểu Bá Nha

Ngay cả lúc chưa biết ông Ba ra sao, chỉ nghe ông Ba hoạt động yêu nước, nhất là từ khi ông gặp được người cùng chí hướng là Tiến sĩ Luật khoa - Hoàng Quốc Tân từ Pháp về nước theo lời kêu gọi của Bác Hồ, mở văn phòng LS tại Sài Gòn cùng ông Ba - LS Thọ. Cả hai đồng tâm hiệp lực đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc. Năm 1949, LS Nguyễn Hữu Thọ tự nguyện đứng vào hàng ngũ của những người cộng sản khi đã vào tuổi 40, ông Tư không phải dễ dãi trong việc xét người, đã có mối thiện cảm đặc biệt đối với ông Ba.

Đến Đại hội lần thứ I Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (gọi tắt Mặt trận, từ ngày 16/02 đến 03/3/1962) bầu LS Nguyễn Hữu Thọ (vừa được một đơn vị Quân giải phóng giải thoát khỏi nơi “an trí” do Ngô Đình Diệm đặt ở Phú Yên và đưa về chiến khu Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh)) làm Chủ tịch Trung ương Mặt trận. Ông Tư ôm chầm lấy người mình thương, mình kính. Đại hội cũng bầu ông Tư làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Mặt trận. Hai vị trí thức “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Ông Tư gọi ông Ba là “Anh Ba Nghĩa kính thương”.

Trong mắt ông Tư, ông Ba là “một khuôn mặt lớn của đất nước”, “một nhân vật lớn của thời đại chúng ta”, “một nhân vật tiêu biểu của nước Việt Nam hiện đại trong những nhân vật tiêu biểu hàng đầu của cách mạng Việt Nam thời hiện đại”,... “LS Nguyễn Hữu Thọ có những đặc thù, tức những giá trị riêng, vừa độc đáo, vừa cao quý…”, “Những ai tiếp xúc trực tiếp với LS đều cảm thấy mình tiếp xúc với một trí tuệ, một tấm lòng, một nhân cách (…) cương nghị, trong sáng, giản dị”… (trích trong tập sách Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - cả nước tôn vinh Anh, NXB Hà Nội, 1995; khi tái bản lần đầu, đổi tên sách là Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - người con tận trung với Nước, tận hiếu với Dân). Sách do ông Tư - Trần Bạch Đằng chủ biên. Trong sách, ông Tư nhấn mạnh nhiều điểm về tài đức, nhân cách, phẩm chất và trí tuệ của ông Ba đã làm cho ông Tư thêm cảm phục.

Chẳng hạn, khi nhận nhiệm vụ hoạt động đấu tranh chính trị công khai trong lòng địch, “LS đã góp phần rất lớn vào việc làm dấy lên nhiều phong trào quần chúng ngay tại đô thành Sài Gòn” và “có lần tập hợp lên hàng trăm nghìn người, đã hợp đồng hiệu quả với cuộc chiến tranh nhân dân diễn ra ở vùng rừng núi và đồng bằng” (…); "không phải đợi khi đánh Mỹ mới xuất hiện trạng thái ba vùng chiến lược - hai mũi giáp công" mà chính các phong trào giữa Sài Gòn do LS Nguyễn Hữu Thọ cầm đầu đã mở ra một phương thức kết hợp đấu tranh cách mạng màu sắc Việt Nam” (…). "LS còn qui tụ các tầng lớp theo con đường Hồ Chí Minh vạch ra…, trở thành trung tâm đoàn kết mọi người yêu nước Việt Nam, kể cả Việt kiều ở hải ngoại, bằng đức độ, lòng quả cảm và tri thức uyên bác, nhìn xa trông rộng, vận dụng sâu sắc chiến lược và sách lược của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Một số khá lớn nguyên thủ quốc gia châu Á, châu Phi, châu Mỹ La-tinh và châu Âu gặp gỡ và khâm phục LS”…

Khi biết ông Ba bị tai biến lần thứ hai, sức khỏe rất yếu, ông Tư ngày đêm đốc thúc những người tham gia Ban soạn thảo tập sách trên phải tập trung cao độ cho kịp để ông Ba còn có thể xem. Khi hay tin ông Ba mất (ngày 24/12/1996), ông Tư viết: “Cuộc đời của LS Nguyễn Hữu Thọ mang sắc màu huyền thoại... Anh cống hiến thật lớn lao cho sự nghiệp cứu nước và xây dựng nước (…). Anh Ba Nghĩa kính thương! Hậu thế Việt Nam chịu ơn Anh, chịu ơn cuộc đời dậy sóng gió phi thường, đồng thời rất bình dị, rất “người” của Anh”. Theo Tiến sĩ Phan Văn Hoàng, dù có những khác biệt như trên nhưng “ông Tư là người hiểu được ông Ba hơn ai hết, như ngày xưa Chung Tử Kỳ hiểu Bá Nha vậy!”./.

Quang Hảo (ghi)

Chia sẻ bài viết