Tiếng Việt | English

09/08/2016 - 13:52

Có nên ban hành Luật Da cam?

Trong xu hướng phát triển và hoàn thiện hệ thống luật, vấn đề chất độc da cam/dioxin cần được nâng dần lên, có tính pháp lý mạnh và chặt chẽ hơn.

Thông tin từ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) cho biết: Có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam đã bị rải trực tiếp chất độc da cam/dioxin do Mỹ gây ra trong chiến tranh tại Việt Nam. Trong số những người bị phơi nhiễm, có 3 triệu người là nạn nhân của chất độc này.

Đặc biệt, hiện cả nước có khoảng 300.000 nạn nhân là con, cháu, chắt của người bị nhiễm trực tiếp; có gần 200 nhóm bệnh tật, dị dạng, dị tật bẩm sinh do phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin. Theo đánh giá, ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin tới thế hệ thứ 3, thứ 4, thậm chí cả về sau này là rất nặng nề, khó lường. Do đó, về lâu dài cần có chính sách thỏa đáng hướng tới đối tượng này.

Bệnh có thể bùng phát ở bất cứ thế hệ nào

PGS.TS Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký VAVA cho biết, hiện Viện Di truyền học đang nỗ lực nghiên cứu về ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin tới thế hệ thứ 3, thứ 4. Theo nguyên tắc chung, khi chất độc đã tác động đến thế hệ thứ 2 thì theo logic có thể sẽ gây ra những biến dị cho các thế hệ tiếp theo. Thậm chí các biến dị này không theo quy luật ngày càng tăng dần, mà có khi thế hệ sau bị chìm xuống, đến một thế hệ nào đấy lại bùng ra. Một thế hệ khỏe mạnh, tuy nhiên đến đời con, cháu lại tái phát bệnh.

Người dân TP HCM đi bộ vì nạn nhân chất độc da cam
Ông Nguyễn Thế Lực nhấn mạnh, bệnh về da cam/dioxin có tính chất đa bệnh, bệnh rất nặng, tích tụ, khó chữa. Bộ Y tế chuẩn bị công bố danh mục trên 200 nhóm bệnh tật, dị dạng, di tật bẩm sinh do phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin, với các căn bệnh như: liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, thoát vị não, tật không có tủy sống, teo vận động mạch phổi…

“Với tính chất như thế, việc điều trị là vô cùng tốn kém và tiền như muối bỏ bể. Cho nên chỉ dạng bệnh nhẹ mới có thể lượng tính được đồng tiền bỏ ra. Còn những dạng bệnh đã nặng lên, tiền chỉ mang tính tượng trưng với nhu cầu thực sự hiện nay” – PGS.TS Nguyễn Thế Lực nói.

Xác định bệnh không dễ

Theo Bộ LĐ-TB-XH, giải quyết chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam đang là vấn đề gặp khó khăn về hồ sơ. Trong đó, khó khăn chính là giám định để xác định loại bệnh thế nào do chất độc da cam gây nên. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận, vấn đề xác định những người nhiễm chất độc hóa học rất khó khăn.

Đối với chuyên ngành y, cơ sở để xác định bệnh do nhiễm chất độc hóa học chưa có, kể cả các nước trên thế giới. Bởi vì chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, khi muốn xác định người đó bị nhiễm dioxin thì thực chất phải lấy máu, xét nghiệm được chất đó trong máu. Tuy nhiên, việc đó không khả thi. 

PGS.TS Nguyễn Thế Lực

PGS.TS Nguyễn Thế Lực nhấn mạnh: Vấn đề xác định bệnh đang đặt ra rất bức thiết. Chúng ta đã và đang kêu gọi các nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam, kể cả Chính phủ, đầu tư nghiên cứu mối quan hệ nhân quả giữa chất độc da cam và các bệnh cụ thể. Hiện nay, khoa học dùng phương pháp đối chứng, thực chứng để xác định, so sánh các vùng miền khác nhau. Đó là những chỗ có chất độc da cam thì sẽ phát sinh ra những bệnh mà những khu vực khác không có.
Ông Nguyễn Thế Lực chia sẻ: “Nhưng tôi tin rằng con người sẽ dần tìm ra được nguyên nhân có cơ sở khoa học. Hiện đã bắt được những manh mối nhất định giải quyết vấn đề này”.

Có nên ban hành Luật Da cam?

Đại diện VAVA khẳng định, Hội mong muốn có Luật về vấn đề nhiễm chất độc da cam/dioxin. Bởi từ năm 1991, Mỹ đã ban hành Đạo luật Da cam, trong đó ghi rất đầy đủ những ai được hưởng, hưởng như thế nào, những bệnh tật nào… Ở Việt Nam, trong xu hướng phát triển xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật nói chung, vấn đề này cần được nâng dần lên, có tính pháp lý mạnh và chặt chẽ hơn.

PGS.TS Nguyễn Thế Lực nói: “Có ý kiến cho rằng, số lượng nạn nhân dần sẽ ít đi theo thời gian và Luật ra đời sẽ không tồn tại được lâu. Theo tôi không phải như vậy. Khảo sát năm 1999 – 2000, lượng nạn nhân chất độc da cam/dioxin khác so với khảo sát vừa qua của chúng tôi tại một số tỉnh thành. Trong đó có những tỉnh số nạn nhân nâng lên gấp 4 lần như Ninh Bình; Tây Ninh gấp 1,5 lần.

Không phải số lượng nạn nhân giảm dần đi, mà do trước đây công tác thống kê chưa đầy đủ, hiện số lượng nạn nhân được sinh ra ở các thế hệ mới tăng lên. Những vùng nóng còn tồn lưu cao chất độc da cam/dioxin là nguy cơ tiềm ẩn, làm gia tăng số lượng nạn nhân. Do đó, cách đây 5 - 10 năm, Nhà nước chi ra một khoản tiền khác, thì những năm gần đây số lượng tiền tăng lên”.

PGS.TS Nguyễn Thế Lực nhấn mạnh, VAVA mong muốn có Luật Da cam, điều đó phù hợp với xu thế phát triển của đất nước. Khi Luật ra đời, tính pháp lý của vấn đề này sẽ mạnh mẽ, rõ ràng, chính xác hơn, có tính ràng buộc cao hơn. Đặc biệt, những nạn nhân sẽ được hưởng lợi ích nhiều hơn./.

Ông Y Biêr Niê, đại biểu Quốc hội Đắk Lắk: Về lâu dài, bên gây ra không thể hỗ trợ cho nạn nhân hết được. Do đó, Chính phủ và Nhà nước cần có chính sách quan tâm về lâu dài, nhất là cho thế hệ thứ 3, thứ 4. Điều này sẽ tháo gỡ được những khó khăn của những người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Về ý kiến ban hành Luật Da cam, theo tôi về lâu dài là hết sức cần thiết. Số lượng nạn nhân chịu tác động của Luật không nhiều, nhưng ảnh hưởng rất nặng nề kể cả về mặt tâm lý, thể chất và các vấn đề khác.

Lại Thìn/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích