Người dân không được chủ quan, lơ là, luôn đeo khẩu trang nơi công cộng để phòng, chống dịch Covid-19
Không chủ quan trước dịch covid-19
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có xu hướng gia tăng trở lại, nhằm bảo đảm thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, UBND tỉnh Long An chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu người dân cần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thông tin từ Sở Y tế, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận trên 454 ca mắc Covid-19, giảm 18 lần so cùng kỳ; lũy kế đến nay có trên 50.100 ca.
Theo khuyến cáo của ngành Y tế, người dân không được chủ quan, lơ là, luôn đeo khẩu trang nơi công cộng, thực hiện tốt thông điệp “2K”, hạn chế tập trung đông người khi không cần thiết, khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi,… cần báo cáo ngay cơ sở y tế để được hỗ trợ, giúp đỡ. Hiện các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, nhất là các nhóm nguy cơ cao.
Mùa du lịch hè năm 2023 đã khởi động. Việc đi lại, tham quan, du lịch của người dân có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh nếu người dân không thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch. Vì vậy, các cấp, các ngành, địa phương tăng cường rà soát, vận động người dân tham gia tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nhất là với các nhóm có nguy cơ cao; đồng thời, tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Chị Phạm Thị Hồng Ngân (ấp 2, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa) cho biết: “Nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng, chống dịch Covid-19, gia đình tôi luôn đeo khẩu trang y tế khi ra ngoài; chuẩn bị gel rửa tay khô tại cửa vào nhà,... để phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh”.
Chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
Loại bỏ các vật dụng không cần thiết để muỗi vằn không có nơi trú ngụ và sinh sản, hạn chế nguy cơ lây lan bệnh sốt xuất huyết
Hiện nay, ngoài dịch Covid-19, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong phòng, chống bệnh sốt xuất huyết (SXH). Tính từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.486 ca mắc SXH (tăng 19,7% so cùng kỳ năm 2022) và 86 ca SXH nặng (tăng 60 ca so cùng kỳ năm 2022), trong đó, có 1 ca tử vong.
Để chủ động phòng, chống bệnh SXH, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, nâng cao ý thức hộ gia đình thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng, giữ vệ sinh môi trường xung quanh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Theo đó, các địa phương tập trung triển khai chiến dịch “Diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống bệnh SXH Dengue và bệnh do virút Zika”; đồng thời, vận động ký cam kết diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống bệnh SXH,...
“Qua công tác thông tin, tuyên truyền, tôi hiểu biết hơn về sự nguy hiểm của bệnh SXH. Vì vậy, tôi thường xuyên thu gom, tiêu hủy các vật phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. Các thành viên trong nhà phải thường xuyên vệ sinh xung quanh nhà để môi trường thông thoáng, không để muỗi có nơi sinh sản” - chị Lê Thị Ngọc Nhung (xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc) chia sẻ.
Mùa mưa là điều kiện thuận lợi để muỗi, lăng quăng phát triển, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch SXH nếu người dân không đậy kín lu chứa nước, dọn sạch các vật dụng đọng nước và vệ sinh môi trường thường xuyên.
“Dịch bệnh đang có chiều hướng giảm trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, số ca mắc vẫn tập trung cao tại các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa, Châu Thành và TP.Tân An” - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Huỳnh Hữu Dũng cho biết.
Để công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành Y tế. Tất cả vì an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân./.
Người dân thực hiện tốt thông điệp “2K” (Khẩu trang - Khử khuẩn) và tiêm chủng vắc-xin đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng dịch Covid-19. Bên cạnh đó, cần chủ động phòng, chống SXH, bởi đây là bệnh lưu hành hàng năm, xảy ra thường xuyên và cao điểm vào mùa mưa. Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh SXH và thuốc điều trị đặc hiệu. Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng; tránh muỗi đốt bằng cách thường xuyên mặc quần dài, áo dài tay và ngủ mùng kể cả ban ngày; vệ sinh môi trường; loại bỏ các vật dụng chứa nước không cần thiết; khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời”.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Huỳnh Hữu Dũng khuyến cáo
|
Thùy Minh - Chí Đang