Tiếng Việt | English

25/05/2022 - 09:04

Chủ động phòng bệnh mùa hè

Thời tiết thay đổi, bước vào mùa mưa cùng với ý thức vệ sinh phòng bệnh của một bộ phận người dân chưa cao khiến dịch bệnh mùa hè dễ phát sinh, nhất là các bệnh như sốt xuất huyết (SXH), tay - chân - miệng (TCM), sởi, cúm, viêm não Nhật Bản,... Do đó, người dân cần chú ý phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe bản thân, cộng đồng, nhất là trẻ nhỏ.

Các trường học thường xuyên phun xịt khuẩn, chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè

Không được chủ quan với các bệnh mùa hè

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh SXH, các bệnh mùa hè, bảo vệ sức khỏe người dân. UBND tỉnh Long An yêu cầu Sở Y tế theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh, kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả; chỉ đạo các trung tâm y tế tham mưu UBND cấp huyện khẩn trương triển khai ngay các đợt chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt côn trùng; đồng thời, chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh lập kế hoạch lấy mẫu bệnh phẩm, điều trị bệnh nhân, chuyển tuyến kịp thời đối với các trường hợp nặng, thông báo cho trung tâm y tế gần nhất để kiểm tra, xử lý ổ dịch.

Được biết, trong tháng 5/2022, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống dịch SXH, Zika và Chikungunya đợt 1 và đợt 2 diễn ra trong tháng 6/2022. Chiến dịch gồm các hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân trong công tác phòng bệnh. Ngoài ra, các cộng tác viên còn đến từng hộ gia đình hướng dẫn loại bỏ các ổ lăng quăng để tiêu diệt mầm bệnh.

Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - bác sĩ CKII Huỳnh Hữu Dũng, trên địa bàn tỉnh, 2 loại bệnh lưu hành nhiều nhất trong mùa hè là TCM và SXH, những bệnh còn lại tuy mỗi năm chỉ ghi nhận vài trường hợp nhưng người dân cũng không nên chủ quan.

Đặc biệt quan tâm, bảo vệ sức khỏe trong học đường

Cũng theo bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng, trường học có đông học sinh là môi trường dễ lây lan các bệnh truyền nhiễm, nhất là TCM. Hiện nay, bên cạnh phòng, chống dịch Covid-19, SXH, các trường cũng đặc biệt lưu ý phòng bệnh TCM, nhất là lứa tuổi nhỏ. TCM lây lan qua đường ăn uống, xảy ra quanh năm nhưng có xu hướng tăng cao vào thời điểm tháng 3 - 5 và tháng 9 - 12. Để phòng bệnh, người lớn và trẻ em cần rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng; tăng cường lau sàn, bề mặt tiếp xúc. Khi trẻ có dấu hiệu như nổi bóng nước đặc trưng thì giáo viên, phụ huynh cần cho trẻ nghỉ học khoảng 1 tuần, đưa trẻ đi khám, điều trị kịp thời, bảo đảm vệ sinh, tránh lây lan trong trường học.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Tân An - Dương Nguyên Quốc, thành phố có 38 trường từ cấp mầm non đến tiểu học, THCS. Để phòng dịch trong trường học, Phòng chỉ đạo các trường phối hợp chặt chẽ cơ quan y tế xã, phường để kịp thời xử lý khi học sinh có các triệu chứng bất thường. Bên cạnh đó, các trường cũng tăng cường liên lạc với cha mẹ học sinh để giáo dục, nâng cao ý thức học sinh trong việc phòng bệnh, kịp thời theo dõi sức khỏe của trẻ. Các trường cũng thường xuyên vệ sinh sạch sẽ phòng học, khuôn viên, tổ chức diệt lăng quăng phòng dịch bệnh lây lan.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Quốc Tế (phường 3, TP.Tân An) - Tất Thị Thanh Hương cho biết, trường có 265 trẻ từ 24 tháng tuổi đến 5 - 6 tuổi. Mỗi buổi sáng, nhà trường đều cử giáo viên đón trẻ, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi vào lớp. Trường thường xuyên phối hợp Trạm Y tế phường nhận thuốc phun xịt muỗi và tổ chức phun xịt vào thứ bảy hàng tuần. Đồ dùng, đồ chơi cho trẻ được rửa thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn.

Trường Mẫu giáo Rạng Đông (phường 5, TP.Tân An) cũng chú trọng theo dõi sức khỏe của trẻ, nhất là thời điểm bùng phát các dịch bệnh mùa hè. Nhân viên y tế nhà trường - Nguyễn Thị Thanh Thảo cho biết: “Nhà trường, giáo viên thường xuyên phối hợp phụ huynh theo dõi sức khỏe của trẻ. Bộ phận y tế trường học tăng cường phối hợp Trạm Y tế phường tuyên truyền, thông tin đến phụ huynh về các biện pháp phòng bệnh. Khi có ổ dịch tại trường học sẽ phối hợp xử trí kịp thời, phun xịt khử khuẩn định kỳ để diệt trừ mầm bệnh”.

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, ngoài sự tích cực của ngành Y tế, Giáo dục và các ban, ngành, địa phương, người dân cần chủ động, ý thức trong công tác phòng bệnh, thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm dinh dưỡng, rửa tay bằng xà phòng và đặc biệt chú trọng đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, không để lây lan thành dịch trong cộng đồng./.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tuần lễ ngày 02 đến 08/5/2022, toàn tỉnh ghi nhận 20 ca TCM, tăng 6 ca so với tuần liền kề trước đó. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 59 ca TCM.

Với bệnh SXH, trong tuần ghi nhận 127 ca (91 ca nội trú, 36 ca ngoại trú), số ca mắc tăng 21% so với tuần liền kề trước đó, tăng 86,7% so cùng kỳ năm 2021. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 18 ca SXH nặng; tổng số ca mắc SXH là 921 ca (710 ca nội trú, 211 ca ngoại trú), tăng 3,8% so cùng kỳ năm 2021.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết