Sáng nay (29/12), tại Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức hội nghị triển khai công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2018.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương dự và chỉ đạo hội nghị.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và cán bộ, công nhân nhân viên chức của ngành Kiểm sát.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại hội nghị
Năm 2017, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng đã phát hiện, khởi tố 69.481 vụ án hình sự, giảm 3 vụ so với năm 2016. Tội phạm tuy được kiềm chế nhưng tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho xã hội, nhiều vụ quy mô, tổ chức hoạt động phạm tội chặt chẽ hơn. Đáng lưu ý, một số nhóm tội phạm được phát hiện khởi tố tăng, như: tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia tăng 140%; tội phạm về tham nhũng tăng 17,9%...
Các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tăng nhiều, tính chất phức tạp hơn; trong đó, khiếu kiện hành chính tăng 48,8%, tập trung nhiều trong lĩnh vực đất đai.
Viện kiểm sát các cấp đã kiểm sát chặt chẽ toàn bộ các quyết định giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố;… Thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ đã yêu cầu khởi tố 565 vụ, tăng 26,4%; hủy bỏ 49 quyết định không khởi tố vụ án; trực tiếp khởi tố và yêu cầu điều tra 22 vụ án;... Qua đó, đã thực hiện sớm hơn và gắn chặt hơn giữa thực hành quyền công tố với hoạt động điều tra, bảo đảm mọi hành vi phạm tội đã phát hiện đều được xem xét, xử lý đúng pháp luật; kịp thời phát hiện, hủy bỏ các quyết định khởi tố hoặc không khởi tố thiếu căn cứ, trái pháp luật; hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm.
Toàn Ngành đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường trách nhiệm công tố trong giai đoạn xét xử, trọng tâm là nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa và kịp thời phát hiện vi phạm, thiếu sót trong các bản án, quyết định để ban hành kháng nghị khắc phục.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ tham nhũng, kinh tế lớn, như: vụ Hà Văn Thắm, vụ Phạm Công Danh, vụ Giang Kim Đạt,...
Đẩy mạnh tiến độ điều tra giai đoạn II một số vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng để sớm đưa ra xét xử trong thời gian tới. Kết quả điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế thời gian qua, được dư luận đồng tình ủng hộ, tạo hiệu ứng tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang biểu dương và đánh giá cao kết quả đạt được của ngành Kiểm sát nhân dân trong năm 2017. Trong đó, Viện kiểm sát các cấp đã tích cực triển khai thực hiện nhiều biện pháp hiệu quả; công tác quản lý, chỉ đạo điều hành được tăng cường, qua đó phát huy vai trò của người đứng đầu. Chất lượng công tác chuyên môn, nghiệp vụ tiếp tục có chuyển biến; trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra các vụ án hình sự được tăng cường. Ngành cũng kiểm sát chặt chẽ việc thụ lý, giải quyết tố giác tin báo về tội phạm, không để oan sai và bỏ lọt tội phạm.
Chủ tịch nước cho rằng, năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh việc phấn đấu hòa thành nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 2016-2020 và cũng là năm các cơ quan tư pháp trong đó có ngành Kiểm sát nhân dân triển khai các đạo luật mới về tư pháp, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước.
Toàn cảnh hội nghị
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đồng tình với những đánh giá hạn chế, thiếu sót và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2018. Chủ tịch nước đề nghị ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về lĩnh vực tư pháp. Đồng thời chủ động nghiên cứu, đề xuất với đảng, nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp các chủ trương, giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đặc biệt là tội phạm tham nhũng, chức vụ, tội phạm kinh tế. Tập trung đổi mới các mặt công tác gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực thi nhiệm vụ.
Chủ tịch nước cũng đề nghị ngành cần đề cao tinh thần pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội xã hội chủ nghĩa, bảo đảm công lý phải được thực thi, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, văn minh:
“Đề cao trách nhiệm, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; thực thi đúng, đầy đủ, hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Tập trung đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là các loại tội phạm mới. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn và thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt và các vụ án tạm đình chỉ. Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, các vụ việc dân sự” – Chủ tịch nước chỉ đạo.
Chủ tịch nước yêu cầu ngành cần tăng cường năng lực, bảo đảm Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực sự là công cụ hữu hiệu ngăn chặn các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp và tội phạm tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát hoạt động tư pháp; bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, xử lý đúng người, đúng tội, không để lọt tội phạm, không làm oan, sai người vô tội. Đồng thời đề nghị ngành tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa ngành Kiểm sát nhân dân và các cơ quan tư pháp khác và các ban, bộ, ngành, địa phương trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và trong công tác xây dựng thể chế.
Ngành cần phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước cơ chế chính sách đặc thù cho các cơ quan tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và các nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp. Đồng thời, tập trung nghiên cứu, xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; tăng cường tập huấn, hướng dẫn thi hành luật, bảo đảm đội ngũ công chức, Kiểm sát viên của Ngành áp dụng đúng quy định pháp luật và nghiệp vụ của Ngành trong thực thi công vụ.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị:“Chăm lo xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân vững mạnh toàn diện, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” như Bác Hồ kính yêu đã dạy. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân phải là tấm gương trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực sự là chỗ dựa của công lý”.
Chủ tịch nước đề nghị ngành cần mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh xây dựng và thực hiện đầy đủ các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm khủng bố, tội phạm ma túy và tội phạm mua bán người. Chủ tịch nước tin tưởng, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương và sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, ngành Kiểm sát nhân dân sẽ tiếp tục có những bước phát triển toàn diện và mạnh mẽ hơn trong năm 2018, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân../.
Việt Cường/VOV.VN