Tiếng Việt | English

29/12/2018 - 09:00

Chăm lo cho dân

Đường về xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An không còn khó khăn như xưa. Qua cầu Kinh Nước Mặn, xe chúng tôi chạy bon bon đến ấp Cầu Ngang. Điểm xuyết giữa lộ đal thẳng tắp là những hàng cây xanh mượt. Đây là khu dân cư vừa được UBMTTQ Việt Nam tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích qua 3 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và 15 năm “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”.

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà”

Có được thành quả “nông thôn hóa thành thị ấy” là công sức của cả tập thể, trong đó phải kể đến Ban Công tác Mặt trận (CTMT) ấp. “Bắt đầu một công việc không phải bao giờ cũng thuận lợi. Điều quan trọng là mình đừng bỏ cuộc!” - Trưởng ban CTMT ấp - Tô Văn Tồn nói. 

Đại diện ấp Cầu Ngang, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp - Tô Văn Tồn (bìa phải) nhận bằng khen của MTTQ Việt Nam tỉnh vì có thành tích qua 3 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và 15 năm “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc"

Từ suy nghĩ đó, ông không nề hà cực khổ “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động nhân dân góp kinh phí làm đường, xây dựng cột cờ, ảnh Bác, lắp đèn thắp sáng đường nông thôn,... Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến lợi ích của nhân dân đều được ông nghiên cứu, chọn cách làm có tính khả thi cao rồi đưa ra cuộc họp lấy ý kiến thống nhất. Tất cả các công trình “Nhà nước và nhân dân cùng làm” cũng được bàn bạc dân chủ, công khai, minh bạch về tài chính.

Theo ông, hiểu và nắm chắc địa bàn là điều kiện quan trọng giúp cán bộ Mặt trận, đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân hiệu quả. Kế đến là sự mềm dẻo và nhiệt tình. Bắt đầu mỗi cuộc trò chuyện, các thành viên ban vận động thường dẫn dắt vấn đề một cách dễ hiểu, kể về những tấm gương điển hình để từ đó giải thích và vận động mọi người làm theo. Trong xây dựng nông thôn mới, các thành viên giải thích cho người dân thấy được những lợi ích của việc xây dựng đường giao thông nông thôn tạo điều kiện thuận lợi hơn trong đi lại, vận chuyển nông sản. Đối với lắp đèn đường nhằm góp phần hạn chế tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội,...

“Trước hết, phải hiểu rõ từng gia đình, đúng hoàn cảnh và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Phải xây dựng kế hoạch, dự toán cụ thể và phải phân ra từng loại hộ dân: Khá, trung bình, nghèo, cận nghèo để có mức đóng góp khác nhau” - ông nói.

Còn Trưởng ấp Hồ Văn Trúng cho rằng: “Lúc đầu, chúng tôi đi vận động, người dân cũng chưa hưởng ứng! Không nản lòng, chúng tôi duy trì, thường xuyên đến nhà dân, trao đổi những điều hay, lẽ phải,... Dần dần, thấy chúng tôi nhiệt tình quá, người dân đồng tình. Ở ấp này, nhờ có sự tâm huyết, đoàn kết của cả tập thể, có những người tận tụy, không ngại khó, ngại khổ nên ấp mới được thành tích như ngày nay”.

Làng quê đổi mới

Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh vùng đất cù lao miền hạ, ông Tồn “khoe” những thành quả ấp đã đạt, trong đó có sự đóng góp to lớn của người dân. Ông kể, trước đây, tuyến đường huyết mạch đi vào ấp thường bị sình lầy khi mùa mưa đến. Thế nhưng, hiện nay, trước mắt chúng tôi là con đường bêtông phẳng lì với những hàng cây xanh, nhiều ngôi nhà được xây mới. Đó là minh chứng cho sự no ấm của miền quê nơi đây.

Ông chia sẻ, người dân trong ấp chủ yếu làm ruộng, chăn nuôi và mua bán nhỏ, lẻ. Thời gian gần đây, lực lượng lao động trẻ đi làm công nhân ở khu, cụm công nghiệp trong và ngoài huyện, nhờ đó thu nhập gia đình có tăng lên. Giai đoạn 2016-2018, Ban Vận động Khu dân cư ấp Cầu Ngang tăng cường vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, hiến đất làm đường, bêtông hóa 6 đường liên ấp với kinh phí trên 2,9 tỉ đồng; đóng góp xây dựng cổng văn hóa, 3 cây cầu với kinh phí gần 1 tỉ đồng và xây dựng 5 nhà đại đoàn kết.

Mô hình lò đốt rác tại ấp Cầu Ngang được huyện đánh giá cao

Đến nay, trên 95% hộ dân có nhà kiên cố. Hộ khá, giàu tăng; hộ nghèo chỉ còn 0,7%. Ấp có 98% hộ được công nhận gia đình văn hóa. Người dân còn tham gia xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp với nhiều mô hình thiết thực. Tình hình an ninh, trật tự được giữ vững.

Ngoài ra, thực hiện Chỉ thị số 29/CT-HU, ngày 04/8/2014 của Ban Thường vụ Huyện ủy Cần Đước về việc thực hiện xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, giữ gìn văn minh đô thị và bảo vệ môi trường, ấp vận động nhân dân thực hiện mô hình Cộng đồng tự quản về môi trường phân loại rác tại nguồn, xây dựng hố rác gia đình. Đến nay, trên địa bàn ấp xây dựng được 3 lò đốt rác tập trung với kinh phí xây dựng 15 triệu đồng. Những hộ dân tham gia mô hình này đều đăng ký tự quản lý, tổ chức gom rác trong khu dân cư đưa ra đường lớn để xe chuyên chở hoặc đưa về lò đốt rác tập trung. Đối với những hộ dân có nhà ở cặp đường giao thông được ấp vận động tham gia xử lý rác với nhiều hình thức, làm sạch cảnh quan môi trường. Mô hình này được huyện đánh giá cao và nhân rộng sang các địa phương khác.

Chị Nguyễn Thị Mộng Tuyền - người dân ấp Cầu Ngang, thông tin, chị và gia đình nhận thấy đây là mô hình hay, góp phần giữ gìn làng quê sạch, đẹp. Hiểu và đồng lòng với các chương trình của Ban CTMT ấp, chị thường tháp tùng đoàn vận động tiền để xây dựng mái ấm tình thương, quà cho phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh - Lê Văn Hùng cho biết, năm 2018, Khu dân cư ấp Cầu Ngang được chọn làm điểm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc của huyện Cần Đước. Đây là một trong những khu dân cư của tỉnh làm tốt công tác vận động, đoàn kết, xây dựng cuộc sống ấm no cho người dân. Tuy là địa bàn ấp nhưng Ban CTMT và các thành viên huy động được sức dân, xây dựng nhiều công trình có ý nghĩa. Ông mong rằng, thời gian tới, ấp tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, góp phần xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết