Tiếng Việt | English

10/09/2015 - 06:29

Chính sách là “thủ phạm” khiến ngành chăn nuôi bị tụt lại phía sau?

Theo TS Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, chính sách đang kìm hãm sự phát triển và giảm cạnh tranh của ngành chăn nuôi.

Ngày (8/9), câu chuyện đánh giá dự báo tác động của Hiệp định TPP và AEC đến ngành chăn nuôi Việt Nam lại một lần nữa được các chuyên gia và giới trong ngành hâm nóng một hội thảo do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Liên minh Nông nghiệp và Oxfarm đồng tổ chức.

Ngành chăn nuôi đang bị tụt lại phía sau...

Theo dự báo của VEPR, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực nhiều nhất. Sự tác động này, có thể sẽ khiến “ngành chăn nuôi Việt Nam như một vật hy sinh cho TPP”, như ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) lo lắng. 

Chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ đang chiếm đa số trong ngành chăn nuôi của Việt Nam (Ảnh minh họa: KT)

Sự lo lắng này của ông Chinh cũng có sơ sở. Bởi theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, xét tổng thể ngành chăn nuôi không phải là ngành Việt Nam đang có lợi thế. Khi hội nhập quốc tế, nhất là TPP được thực thi, nhiều sản phẩm của các đối thủ “sừng sỏ” trong lĩnh vực nông nghiệp trên thế giới như Mỹ, Úc, New Zealand, Canada,…sẽ có nhiều cơ hội hơn “tấn công” vào thị trường Việt Nam.

Trong khi đó, chăn nuôi ở Việt Nam chủ yếu vẫn tập trung nhỏ lẻ ở hộ gia đình, hộ chăn nuôi nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỉ lệ cao. Kết quả điều tra trong báo cáo Tổng Điều tra Nông lâm thủy sản năm 2011 của Tổng cục Thống kê cho thấy: có tới 86,4% số hộ nuôi lợn có quy mô nhỏ, tỷ lệ quy hộ nuôi gia cầm quy mô chiếm tới 71,6% tổng số hộ chăn nuôi… Hiện nay, các hộ chăn nuôi nhỏ đang ở tình thế cực kỳ khó khăn, không ít hộ đã bỏ trống chuồng trại bởi không cạnh tranh được với thịt nhập khẩu.

Trong 3 năm trở lại đây, tình hình sản xuất ngành có biểu hiện chững lại. Và nguy cơ bị chèn lấn bởi hàng nhập khẩu càng lớn khi tới đây TPP được ký kết, hàng rào thuế quan được rỡ bỏ, thịt, sữa nhập khẩu sẽ ngày một nhiều hơn, giá rẻ hơn. Theo nghiên cứu của VEPR, trong các trường hợp tự do hóa thương mại, sản lượng của các ngành chăn nuôi đều giảm, ngoại trừ nhóm động vật sống. Trong đó, sản lượng phân ngành thịt các động vật khác (lợn, gia cầm…) bị thiệt hại mạnh nhất cả về phần trăm và giá trị.

Cùng với sản lượng giảm, nhu cầu lao động trong ngành chăn nuôi sẽ giảm, cả đối với lao động phổ thông và lao động có trình độ, kỹ năng. “Với năng suất thấp và sức cạnh tranh yếu như hiện nay của ngành chăn nuôi, người chăn nuôi gia cầm sẽ bị thiệt hại lớn nhất về sản lượng và phúc lợi”.

Là đối tác nhiều năm qua hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam, ông Okiura Fumihiko, Phó trưởng Đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đánh giá: “sự phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam dường như đang tụt lại phía sau trên nhiều phương diện và ngành sẽ phải đối mặt với những cạnh tranh khốc liệt hơn khi Hiệp định TPP được ký kết và có hiệu lực”.

"Thúc" làm chăn nuôi quy mô lớn ngay, sẽ thất bại!

Giờ thì TPP và AEC đã cận kề. Thực trạng ngành chăn nuôi có thể nói là ngổn ngang trăm mối, nhất là nhìn vào năng lực cạnh tranh của ngành, người tự tin hy vọng có vẻ không nhiều, trong khi phía bi quan, lo lắng có lẽ phần đông. Giải pháp đây đó cũng đã được nêu tại nhiều diễn đàn. Trong đó, vẫn có sự tranh luận không thống nhất quan điểm của giới chuyên gia về việc nên phát triển chăn nuôi theo quy mô lớn hay bám vào thế mạnh địa phương với mô hình nhỏ lẻ.

Không ủng hộ quan điểm phải phát triển chăn nuôi theo quy mô lớn, TS. Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực – Cây thực phẩm, cho rằng ngành chăn nuôi đang chịu áp lực nhập khẩu nhiều (từ nguyên liệu đầu vào đến cả sản phẩm chăn nuôi). Do vậy, cái cần làm là tìm cách giảm nhập khẩu và làm sao để sản phẩm của nước ta có thể cạnh tranh được ngay trên “sân nhà”, trước khi nghĩ đến xuất khẩu.

Thực tế, theo TS Anh, “trong ngành này có nhiều mô hình sản xuất khác nhau, không nên cứ bắt chước nước ngoài tiến lên làm quy mô lớn toàn bộ, mà nên khuyến khích chăn nuôi nhỏ với những đặc sản của từng địa phương”. Thậm chí, TS Anh còn quả quyết cảnh báo: “Không nên khuyến khích ngành chăn nuôi Việt Nam làm theo quy mô lớn. Nếu làm sẽ thất bại!”. Quan điểm của TS Anh là cần có nghiên cứu để tìm ra và dự báo rõ nhu cầu của thị trường nội địa với sản phẩm chăn nuôi thế nào để tìm cách đáp ứng.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, cũng đồng ý quan điểm này, và cho rằng: “Ngành chăn nuôi của Việt Nam chưa thể có ngay được quy mô lớn như các nước với trang trại mấy trăm héc-ta. Cần tìm cách liên kết các hộ nhỏ lẻ để thành chuỗi sản xuất chăn nuôi. Hiệp hội cần đứng ra làm việc kết nối này. Thực tế hiện nay, hội đã có nhiều, nhưng chưa có ý nghĩa với người nông dân. Nông dân cần hỗ trợ về vốn, công nghệ và đào tạo và có đầu mối đứng ra tạo chuỗi liên kết.

Dẫn ví dụ tại Côn Minh (Trung Quốc), ông Hồ cho biết: “Ở đó, họ vẫn sản xuất hộ nhỏ lẻ trồng hoa, nhưng có doanh nghiệp trung tâm để đứng ra liên kết và tạo thành chuỗi sản xuất hoa xuất khẩu quy mô lớn. Người ta không sợ không có tập đoàn, mà sợ không có liên kết”.

Ông Hồ cũng cảnh báo: “Chúng ta đừng để bị thua ngay trên “sân nhà”. Lợn mán, gà đồi và dê hiện cung ứng được bao nhiêu? Chưa có TPP mà thịt gà đã thua ngay tại nội địa rồi”.

“Sợ nhất chính sách”

Cũng tâm ý phải tìm cách phát huy sức mạnh của nội lực ngành chăn nuôi, TS Nguyễn Thành Ý (Hội Khoa học phát triển nông thôn) cho rằng: “Chúng ta có nhiều ngành có lợi thế nhưng chưa được phát huy, phản ngăn chặn việc phải nhập khẩu sản phẩm cùng loại. Đơn cử, nuôi lợn và chăn nuôi gia cầm là thế mạnh có tính truyền thống chăn nuôi từ thời cha ông ta để lại, nhưng nay phải cảnh báo là sẽ chịu tác động mạnh từ sản phẩm thịt lợn, gà nhập khẩu. Nếu ta không biết phát huy những gì ta là thế mạnh thì sẽ suốt đời bị lệ thuộc”.

Đặc biệt, muốn thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, TS Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, cho rằng: Cần phải bắt đầu từ chính sách đối với ngành. Hiện rào cản lớn nhất là chính sách kiểu 1 quả trứng 14 loại phí. Là người làm kỹ thuật, chúng tôi sợ nhất là chính sách. Chính sách đang kìm hãm sự phát triển và làm giảm cạnh tranh của ngành chăn nuôi”.

Ông Khanh bức xúc: “Có mấy trăm ông buôn đất thì Nhà nước có cả gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cứu họ. Nhưng hàng chục triệu hộ chăn nuôi thì sao không thấy cứu? Chăn nuôi của ta có thế mạnh, không phải chỉ có thua thiệt. Đó là so với thế giới thì trình độ kỹ thuật chăn nuôi tương đương, thâm canh tương đương, con giống... cũng không kém. Chỉ có thức ăn giá cao hơn… nhưng không cạnh tranh được cũng vì chính sách....”./.

Xuân Thân/VOV.VN
 

Chia sẻ bài viết