Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới
Xác định việc tạo điều kiện cho PN và trẻ em phát triển bình đẳng và chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ, tỉnh triển khai thực hiện nhiều mô hình BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới như: Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng, Chăm sóc thay thế, Câu lạc bộ PN khởi nghiệp, Nam giới điểm 10,... Đặc biệt, tỉnh vừa tổ chức Tháng hành động Vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020, với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với PN và trẻ em”.
Tặng quà cho trẻ em tại lễ phát động Tháng hành động Vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020
Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tình trạng bạo lực gia đình, phân biệt, đối xử với phụ nữ, trẻ em gái vẫn còn diễn ra ở một vài nơi và dưới nhiều hình thức khác nhau. Theo số liệu thống kê: Năm 2016, tỉnh xảy ra 68 vụ; năm 2017 xảy ra 128 vụ; năm 2018 xảy ra 60 vụ (trong đó 49 nữ là nạn nhân); năm 2019 xảy ra 48 vụ bạo lực gia đình. Đau lòng hơn, khi nhiều vụ xâm hại tình dục đối với trẻ em gái đã gây hậu quả nghiêm trọng cho các em và gia đình (năm 2015: 23 vụ, năm 2016: 13 vụ, năm 2017: 19 vụ, năm 2018: 29 vụ, năm 2019: 32 vụ, 6 tháng đầu năm 2020: 1 vụ). |
Lễ phát động Tháng hành động Vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới có sự tham gia của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể, huyện, thị xã, thành phố và các tầng lớp nhân dân. Được biết, đây là một trong những chuỗi hoạt động truyền thông về BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới của tỉnh nhằm tạo ra sự thay đổi tích cực trong xã hội về thực hiện BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cần Giuộc - Nguyễn Thanh Lộc cho biết: “Từ ngày 15/11 đến 15/12, huyện sẽ tổ chức các hoạt động như biểu dương, khen thưởng Nam giới điểm 10; tổ chức tuyên truyền Luật BĐG, gương PN tiêu biểu; củng cố và nâng chất các Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình,... Thông qua các hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, vị trí của PN và trẻ em trong xã hội, góp phần phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với PN và trẻ em gái”.
Tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em gái phát triển bình đẳng
Trời chưa sáng, ông Nguyễn Văn Tâm, ngụ ấp Rạch Mây, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, thức dậy nấu nước pha cà phê, châm trà và sắp xếp bàn ghế chuẩn bị mở cửa quán phục vụ khách hàng. Khi hoàn thành việc ở quán, ông nhanh chân về nhà đi chợ, lo bữa cơm cho gia đình. Bà Nguyễn Thị Phượng (vợ ông Tâm) tự hào nói: “Sức khỏe tôi không tốt, thường xuyên đau ốm nên những việc trong gia đình, ông xã tôi đều lo hết. Mỗi khi tôi bị bệnh, ông xã luôn ở bên cạnh chia sẻ, động viên. Tôi cảm thấy hạnh phúc và tự hào khi có được người chồng hết mực thương yêu”. Ông luôn tạo điều kiện cho 2 đứa con gái học đến nơi, đến chốn. Ông Tâm chia sẻ: “Con gái hay con trai đều cần phải có con chữ, cái nghề để mở mang kiến thức và có công việc ổn định. Con gái có việc làm ổn định sau khi lập gia đình sẽ được tôn trọng, khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong gia đình và xã hội”.
Ông Nguyễn Văn Tâm, ngụ ấp Rạch Mây, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, luôn gánh vác việc gia đình
Đầu năm 2019, xã Tân Kim (nay là thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc) được chọn làm điểm thực hiện mô hình Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng. Ngay sau đó, các nhóm phòng, chống bạo lực gia đình được thành lập; đồng thời, họ được bổ sung kiến thức về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực gia đình trên cơ sở giới; kỹ năng tư vấn ổn định tâm lý nạn nhân khi tiếp nhận nạn nhân bị bạo lực;... Nhờ vậy, đến nay, mô hình tiếp cận tư vấn được 50 gia đình có nguy cơ bị bạo lực gia đình.
