Tiếng Việt | English

18/08/2017 - 15:09

Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ

Chiến khu huyền thoại giữa Đồng Tháp Mười

Sau thời gian xây dựng, Di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến (UBHCKC) Nam bộ cơ bản hoàn thành trong niềm tự hào, vui mừng của toàn Đảng, toàn dân và quân huyện Tân Thạnh nói riêng và cả Long An nói chung. Nơi đây sẽ là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau biết về một căn cứ bưng biền huyền thoại năm xưa ở vùng Đồng Tháp Mười - nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong những năm kháng chiến chống Pháp.


Di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ là "địa chỉ đỏ" góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

Chiến khu bưng biền năm ấy

Cách mạng Tháng Tám thành công, người dân Đồng Tháp Mười nô nức mừng thắng lợi. Nhưng, chưa tròn 1 tháng, quân Pháp tái xâm lược Việt Nam. Ngày 23/9/1945, quân Pháp chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân Nam bộ tại Sài Gòn. Trước tình hình này, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược bắt đầu! Cuối năm 1945, Ban Chấp hành Trung ương ra chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” trên cả nước. Tiếp nhận chỉ thị, Xứ ủy Nam bộ tổ chức hội nghị mở rộng, bàn nhiều vấn đề quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; trong đó có việc chia Nam bộ thành 3 khu quân sự theo vùng với tên gọi: Khu 7, Khu 8, Khu 9 và quyết định xây dựng Tân Uyên, Đồng Tháp Mười và U Minh làm căn cứ địa kháng chiến cho Khu 7, Khu 8 và Khu 9.

Đầu năm 1946, một số cán bộ của Khu 8 và tỉnh Tân An tiến hành khảo sát, lựa chọn khu Bắc Chan - Mộc Hóa, sau đó là khu vực Nhơn Hòa Lập làm trung tâm của căn cứ địa Đồng Tháp Mười. Với địa thế hiểm trở, đồng nước mênh mông, kênh, rạch chằng chịt và cỏ hoang mọc dày đặc, chiến khu Đồng Tháp Mười trở thành căn cứ đầu não từ cuối năm 1946. Bên bờ kênh Dương Văn Dương, khu Di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam bộ đóng tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh ngày nay chính là “thủ đô” của kháng chiến Nam bộ năm xưa.

Ở căn cứ bưng biền này, từ năm 1946-1949, lớp lớp thanh niên, nhân sĩ yêu nước, trí thức, văn nghệ sĩ hướng về và tình nguyện vô bưng biền tham gia kháng chiến chống Pháp. Riêng khu vực kênh Dương Văn Dương thuộc xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Tại đây, Văn phòng Xứ ủy Nam bộ ở phía sau nhà má Tám (bà Võ Thị Thay) là nơi đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, làm việc, tổ chức hội nghị với các đồng chí Thường vụ Xứ ủy, xứ ủy viên, lãnh đạo Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam bộ,...

Ngoài ra, nhà ông Giáo Mười ở xã Nhơn Hòa Lập là nơi làm việc của Văn phòng Ủy ban Kháng chiến Nam bộ. Còn ngôi nhà ông Nguyễn Văn Siêu (ông Hai Độc Lập) là nơi ở của đồng chí Lê Duẩn. Nơi đây còn có Sở Tài chánh Nam bộ đóng tại nhà ông Châu Tấn Túc - nơi những tờ giấy bạc Cụ Hồ được in và sử dụng rộng rãi trong vùng kháng chiến lúc bấy giờ. Văn phòng Bộ Tư lệnh Khu 8 gồm 2 dãy nhà dựng cạnh nhau nằm trên phần đất ông Trần Kiện Toàn và ông Lê Văn Dầu. Từ nơi này, các phương án phòng thủ, tác chiến và kế hoạch tấn công đồn Mộc Hóa được bàn bạc, làm nên chiến thắng Mộc Hóa vang dội trong lịch sử.

Thời ấy, nơi đây còn có Sở Công an Nam bộ đặt tại nhà ông Nguyễn Văn Cầu, Phòng Bào chế y dược của Sở Y tế Nam bộ đặt tại nhà ông Trần Văn Châu và Nhà in Nam bộ ở nhà bà Bùi Thị Luận. Căn cứ “Việt Bắc miền Nam” này cũng là nơi Đài Phát thanh Nam bộ phát sóng buổi đầu tiên và trình chiếu bộ phim tài liệu về cách mạng đầu tiên của nền điện ảnh cùng những địa điểm còn ghi dấu các chiến công oanh liệt của Tiểu đoàn 307, 309, Trung đoàn 120,...

