Tiếng Việt | English

21/06/2018 - 09:04

Chọn nghề, phải dám... dấn thân

Nghề báo vất vả, nhiều nguy hiểm, đầy rẫy cám dỗ nhưng vì đam mê, những người làm báo sẵn sàng dấn thân, lăn xả để cho ra đời những “đứa con tinh thần” hay, phục vụ độc giả, khán, thính giả.

Để có những tác phẩm hay phục vụ công chúng, phóng viên, nhà báo phải dấn thân, lăn xả hết mình

Để có những tác phẩm hay phục vụ công chúng, phóng viên, nhà báo phải dấn thân, lăn xả hết mình

Lắm nhọc nhằn!

Báo chí cách mạng là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, công cụ đắc lực góp phần đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Vì vậy, các tác phẩm báo chí phải mang tính thời sự, phản ánh chính xác, khách quan, trung thực và mang hơi thở cuộc sống. Để có những bài báo như thế, nhà báo phải “lặn lội” đến vùng sâu, vùng xa, biên giới; có khi “bám” địa bàn hàng tuần, thậm chí hàng tháng, hàng năm để có nhiều thông tin, tư liệu sống động cho bài viết.

Nhà báo Mỹ Thuật - một trong những cây bút dày dạn kinh nghiệm của Đài Phát Thanh và Truyền hình Long An, chia sẻ: “Làm báo đã vất vả, nữ nhà báo càng vất vả hơn. Tuy nhiên, nếu ngại khó, có lẽ tôi đã không chọn nghề này. Với tôi, nếu không thực sự đam mê, không yêu nghề thì rất khó thành công. Đã là nhà báo thì không được nản chí, sợ hãi mà phải luôn sẵn sàng đương đầu với những gian lao, cực khổ, nguy hiểm, cạm bẫy, cũng như có mặt kịp thời ở tất cả “mặt trận” từ thành thị, nông thôn, miền núi, biên giới hay hải đảo”.

Cũng theo nhà báo Mỹ Thuật, người làm báo không chịu khó đi cơ sở, không đến hiện trường sự việc thì khó tránh khỏi thông tin một chiều, đôi khi không chính xác, bài viết hời hợt, khó đi vào lòng khán giả. Để có phóng sự phản ánh kịp thời những vấn đề bức xúc trong cuộc sống, những điều dư luận đang quan tâm, người làm báo phải "lăn lộn", trải nghiệm thực tế, bất chấp thời gian, địa điểm, tình huống khó khăn. Vì lẽ đó, người làm báo phải không ngừng học hỏi, đi nhiều, viết nhiều để tích lũy kinh nghiệm, vốn sống, rèn luyện kỹ năng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng.

Dám dấn thân

Ngoài vất vả, khó nhọc, nghề báo còn được xem là 1 trong 10 nghề nguy hiểm nhất. Trong nhiều sự kiện, sự việc, nhà báo gặp không ít tình huống cam go, đôi khi còn đe dọa đến tính mạng. “Với những phóng viên báo Đảng hay đài phát thanh và truyền hình địa phương, quá trình tác nghiệp dường như “dễ thở” hơn so với một số đồng nghiệp khác. Mặc dù vậy, khi thực hiện các bài điều tra, phản ánh, nhà báo cũng đối mặt với những cản trở trong quá trình tác nghiệp: Cá nhân, đơn vị bị phản ánh thu giữ hoặc cố tình làm hư hỏng phương tiện tác nghiệp; gọi điện, nhắn tin “khủng bố” tinh thần hoặc gây thương tích,...” - phóng viên Đức Cảnh (Đài Phát thanh và Truyền hình Long An) cho biết.

Nhiều người chắc hẳn chưa quên vụ nhóm phóng viên, nhà báo Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An đang tác nghiệp ngoài khu vực gần Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa đóng trên địa bàn xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa thì bị nhóm người đang làm việc tại đây xông vào hành hung. Đây là địa điểm được phản ánh nhiều về tình trạng nước rỉ từ nhà máy rác tràn ra gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Sau vụ hành hung, phóng viên Đức Cảnh bị xây xát, chấn thương phần mềm ở mặt và tay, máy quay phim bị giật đứt dây đeo, rớt xuống đất, hư hỏng nhẹ.

