Tiếng Việt | English

22/02/2021 - 15:57

Cơ quan Chính trị Quân khu 8: Dấu son rực rỡ trong kháng chiến

Trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, có một Khu di tích lịch sử (KDTLS) cấp tỉnh - Cơ quan Chính trị Quân khu (QK) 8. Sau khi được xây dựng lại khang trang bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, KDT đã phát huy được hiệu quả thiết thực trong giáo dục truyền thống.

Đều đặn mỗi tháng 1 lần, đoàn viên, thanh niên xã Nhơn Ninh đến dọn vệ sinh kết hợp sinh hoạt chi đoàn tại khu di tích (Ảnh Đoàn xã cung cấp)

Đều đặn mỗi tháng 1 lần, đoàn viên, thanh niên xã Nhơn Ninh đến dọn vệ sinh kết hợp sinh hoạt chi đoàn tại khu di tích (Ảnh Đoàn xã cung cấp)

Nơi nhắc về lịch sử

Từ khi KDT Cơ quan Chính trị QK8 được thành lập thì đều đặn mỗi tháng 1 lần, đoàn viên, thanh niên xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh đến dọn vệ sinh kết hợp sinh hoạt chi đoàn tại KDT. Hoạt động trên vừa giữ gìn vệ sinh, mỹ quan KDT, vừa giúp hoạt động sinh hoạt chi đoàn được mới mẻ, ý nghĩa hơn. Bí thư Đoàn xã Nhơn Ninh - Võ Tiền Phong cho biết, ngoài tổ chức sinh hoạt chi đoàn tại KDT, mỗi quí một lần, Đoàn xã tổ chức chi đoàn 4 trường học trên địa bàn luân phiên nhau đến tham quan, nói chuyện truyền thống tại KDT. Tùy theo điều kiện cụ thể từng trường mà các trường đăng ký thời gian, số lượng đoàn viên, học sinh tham gia viếng KDT, giúp đoàn xã chủ động sắp xếp. Các em thiếu nhi, học sinh, đoàn viên đến viếng sẽ được thắp hương, ôn lại truyền thống vẻ vang của Cơ quan Chính trị QK8, tham quan nhà lưu niệm với nhiều hình ảnh, hiện vật. Cô Hồ Thị Huệ (Trường Mầm non Nhơn Ninh) cho biết: “Khi được tổ chức tham quan nhà bia, các bé rất vui vẻ, hứng thú về những hình ảnh, hiện vật được trung bày tại KDT. Những trải nghiệm như thế sẽ lưu giữ lại trong lòng các bé niềm tự hào, bồi dưỡng thêm tình yêu quê hương cho các cháu”.

KDT Cơ quan Chính trị QK8 nhắc nhở cho thế hệ trẻ một giai đoạn hào hùng của cha anh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. KDT gồm bia truyền thống và nhà truyền thống được xây dựng từ nguồn kinh phí xã hội hóa mà một phần công sức không nhỏ thuộc về các cựu chiến binh, những người đã gắn bó với Cơ quan Chính trị QK8 và mảnh đất Nhơn Ninh. Nhà truyền thống có diện tích rộng với nhiều hình ảnh, hiện vật được sưu tầm, trưng bày. Theo Bí thư Đoàn xã Nhơn Ninh - Võ Tiền Phong, Nhà truyền thống Cơ quan Chính trị QK8 thường là địa điểm tổ chức các hoạt động, phong trào Đoàn tại địa phương. Từ việc tham gia các hoạt động, phong trào Đoàn, đoàn viên, thanh niên, học sinh xã nhà có cơ hội tìm hiểu và tự hào về quá khứ hào hùng của cha anh.

Nhà truyền thống có diện tích rộng, ngoài hình ảnh, hiện vật, còn có nhiều sách, báo được đặt tại đây phục vụ người đến tham quan, tìm hiểu

Nhà truyền thống có diện tích rộng, ngoài hình ảnh, hiện vật, còn có nhiều sách, báo được đặt tại đây phục vụ người đến tham quan, tìm hiểu

Những ngày tháng kiêu hùng

Theo lịch sử truyền thống 30 năm Cơ quan Chính trị QK8, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám - 1945, để xóa bỏ thành quả vĩ đại của cách mạng, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta. Trong tình hình đó, Chiến khu 8 được thành lập ngày 10/12/1945 tại huyện Đức Hòa. Về đóng quân ở Đồng Tháp Mười, Bộ Chỉ huy Chiến khu 8 vừa quan tâm củng cố thế trận của căn cứ địa vững chắc, vừa coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục trong dân. Thấy rõ vai trò của báo chí, văn hóa, văn nghệ trong công tác tuyên truyền, giáo dục cách mạng trong dân, Bộ Chỉ huy chiến khu đề xuất phải có tờ báo chính thức. Giữa năm 1946, tờ báo Tổ Quốc ra đời, trở thành tiếng nói của lực lượng vũ trang (LLVT) Chiến khu 8 và món ăn tinh thần không thể thiếu của quân dân Nam bộ trong suốt kháng chiến chống Pháp.

Ngày 20/10/1946, Phòng Chính trị Chiến khu 8 được thành lập tại xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh do đồng chí Nguyễn Văn Long làm trưởng phòng. Phòng có nhiệm vụ thực hiện công tác chính trị trong LLVT chiến khu, góp phần xây dựng và nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng. Trong chiến thắng Giồng Dứa (Tân Hiệp, Mỹ Tho, Tiền Giang) và chiến thắng Cổ Cò (Cái Bè - Mỹ Tho, Tiền Giang) có sự góp sức không nhỏ của cơ quan Chính trị Chiến khu 8. Lúc đó, Tổ Nhiếp ảnh, Điện ảnh thuộc Phòng Chính trị Chiến khu 8 ra đời trong điều kiện hết sức khó khăn để ghi lại những hình ảnh hoạt động và chiến đấu của LLVT trong chiến khu nhằm kịp thời động viên bộ đội. Đồng Tháp Mười không chỉ là trung tâm lãnh đạo chỉ huy kháng chiến mà còn trở thành trung tâm văn hóa, văn nghệ kháng chiến với nhiều tác phẩm nổi bật được ra đời: Ca khúc Tiểu đoàn 307, ca khúc Lá xanh, kịch Lòng dân, Người mặt cháy,…

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, LLVT QK2 (QK8) được tái lập, theo đó, Cơ quan Chính trị QK cũng được thành lập. Trong giai đoạn Mỹ tiến hành Chiến tranh cục bộ, Phòng Chính trị đã làm tốt công tác cán bộ, xây dựng chi bộ bốn tốt, nâng cao chất lượng báo QK, phát động phong trào Tìm Mỹ mà diệt, tìm ngụy mà đánh, giành danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ bắn máy bay, Dũng sĩ diệt xe tăng,… tạo nên khí thế thi đua lan tỏa trong toàn khu. Tại vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến (Long An) và Bình Đức (Tiền Giang), công tác binh vận, địch vận đã phát triển mạnh mẽ với nhiều hình thức và nội dung phong phú. Với những đóng góp to lớn, thiết thực, Cơ quan Chính trị QK8 đã góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975. Ngày nay, chấp hành theo quyết định của Bộ Quốc phòng, QK8 và QK9 hợp nhất thành QK9.

KDT Cơ quan Chính trị QK8 nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau về truyền thống tốt đẹp của Cơ quan Chính trị QK8 như một vết son tạo nên lịch sử vẻ vang của dân tộc./.

Mộc Châu

Chia sẻ bài viết