“Cả Nam bộ đều có mặt ở Đồng Tháp Mười” là như thế! Và, hôm nay, về lại di tích Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam bộ, nhìn hình ảnh cây vú sữa trong vườn nhà má Tám, nghe chuyện kể về căn cứ lòng dân năm xưa lại nghe tim mình thổn thức và dâng lên niềm tự hào về một chiến khu huyền thoại với nhiều dấu son lịch sử, tự hào về người dân Đồng Tháp Mười giàu nghĩa, nặng tình sẵn lòng che chở cho những cán bộ hoạt động cách mạng năm xưa.


Di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ là “địa chỉ đỏ” góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống

Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam bộ, xã Nhơn Hòa Lập hôm nay hòa mình trong màu xanh thanh bình của ruộng lúa bạt ngàn, những đồng sen thơm ngát và đời sống người dân ngày một ấm no. Trong ngôi nhà khang trang mới cất, ông Nguyễn Hoàng Văn (68 tuổi) - cháu nội ông Hai Độc Lập, tự hào: “Trước đây, nhà của ông bà nội tôi nằm trong khuôn viên khu di tích - là nơi đi về, nghỉ ngơi của đồng chí Lê Duẩn. Không ngại khó khăn, nguy hiểm, ông bà tôi vẫn sẵn sàng “nhường cơm, sẻ áo”, dũng cảm nuôi giấu, đùm bọc, chở che cán bộ, chiến sĩ với hy vọng một ngày đất nước hòa bình. Đến đời cha mẹ, anh chị em tôi cũng đều tham gia cách mạng. Anh và em trai tôi là liệt sĩ, một người anh là thương binh. Bây giờ, mộ ông bà nội còn trong khuôn viên khu di tích nên tôi thường dẫn cháu viếng mộ, kể cho các cháu nghe về truyền thống gia đình. Hiện nay, con trai út và một người cháu của tôi đang làm việc tại di tích Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam bộ. Đây cũng là cách ghi nhớ công ơn đối với thế hệ cha anh”.

Khu di tích hoàn thành có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nhơn Hòa Lập - Lữ Minh Hải cho biết: “Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam bộ là niềm tự hào của người dân Long An. Sau khi khu di tích chính thức khánh thành, chúng tôi sẽ thực hiện nhiều chuyến Về nguồn, kể chuyện lịch sử nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hiểu và sống xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ đi trước”.

Phó Giám đốc Ban Quản lý Di tích lịch sử - văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) - Nguyễn Văn Thiện cho biết: “Việc đầu tư xây dựng khu Di tích Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam bộ (1946-1949) đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, nhân dân Long An nói riêng và cả nước nói chung. Khu di tích sẽ trở thành “địa chỉ đỏ” để tổ chức các chuyến du khảo, Về nguồn và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Thời gian tới, ngành tăng cường thực hiện công tác chăm sóc, bảo quản nhằm góp phần phát huy tối đa ý nghĩa lịch sử của di tích”.

Trong kháng chiến chống Pháp, quân và dân ta luôn đoàn kết một lòng, nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ lãnh đạo cách mạng từ Trung ương đến địa phương với niềm tin non sông sớm được hòa bình, độc lập. Ngày nay, đất nước thanh bình, đời sống người dân ấm no, chúng ta không thể nào quên những tháng ngày cha anh “nằm gai nếm mật”, không tiếc máu xương vì độc lập, tự do dân tộc. Việc xây dựng khu Di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam bộ có ý nghĩa to lớn, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ là một trong những công trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, có diện tích đất sử dụng 2,9945ha với tổng vốn đầu tư gần 130 tỉ đồng. Ngoài các hạng mục về hạ tầng kỹ thuật, di tích còn có nơi ở của các đồng chí: Lê Duẩn, Phạm Văn Bạch và Trần Văn Trà, Văn phòng Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, Nhà in Nam bộ và Phòng Bào chế y dược được phục dựng. Ngoài ra, còn có khuôn viên mộ ông Nguyễn Văn Siêu và bà Trần Thị Én; nhà truyền thống, trưng bày;...

Di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam bộ được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích quốc gia vào ngày 03/8/2007./.

Thùy Hương - Phạm Ngân

 

Chia sẻ bài viết