Tiếng Việt | English

28/07/2022 - 08:24

Chuyện về anh kỹ sư giải phóng

Liệt sĩ cách mạng Ngô Văn Lớn (Ba Lớn), sinh năm 1933, tại ấp Mỹ Hiệp, làng Mỹ Thạnh, quận Thủ Thừa, tỉnh Tân An (nay là ấp 2, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An), thân phụ là Ngô Văn Bưng, thân mẫu là Đinh Thị Nở. Ông có vợ là Nguyễn Thị Le và ba người con (Ngô Văn Phước, Ngô Văn Đặc, Ngô Thị Gái).

Liệt sĩ Ngô Văn Lớn

Những năm đầu chống Mỹ, Ba Lớn tham gia cách mạng, là nhân viên an ninh xã, phụ trách ấp Mỹ Hòa và Mỹ Hiệp (năm 1960 đổi là ấp 1 và ấp 2). Năm 1961, ông vào đội du kích xã kiêm nhiệm phụ trách Ấp đội 2, xã Mỹ Thạnh Đông. Ông Đoàn Văn Nang (SN 1927, Trưởng Công an xã thời điểm những năm 1960) xác nhận Ngô Văn Lớn “luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có thành tích trong chiến đấu, sáng tạo vũ khí tự tạo để đánh địch, được đồng đội mến phục, nhân dân tin yêu”. Năm 1965, chiến trường ác liệt cũng là lúc du kích huyện, xã phát triển mạnh nhưng rất thiếu vũ khí để đáp ứng yêu cầu đánh giặc. Cùng năm này, Mỹ dùng phi cơ rải bom bi ở hầu khắp các địa bàn. Ngô Văn Lớn là một trong số du kích đầu tiên đi gom bom bi, đạn lép đem về các đám mía tự mày mò, nghiên cứu chế tác thành những trái đạn gài; ông sử dụng thành thạo và hướng dẫn đội du kích cùng “sáng chế”. Trận đánh càn thử nghiệm đầu tiên, Ba Lớn bố trí trái gài làm từ 4 quả bom bi, nhử địch; kết quả, diệt 20 tên, bẻ gãy cả cuộc càn. Quân dân Mỹ Thạnh Đông từ đó phát động phong trào thu gom bom bi, đạn lép làm trái gài tự tạo, kết hợp chông, mìn, đạp lôi; ông Đoàn Văn Nang xác nhận: Nhiều trận đánh Mỹ bằng bom bi của Mỹ rất hiệu quả, nhất là đánh biệt kích Mỹ ở đồn Kinh Xáng, Quéo Ba (Đức Huệ), ở Trung tâm huấn luyện biệt kích Hiệp Hòa. Ngô Văn Lớn được phân công đi phổ biến cách tháo lắp bom bi, làm trái gài, cả cách đón hướng máy bay rải bom bi để chủ động lấy đạn giặc giết giặc. Tháng 02/1966, tại ấp Hòa Tây, xã Bình Hòa Bắc, Ba Lớn trực tiếp hướng dẫn du kích 4 xã (Mỹ Thạnh Đông, Bình Hòa Bắc, Bình Hòa Nam, Bình Thành) về đây tập huấn. Sáng tạo và cách làm của Ngô Văn Lớn lan đi khắp huyện. Nhiều trận đánh địch bằng trái gài chế tạo từ bom bi đạt hiệu suất cao; không qua trường lớp nhưng Ba Lớn được nhân dân địa phương luôn quen gọi “Kỹ sư Lớn”. Nhà văn Hoài Vũ từ “R” (căn cứ Trung ương Cục) xuống chiến trường Long An liền được Ban Tuyên huấn và bà con giới thiệu đến Mỹ Thạnh Đông đã viết truyện Anh Kỹ sư giải phóng - nêu gương và kinh nghiệm của Ba Lớn. Phong trào học tập sáng chế bom bi từ “Kỹ sư Lớn” lan ra nhiều xã Tân Phú, Hòa Khánh, Hiệp Hòa,... và các huyện, đã góp phần giải quyết khó khăn về vũ khí của huyện, tỉnh lúc bấy giờ. Chỉ mấy tháng cuối năm 1966, quân dân Mỹ Thạnh Đông bẻ gãy 20 trận càn quét, diệt 150 tên địch, có 41 tên Mỹ chết vì trái gài của “Kỹ sư Lớn”. Nổi bật như Ngô Văn Thông (em trai Ngô Văn Lớn), có một trận gài 3 trái nổ, diệt và làm bị thương 11 tên, có 6 tên Mỹ; Thông được tuyên dương “Dũng sĩ diệt Mỹ” đầu tiên của huyện Đức Huệ. Ở Quéo Ba (Mỹ Quý Tây), cô Chín Xuân dùng bom bi, trái gài diệt giặc, cũng đạt danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”... Quân dân Đức Huệ bẻ gãy nhiều cuộc càn, rất phấn khởi, càng ra sức bám trụ chiến đấu.

Tháng 12/1966, Đại hội Chiến sĩ thi đua và tổng kết hoạt động du kích chiến tranh tỉnh Long An diễn ra ở xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, Ngô Văn Lớn được mời báo cáo điển hình về sáng chế trái gài từ bom bi đánh giặc; ông được Đại hội tuyên dương ba danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt ngụy”, “Kỹ sư bom bi”; sáng tạo của Ngô Văn Lớn được Tỉnh đội cho phổ biến nhân rộng trên chiến trường cả tỉnh. Tháng 01/1967, Ngô Văn Lớn là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh được cử tham gia đoàn 12 Chiến sĩ thi đua của Long An đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn Khu 8 tại xã Mỹ Thiện, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Trở về, ông tiếp tục truy tầm các loại bom pháo, đạn lép, dùng gamen làm vỏ bọc, giữa đặt đạn bi, xung quanh là đinh, miểng, sắt nhọn, làm mìn bom bi, đạp lôi chặn diệt được cả tàu, xe, bộ binh địch. Năm 1967, Mỹ Thạnh Đông đẩy lùi 2 cuộc địch càn quét đổ bộ bằng tàu chiến, diệt hàng chục tên, thu nhiều súng và quân trang, quân dụng.

Cuối năm 1967, Ngô Văn Lớn bố trí mìn bom bi, diệt gọn 17 tên địch; nhưng lần này khi tháo gỡ mìn địch gài lại, không ngờ bị chúng bố trí thêm 3 quả M26 chồng lên nhau và ông hy sinh (khi vừa 34 tuổi). Ngô Văn Lớn mất đi, nhưng tấm gương sáng tạo - kinh nghiệm quý của ông vẫn góp phần cùng quân dân Mỹ Thạnh Đông - Đức Huệ lập công: Từ 1969-1975 tiêu diệt hơn 1.000 tên địch (phần nhiều kết hợp diệt địch bằng bom bi Mỹ). Xã Mỹ Thạnh Đông sau được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên của huyện./.

Long Thái (Hội Khoa học lịch sử tỉnh)

Chia sẻ bài viết