Chị Nguyễn Thị Trúc My, ngụ khu phố Kim Định, thị trấn Cần Giuộc, bộc bạch: “Trước đây, vợ chồng tôi thường “cơm không lành, canh không ngọt” bởi anh hay rượu chè còn tôi thường cằn nhằn nên dẫn đến mâu thuẫn. Biết được tình trạng trên, thị trấn tạo điều kiện cho vợ chồng tôi tiếp cận Luật BĐG, Luật Hôn nhân và Gia đình,... Sau một thời gian, chồng tôi bớt rượu, bia, quan tâm vợ con nhiều hơn, từ đó gia đình ngày càng hạnh phúc, mọi khúc mắc đều được giải quyết”.
Chị Nguyễn Thị Trúc My, ngụ khu phố Kim Định, thị trấn Cần Giuộc xây dựng gia đình hạnh phúc nhờ được tư vấn về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình
Nhằm giúp PN và trẻ em gái có điều kiện phát triển bình đẳng, Hội Liên hiệp PN Việt Nam huyện Cần Đước thành lập nhiều mô hình như Tổ tư vấn tâm lý, Câu lạc bộ Chia sẻ yêu thương, Hỗ trợ PN bị bệnh nan y, Nuôi trẻ em khuyết tật,... Riêng năm 2020, Hội Liên hiệp PN Việt Nam huyện thành lập chương trình “Đồng hành cùng PN yếu thế” nhằm kết nối nhà hảo tâm tặng quà, xây nhà, tư vấn tâm lý cho PN yếu thế và trẻ em nghèo. Đến nay, chương trình vận động xây dựng và sửa chữa 25 mái ấm tình thương cho hội viên, PN có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; hỗ trợ 10 trẻ em khuyết tật, mỗi em 100.000 đồng/tháng; 15 PN bị bệnh nan y, mỗi chị 200.000 đồng/tháng; tặng hàng ngàn phần quà, suất học bổng cho PN và trẻ em nghèo;...
Chương trình “Đồng hành với phụ nữ yếu thế” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện Cần Đước đã hỗ trợ rất nhiều phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Thị Bạch Huệ cho biết: “Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tỉnh có nhiều nỗ lực trong việc triển khai, thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác BĐG, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Nổi bật như nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của BĐG đối với sự phát triển của xã hội, cộng đồng được nâng lên rõ rệt; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BĐG được thực hiện một cách thiết thực và tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng hơn; vai trò, vị trí của người PN ở cơ quan, gia đình và trong xã hội ngày càng được cải thiện”./.
Hiện nay, Việt Nam có 62,9% phụ nữ (PN) từng chịu ít nhất 1 hình thức bạo lực do chồng hoặc bạn tình gây ra trong đời; 11,4% PN từng bị một hoặc nhiều loại hành vi quấy rối và lạm dụng tình dục; 23,3% PN bị thương tích do bị bạo lực; 51,8% PN đồng ý với ít nhất một hoặc hơn một lần với lý do cho rằng chồng có lý khi đánh vợ; 49,6% PN từng bị bạo lực không kể cho bất cứ ai; 90,4% PN từng bị bạo lực thế xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ của các cơ quan cung cấp dịch vụ nhà nước,...”.
Nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử Quốc hội - Nguyễn Thị Kỳ
Thời gian qua, Việt Nam là một trong những quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương có những tiến bộ đáng kể về thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Theo báo cáo khoảng cách giới toàn cầu vào năm 2020, Việt Nam xếp thứ 87/153 quốc gia. Tuy nhiên, bất bình đẳng giới ở Việt Nam vẫn tồn tại trong nhiều lĩnh vực, vùng, miền. Những thách thức này đòi hỏi phải xây dựng những chính sách và hành động cụ thể để giữ vững những thành tựu đã đạt; đồng thời, khắc phục những vấn đề giới đang tồn tại và sắp nảy sinh trong thời gian tới”.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Thị Hà
|
Kim Ngọc