Mặc dù nhà báo (nhất là những nhà báo viết điều tra, phản ánh tiêu cực) đối mặt với nhiều nguy hiểm nhưng không vì thế mà họ nản lòng. Thời gian qua, qua tìm hiểu, xâm nhập của nhà báo, rất nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp, oan sai, tham nhũng,... được “phanh phui” trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, ngành chức năng nắm được vụ việc và vào cuộc giải quyết, những tổ chức, cá nhân vi phạm bị pháp luật xử lý, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Gần 10 năm gắn bó với mảng nội chính, bạn đọc, nhà báo Lê Đức (Báo Long An) tâm sự: “Đằng sau những sự thật được đưa đến với độc giả là sự dấn thân, nhập vai để thu thập chứng cứ của các nhà báo, phóng viên. Đôi khi, nhờ những thông tin phản ánh, mang tính dự báo qua các bài viết này, các ngành chức năng có những giải pháp để điều chỉnh, chỉ đạo khắc phục.  Vì vậy, thật không ngoa khi nói những tin, ảnh, bài viết đăng trên báo hằng ngày không đơn thuần là con chữ, con số, hình ảnh “biết nói”, thực trạng vấn đề mà còn có cả mồ hôi, nước mắt của các phóng viên, nhà báo”.

Lăn xả với nghề

Nghề báo vốn khó khăn nhưng với những phóng viên, nhà báo viết phản ánh, bạn đọc, pháp luật lại càng khó khăn hơn, đôi khi không được cung cấp thông tin vì còn nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị muốn che giấu những gì chưa tốt. “Dù khó khăn, vất vả nhưng chỉ cần sau mỗi bài báo, các ngành chức năng vào cuộc xử lý hay đơn thuần nhận được lời cảm ơn của bạn đọc là chúng tôi cảm thấy ấm lòng, có thêm động lực vững bước với nghề” - nhà báo Kiên Định (Báo Long An), bộc bạch.

Nhà báo Kiên Định kể: "Gần 5 năm gắn bó với nghề báo, tôi nhớ nhất lần “một mình, một ngựa” về xã biên giới Hưng Điền tìm hiểu, nắm thông tin tình trạng buôn lậu trâu, bò qua biên giới để phản ánh trên mặt báo (sau Tết Nguyên đán 2014). Lúc này mới vào nghề, kinh nghiệm chưa nhiều nên tôi cùng phóng viên Văn Đát (khi đó công tác tại Đài Truyền thanh huyện Tân Hưng), chạy dọc theo kênh Cái Cỏ để thu thập tư liệu. Công việc vừa xong cũng là lúc tôi được các anh bộ đội biên phòng “mời” về “làm việc” và xóa một số hình ảnh đã chụp với lý do "Vào khu vực biên giới không thông báo với lực lượng bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương". Thế là, bài viết không thực hiện được, còn tôi xem đó là bài học nhắc nhở bản thân phải tìm hiểu một số kiến thức trước khi bắt tay vào công việc.

Ảnh minh họa: An Kỳ

Ảnh minh họa: An Kỳ

Dù phải đương đầu với nhiều hiểm nguy, thách thức nhưng với trách nhiệm là “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa”, “người thư ký thời đại”, những “con chim báo bão” vẫn sẵn sàng có mặt mọi lúc, mọi nơi để có những tác phẩm báo chí tốt, phục vụ bạn đọc, khán, thính giả, góp phần vào sự phát triển KT-XH. Theo nhà báo Lê Đức (Báo Long An), đã là nhà báo thì không được vô cảm, thờ ơ và phán xét cuộc sống một cách vô tội vạ mà phải biết quan sát, nhìn nhận, cảm nhận, tổng hợp những gì đang diễn ra xung quanh bằng cả trái tim, khối óc và sự khách quan.

Nếu nhà báo không yêu nghề, "say" nghề, dám dấn thân, lăn xả hết mình thì khó có những tin, bài hay phục vụ công chúng. Những người làm báo hãy luôn giữ “bút sắc, lòng trong” để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh của mình./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết